17:41 18/07/2021

Nhiều ổ dịch tại phía Nam chưa xác định được nguồn lây

Phúc Minh

Ban chỉ đạo Quốc gia nhận định, tình hình dịch ở TP.HCM và một số tỉnh lân cận diễn biến rất phức tạp, nhiều chuỗi lây nhiễm, ổ dịch chưa xác định nguồn lây, nếu không kiểm soát thật tốt có thể dẫn tới hệ thống y tế bị quá tải…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 sáng 18/7. Ảnh - VGP.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 sáng 18/7. Ảnh - VGP.

Sáng 18/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo.

NGUY CƠ DỊCH TỪ TP.HCM LAN RỘNG SANG TỈNH KHÁC

Theo báo cáo của Bộ Y tế tại cuộc họp, đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 51.002 ca mắc Covid-19, trong đó 48.964 ca trong nước, 10.729 người khỏi bệnh và 225 ca tử vong. Đợt dịch thứ 4 đã ghi nhận 48.150 ca, trong đó, có 47.394 ca trong nước (98%), 7.912 người đã khỏi bệnh (18%), 190 ca tử vong. Trong tuần, cả nước có thêm 19.937 ca mắc mới, tăng 11.192 ca so với tuần trước đó.

TP.HCM và các địa phương khu vực phía Nam dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp với số người mắc liên tục gia tăng, do dịch đã lây lan ra cộng đồng với các chuỗi lây nhiễm, ổ dịch chưa xác định được nguồn lây. Trong khi đó, nhiều người đã đi/đến TP.HCM trong thời gian trước đó có thể mang mầm bệnh nhưng chưa được phát hiện.

Ban Chỉ đạo cũng nhận định, với miền Bắc đến nay cơ bản dập được dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Khu vực miền Trung còn một vài tỉnh như: Phú Yên, Khánh Hoà, Đà Nẵng tình hình đang phức tạp, có những ổ dịch mới. Tình hình dịch cơ bản vẫn kiểm soát được trên cả nước.

Tuy nhiên, tình hình dịch ở TP.HCM và một số tỉnh lân cận, nhất là ở Bình Dương vẫn diễn biến rất phức tạp, nếu không tập trung kiểm soát thật tốt có thể dẫn tới hệ thống y tế bị quá tải. Nguy cơ hiện hữu là dịch từ TP.HCM sẽ lây lan rộng ra các tỉnh khác.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cần phân loại trong 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg thành 2 nhóm.

Nhóm gồm những tỉnh tương đối an toàn, dịch còn ít (khu vực nam sông Hậu và Bình Phước) tiếp tục thực hiện theo chiến lược “ngăn chặn - phát hiện - truy vết - khoanh vùng- dập dịch và điều trị”, giống như các địa phương đang kiểm soát được dịch.

Nhóm những địa phương như: TP.HCM, Bình Dương và những khu vực dịch lây nhiễm cao, lây lan rộng thì cần có những giải pháp mới, cách làm mới cho phù hợp với “2 mũi giáp công”.

Phó Thủ tướng yêu cầu, một mũi tập trung lực lượng tại những “vùng đỏ”, có mức độ nguy cơ dịch bệnh rất cao để nhanh chóng bóc F0 ra khỏi cộng đồng, từng bước làm sạch, thu hẹp ổ dịch, giảm xuống “vùng vàng” dần tiến tới “vùng xanh”. Mũi còn lại thực hiện tầm soát, sàng lọc kết hợp các biện pháp đồng bộ, giữ chặt “vùng xanh” an toàn; cô lập những “vùng vàng”, làm sạch để trở thành “vùng xanh”.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý tại các vùng dịch, ổ dịch, tuỳ tình huống để sử dụng xét nghiệm nhanh kết hợp với xét nghiệm RT-PCR, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, “không dàn hàng ngang”.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện độ nhạy của xét nghiệm nhanh đã tương đương với xét nghiệm RT-PCR trong mẫu gộp. Bộ Y tế đã hướng dẫn thực hiện xét nghiệm nhanh mẫu gộp 3 mẫu đơn hoặc 5 mẫu đơn.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh - VGP. 
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh - VGP. 

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, những nơi chưa bị dịch nhiều, các địa phương phải tăng tần suất xét nghiệm nhanh sàng lọc tại bệnh viện, bảo vệ tối đa hệ thống y tế. Trong tầm soát, sàng lọc cộng đồng tăng cường sử dụng xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp nhiều mẫu đơn tại những điểm có nguy cơ cao như các chợ, bến xe, quán nước…

THỐNG NHẤT QUY ĐỊNH XÉT NGHIỆM LÁI XE VẬN TẢI

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã bàn và thống nhất hướng giải quyết vướng mắc mà các bộ: Công thương, Giao thông vận tải nêu ra để bảo đảm lưu thông hàng hoá thông suốt.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, vướng mắc nhất hiện nay là yêu cầu lái xe, người đi cùng xe phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính Covid-19, nhưng mỗi địa phương lại yêu cầu khác nhau đối với loại xét nghiệm (nơi yêu cầu RT-PCR, nơi chấp nhận xét nghiệm nhanh), thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm…

“Bộ Giao thông vận tải đề nghị phải có hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất cho tất cả các địa phương”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn kiến nghị.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, Bộ Y tế chấp nhận kết quả xét nghiệm RT-PCR và xét nghiệm nhanh do tất cả các cơ sở y tế từ cấp xã trở lên xác nhận. Kết quả có hiệu lực trong 3 ngày.

Bộ Y tế sẽ hướng dẫn các cơ quan y tế, Bộ Giao thông vận tải kiểm tra dọc các tuyến vận tải để có thể bố trí thêm các điểm thực hiện xét nghiệm nhanh, không để xảy ra ách tắc. Bộ Y tế sẽ phối hợp với các địa phương, Đoàn Thanh niên bố trí điểm xét nghiệm nhanh cho lái xe tại các điểm nghỉ đường dài.

Ban Chỉ đạo cũng đã bàn và thống nhất giao Bộ Y tế hướng dẫn việc vận tải, lưu thông hàng hoá trong nội bộ 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện Chỉ thị 16 không yêu cầu lái xe, người đi cùng trên xe phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Tuy nhiên, vẫn phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, phương tiện phải được khử khuẩn, lái xe được bố trí chỗ riêng, không tiếp xúc với người khác… Các xe chạy qua lại giữa các địa phương cần có mã QR-Code để đảm bảo thông suốt.

Ban Chỉ đạo sẽ có bộ phận thường trực điều hành từ Hà Nội, kết nối với các bộ phận của Bộ Y tế và một số bộ, ngành ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện Chỉ thị 16 để giải quyết ngay những vướng mắc nảy sinh hằng ngày.