Hơn 9 ngàn tỷ đổ vào cổ ngân hàng, VN30-Index có đỉnh lịch sử mới
Hiện tượng lạc nhịp giữa chỉ số VN30-Index đại diện cho nhóm blue-chips sàn HSX và các chỉ số khác ngày càng rõ. Lý do rất đơn giản là nhóm VN30 bao gồm những cổ phiếu thu hút dòng tiền nhất và đang tăng không khác gì các mã đầu cơ...
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/5, VN-Index tăng khoảng 0,78%, Midcap tăng 0,27%, Smallcap giảm 0,52%, HNX-Index tăng 0,21%, nhưng VN30-Index tăng 1,68%.
Chỉ riêng điều này cũng đã nói lên sự khác biệt quá rõ giữa các nhóm cổ phiếu. Đó là chưa kể đến dòng tiền: Tổng giá trị khớp lệnh sàn HSX phiên này đạt 20.005,5 tỷ đồng, tăng 1% so với hôm qua và con số tăng tuyệt đối khoảng 191 tỷ đồng. Trong khi đó nhóm Midcap giảm giao dịch gần 11%, Smallcap giảm 9%. Riêng Vn30 tăng giao dịch 8,2% tương đương con số tuyệt đối gần 987 tỷ đồng.
Dòng tiền đổ vào blue-chips không đâu khác ngoài các mã ngân hàng và thép. Dĩ nhiên cũng có một số cổ phiếu khác thanh khoản khá, ví dụ chứng khoán hay bất động sản, nhưng nổi bật và luôn duy trì vị trí dẫn đầu thì chỉ có ngân hàng và thép.
Trên cả hai sàn, trong 10 cổ phiếu có giá trị khớp lệnh lớn nhất hôm nay thì có 6 cổ phiếu ngân hàng là VPB, STB, MBB, TCB, SHB và CTG; 2 cổ phiếu thép là HPG và HSG. Những mã khớp lệnh đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng trở lên thì chắc chắn chỉ có ngân hàng và thép, đó là VPB, HPG, STB và MBB.
Tính chung 14 cổ phiếu cổ phiếu ngân hàng thanh khoản cao nhất hai sàn và đạt tối thiểu trên 100 tỷ đồng, tổng giá trị khớp lệnh lên tới trên 9.000 tỷ đồng, chưa kể gần 300 tỷ đồng nữa là thỏa thuận. Các mã ngân hàng này chiếm tới 40% tổng giá trị khớp hai sàn.
Nhóm cổ phiếu thép dĩ nhiên chỉ có HPG là đạt thanh khoản ở mức khổng lồ. Phiên này HPG khớp 28,4 triệu cổ phiếu tương đương giá trị 1.855,9 tỷ đồng. Mức này thực ra là giảm so với hôm qua, nhưng HPG lại tăng giá cực mạnh 4,26% Cổ phiếu này tăng giá cực nhanh trong 3 tháng qua và từ vị trí không tới Top 10 mã vốn hóa của VN-Index, đến hôm nay đã lên vị trí thứ 4, sau VHM, VCB và VIC.
Nhờ sự thăng hạng chóng mặt này mà mức tăng giá hơn 4% của HPG cũng đồng nghĩa với việc VN-Index hưởng lợi gần 2,5 điểm. Tuy nhiên đối với VN30-Index, ảnh hưởng của HPG còn lớn hơn nhiều. Tuy chỉ là cổ phiếu vốn hóa thứ hai trong chỉ số này, nhưng HPG đóng góp nhiều nhất cho VN30, do đà tăng mạnh, khoảng 6,2 điểm.
Phần còn lại là ảnh hưởng của các cổ phiếu ngân hàng. Thiệt hại nhất đối với VN30-Index và nhóm ngân hàng là VPB chỉ tăng nhẹ 0,45%. Cổ phiếu này đang giữ ngôi vị số 1 về vốn hóa trong VN30-Index. Tuy vậy TCB tăng 3,62%, STB tăng 4,4%, MBB tăng 3,6%, CTG tăng 3,11%, HDB tăng 2,78% đều là những mã rất có ảnh hưởng.
Có thể thấy biến động của nhóm ngân hàng và thép đang điều tiết hoàn toàn các chỉ số, kể cả VN-Index. Dĩ nhiên với độ rộng của VN-Index thì tác động có phần nhẹ hơn. Mặt khác các mã có ảnh hưởng lớn như VCB, VIC, GAS cũng kìm hãm đáng kể chỉ số chính. Ngược lại, VN30-Index không chỉ thoát được ảnh hưởng của các mã giảm nói trên, mà còn được lợi thế của nhóm tăng.
Nhờ đà kéo của HPG và các mã ngân hàng, VN30-Index hôm nay vượt hoàn toàn lên đỉnh cao lịch sử mới, đạt 1.401,71 điểm. Trong khi đó VN-Index vẫn đang “ngoi ngóp” trong biên độ dao động của tuần trước cũng như kể từ đầu tuần này.
Mặc dù VN30 tăng tốt nhưng điểm thú vị là cổ phiếu cũng không tăng dàn trải. Độ rộng của chính rổ này hôm nay chỉ là 16 mã tăng/11 mã giảm, không hề quá chênh lệch. Độ rộng chung của VN-Index thì càng kém hơn, chỉ có 183 mã tăng và 235 mã giảm. HSX thậm chí còn có 120 cổ phiếu giảm trên 1%.
Rõ ràng là tình trạng đổ xô vào giao dịch tại các cổ phiếu ngân hàng, thép đang tạo nên sự lệch lạc trong dòng tiền. Nếu như nhóm ngân hàng hút tới 40% tổng giá trị khớp lệnh hai sàn, chỉ cần thêm 2 mã thép là HPG và HSG vào, tỷ trọng lập tức vượt 50%. Hơn chục cổ phiếu đã thu hút một nửa lượng vốn trên thị trường.