20:52 19/07/2021

Hơn 4.000 ca Covid-19 ghi nhận trong ngày 19/7

Nhật Dương

Bộ Y tế tối ngày 19/7 ghi nhận thêm 2.180 ca mắc mới, gồm 19 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh, 2.161 ca ghi nhận trong nước, nâng tổng số ca nhiễm cả ngày lên 4.195 ca...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Như vậy, trong ngày 19/7 cả nước ghi nhận tổng cộng 4.195 ca mắc mới. Số ca mắc ngày 19/7 ghi nhận giảm hơn so với ngày hôm qua (18/7 với 5.926), trong đó, TP.HCM giảm hơn 1.500 ca (3.074 ca so với 4.692).

Chi tiết 4.195 ca mắc mới ngày 19/7 như sau:

20 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Tây Ninh (12), Thanh Hóa (5), Hải Dương (1), Kiên Giang (1), Hà Nội (1).

4.175 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (3.074), Bình Dương (503), Đồng Nai (154), Đồng Tháp (53), Hà Nội (44), Vĩnh Long (41), Phú Yên (41), Long An (37), Khánh Hoà (34), Bến Tre (30), Bà Rịa - Vũng Tàu (28), Sóc Trăng (19), Bình Thuận (19), Quảng Ngãi (17).

Cần Thơ (15), Quảng Nam (11), An Giang, Trà Vinh, Kiên Giang mỗi nơi 8 ca, Bình Phước (6), Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Thuận mỗi nơi 4 ca, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hậu Giang, Bình Định mỗi nơi 2 ca, Thái Bình, Gia Lai, Đắk Nông, Hải Phòng, Ninh Bình mỗi nơi 1 ca. Trong đó có 497 ca trong cộng đồng.

Tính đến tối ngày 19/7, Việt Nam có tổng cộng 55.946 ca ghi nhận trong nước và 2.079 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 52.215 ca, trong đó có 7.893 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 54.376 ca, trong đó có 8.273 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 11 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hoà Bình, Bắc Kạn.

Có 4 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Vĩnh Phúc, Nam Định, Lào Cai, Ninh Bình.

Về tình hình điều trị, trong ngày 19/7, có 380 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh và 80 ca tử vong (các ca tử vong đều liên quan đến bệnh nền, phần lớn ở người cao tuổi).

Trong tổng số ca mắc, số ca được điều trị khỏi là 11.047 ca, số bệnh nhân nặng đang điều trị hồi sức tích cực (ICU) 118 ca và 18 bệnh nhân đang điều trị ECMO.

Số lượng xét nghiệm từ ngày 27/4 đến nay đã thực hiện 4.589.253 xét nghiệm cho 12.189.959 lượt người.

Số ca đang điều trị âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 là 226 ca, âm tính lần 2 là 112 ca và âm tính lần 3 là 123 ca.

Về tình hình tiêm chủng, đến nay đã thực hiện tiêm chủng 4.283.906 liều vaccine phòng Covid-19, trong đó, số người đã được tiêm 1 mũi là 3.977.431 người, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 306.475 người.

Trong ngày 19/7, Bộ Y tế thành lập kho dã chiến trang thiết bị, vật tư tiêu hao tại TP.HCM và sẽ điều phối 2.000 máy thở cho kho dự trữ này. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế giao Trưởng Bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại TP. HCM và Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chủ động phân bổ trang thiết bị cho Bệnh viện Hồi sức Covid-19 và các địa phương trong khu vực.

Bộ Y tế liên tục đám phán với các đối tác và hiện đã có 2 hợp đồng chuyển giao công nghệ với Nga, Mỹ; hỗ trợ các đơn vị sản xuất trong nước đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm lâm sàng và đảm bảo tuân thủ đúng quy trình.

Về tình hình mua, nhập khẩu vaccine, Bộ Y tế đã đàm phán và Pfizer đồng ý tăng số lượng vaccine cung cấp quý 3/2021 cho Việt Nam (từ 3 triệu lên khoảng 3,5 triệu lều) và đồng ý bán thêm 20 triệu liều trong năm 2021 (tổng số là 51 triệu liều vắc xin Pfizer).

Về các nguồn viện trợ, Chính phủ Anh cam kết viện trợ 415.000 liều vaccine AZ. Chính phủ Rumani 100.000 liều. Đang đề nghị Chính phủ Trung Quốc viện trợ không hoàn lại 5 triệu liều vaccine Sinopharm.

Như vậy, ngoài 105 triệu liều đã cam kết, đã ký hợp đồng, 70 triệu liều đang đàm phán và có khả năng sẽ ký được thì dự kiến trong năm 2021 và đầu năm 2022 sẽ có khoảng 175 triệu liều.