Hơn 46.400 tỷ đồng thực hiện các chương mục tiêu quốc gia tại Thanh Hoá
Trong hơn 46.475 tỷ đồng, đối với vốn ngân sách nhà nước, tỉnh này đã huy động được hơn 18.809 tỷ. Thanh Hóa đã phân bổ triển khai đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia và đã mang lại những kết quả ấn tượng...

Từ năm 2021 đến nay, Thanh Hóa đã huy động các nguồn lực thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình giảm nghèo bền vững; Chương trình xây dựng nông thôn mới, với tổng nguồn vốn thực hiện các Chương trình ước đạt hơn 46.475 tỷ đồng.
TẠO VIỆC LÀM CHO HƠN 13.000 LAO ĐỘNG
Trong hơn 46.475 tỷ đồng, đối với vốn ngân sách nhà nước, tỉnh này đã huy động được hơn 18.809 tỷ đồng, chiếm 40,47% tổng nguồn vốn thực hiện 3 Chương trình. Đối với vốn lồng ghép, Thanh Hoá đã thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác có cùng mục tiêu để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia với tổng số vốn hơn 4.312 tỷ đồng, chiếm 9,28% tổng huy động vốn.
Đối với vốn tín dụng, tổng nguồn vốn cho vay thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, dự án trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tại Thanh Hoá là hơn 17.907 tỷ đồng, chiếm 38,53% tổng vốn thực hiện 3 Chương trình.
Trong đó, vốn vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 14.588 tỷ đồng; vốn vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hơn 3.309 tỷ đồng; vốn vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 10 tỷ đồng. Từ nguồn vốn tín dụng huy động được, đã giúp hơn 17.000 hộ gia đình thoát nghèo; tạo việc làm cho hơn 13.000 người lao động;…
Đối với vốn doanh nghiệp và hợp tác xã, tỉnh này đã huy động được hơn 783 tỷ đồng từ doanh nghiệp và hợp tác xã, chiếm 1,69% tổng vốn thực hiện 3 Chương trình, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương, hỗ trợ người dân tiếp cận các mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Đối với vốn huy động của người dân và cộng đồng, các Chương trình mục tiêu quốc gia tại Thanh Hoá đã huy động được hơn 4.663 tỷ đồng từ người dân và cộng đồng, chiếm 10,03% tổng vốn thực hiện 3 Chương trình, bao gồm kinh phí tự chỉnh trang nhà ở, đóng góp tiền mặt, ngày công lao động và hiện vật quy đổi.
Từ nguồn vốn này, tỉnh Thanh Hóa đã phân bổ triển khai đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia và đã mang lại những kết quả ấn tượng. Toàn tỉnh có thêm 6 đơn vị cấp huyện, 52 xã và 193 thôn, bản miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 94 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 26 xã và 467 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm còn 3,52%, vượt mục tiêu đề ra.
Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 15,19% xuống còn 11,05%; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập vùng dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả tỉnh, cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn.
NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC
Trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như: Đối với Chương trình mục tiêu quốc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn khó khăn về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; khó khăn về phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị...
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững các huyện nghèo và khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn duy trì tỷ lệ hộ nghèo cao, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa và khu vực biên giới.
Một số hộ gia đình sau khi thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo do thiếu sinh kế ổn định, phụ thuộc nhiều vào hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu quốc gia hoặc đối mặt với rủi ro thiên tai và biến động kinh tế. Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hiện các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới đều nằm tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa với điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Điều kiện địa hình hiểm trở, giao thông không thuận lợi và tỷ lệ hộ nghèo cao đã ảnh hưởng lớn đến khả năng thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới hàng năm cũng như cả giai đoạn 2021-2025.
Tỉnh Thanh Hóa đang phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 19 đơn vị cấp huyện, 410 xã, 876 thôn/bản miền núi, 101 thôn/bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 4 huyện và 165 xã đạt chuẩn nông thôn mới nông thôn mới nâng cao; 41 xã và 340 thôn/bản trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 1% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá Nguyễn Doãn Anh đề nghị Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025 cần hoàn thiện lại kế hoạch, thành phần, quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Việc xây dựng các kế hoạch, các văn bản cần phải cụ thể, chi tiết về số liệu, thời gian thực hiện.
Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân đồng hành thực hiện có hiệu quả các phong trào, chương trình mặt trận tổ quốc. Bên cạnh đó, tập trung giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong triển khai các chương trình; huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực từ xã hội để hỗ trợ thực hiện các chương trình, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.