17:30 23/06/2021

Thanh toán không tiền mặt bùng nổ, nhưng tiền mặt vẫn quá nhiều

Chính phủ đặt mục tiêu đến cuối 2020, tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán dưới 10%, nhưng thực tế lại đang là 11,53%...

Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động toàn ngành ngân hàng ngày 21/6, số liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 4/2021, có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua internet; 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động; toàn thị trường hiện có khoảng hơn 271 nghìn POS và hơn 19 nghìn ATM.

Cũng tại thời điểm cuối tháng 4 năm nay so với cùng kỳ 2020, tăng trưởng qua các kênh giao dịch về số lượng và giá trị lần lượt như sau: internet: 65,9% - 31,2%; điện thoại di động: 86,3% - 123,1%; QR: 95,7% - 181,5%.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), trong những tháng đầu năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động thanh toán trong nền kinh tế vẫn diễn ra an toàn, hiệu quả thông suốt.

Ngoài ra, khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ mới, hiện đại để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

 
Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán là 11,05%. Đến hết tháng 4/2021 lại tăng lên mức 11,53%, tương ứng khoảng 1,43 triệu tỷ đồng. Trong khi mục tiêu này tại Quyết định số 2545/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 30/12/2016 là dưới 10%.

“Các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán vẫn tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến”, ông Dũng cho biết.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là trong khi thanh toán không tiền mặt bùng nổ thì tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán vẫn rất cao, thậm chí có xu hướng tăng thêm.

Cụ thể, cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán là 11,05%. Đến hết tháng 4/2021 lại tăng lên mức 11,53%, tương ứng khoảng 1,43 triệu tỷ đồng.

Tại Quyết định số 2545/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 30/12/2016 về phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 ghi rõ, mục tiêu đến cuối năm 2020 tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Như vậy, đối chiếu với mục tiêu trên thì diễn biến thực tế gần như ngược lại. 

Thanh toán không tiền mặt diễn biến ngược chiều với mục tiêu của nhà điều hành. 
Thanh toán không tiền mặt diễn biến ngược chiều với mục tiêu của nhà điều hành. 

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, quy định pháp luật về tiền điện tử cũng như thanh toán không dùng tiền mặt đã dần hoàn thiện, tuy nhiên thói quen dùng tiền mặt của người dân Việt Nam vẫn rất phổ biến.

"Một khi thói quen dùng tiền mặt của người dân vẫn còn phổ biến thì con đường thanh toán phi tiền mặt vẫn còn rất dài", ông Nguyễn Trí Hiếu nói với phóng viên VnEconomy.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này cũng thừa nhận hiện nay dù thanh toán điện tử đang bùng nổ dữ dội nhưng việc sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến trong các giao dịch dân sự của người dân, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa; thanh toán điện tử trong thương mại điện tử còn thấp; việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, giáo dục còn khiêm tốn…

 
"Một khi thói quen dùng tiền mặt của người dân vẫn còn phổ biến thì con đường thanh toán phi tiền mặt vẫn còn rất dài", ông Nguyễn Trí Hiếu nói với phóng viên VnEconomy.

Định hướng trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ đặc biệt đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng đối với công chúng, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ. Trong đó, tập trung triển khai Nghị định mới và xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng;  trình Thủ tướng ban hành Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 và phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu tại Đề án.  

Song song, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money); triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm giúp các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong kỷ nguyên số.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.