Hợp bào hô hấp là gì mà trẻ hay mắc phải mùa này?
Khoảng một tháng trở lại đây, Trung tâm Hô hấp – Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận số ca bệnh nhi nhiễm hợp bào hô hấp tăng đột biến so với mọi năm. Khoảng 150 giường bệnh luôn chật kín, mỗi ngày bệnh viện phải luân chuyển từ 25 - 30 trẻ đã đỡ bệnh về tuyến dưới điều trị nhằm giảm tải để tiếp nhận thêm các bệnh nhi nặng mới.
Phó giáo sư Lê Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, cho biết hầu hết bệnh nhi điều trị tại đây bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi, ngoài ra còn các bệnh lý chuyên sâu như tràn dịch màng phổi, dị dạng đường thở. Có cả bệnh nhi từ một tháng tuổi đến 15 tuổi. Trong đó, những trường hợp trẻ dưới 2 tuổi nhiễm hợp bào hô hấp gây suy hô hấp chiếm phần lớn.
Phó giáo sư Lê Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, cho biết hầu hết bệnh nhi điều trị tại đây bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi, ngoài ra còn các bệnh lý chuyên sâu như tràn dịch màng phổi, dị dạng đường thở. Có cả bệnh nhi từ một tháng tuổi đến 15 tuổi. Trong đó, những trường hợp trẻ dưới 2 tuổi nhiễm hợp bào hô hấp gây suy hô hấp chiếm phần lớn.
Virus hợp bào hô hấp RSV (respiratory syncytial virus) là một loại virus gây nhiễm trùng phổi và đường hô hấp, gây viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Virus RSV đi vào cơ thể qua mắt, mũi hoặc miệng. Loại virus này dễ dàng lây truyền từ người sang người qua các dịch tiết đường hô hấp bị nhiễm virus như ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc trực tiếp như bắt tay. Virus RSV có thể tồn tại nhiều giờ trên các vật dụng như bàn ghế, đồ chơi của trẻ. Trẻ có nguy cơ nhiễm virus nếu vô tình chạm vào các đồ vật có virus và đưa lên miệng. Bệnh phát triển mạnh vào mùa đông – xuân và xuân – hè.Hầu hết các trẻ em thường nhiễm virus hợp bào hô hấp trước 2 tuổi. Ngoài ra, virus RSV cũng có thể gây lây nhiễm cho người lớn. Một người sau khi bị nhiễm virus RSV có thể sau 2 - 8 ngày mới biểu hiện triệu chứng. Ở người lớn và trẻ khỏe mạnh, các triệu chứng sau nhiễm virus RSV thường nhẹ, giống cảm lạnh thông thường và có thể áp dụng các biện pháp tự chăm sóc tại nhà để giảm nhẹ những biểu hiện khó chịu. Tuy nhiên, nhiễm virus hợp bào hô hấp cũng có thể nghiêm trọng trong một số trường hợp, đặc biệt là ở trẻ sinh non và trẻ sơ sinh có những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, gây viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi, suy thở nhanh, rất nguy hiểm cho trẻ. Ngoài ra, bệnh cũng có thể trở nên nghiêm trọng ở người lớn tuổi, người có bệnh về tim, phổi hoặc có hệ miễn dịch suy yếu.
"Virus viêm hợp bào hô hấp lây lan rất nhanh, chỉ sau virus cúm. Chúng lây truyền dễ dàng từ người sang người qua tiếp xúc chạm phải chất dịch hoặc hít phải không khí có nhiễm virus... Ước tính, một em bé mắc virus có khả năng lây cho 5 em bé khác nên việc kiểm soát nhiễm khuẩn rất quan trọng", bác sĩ Đặng Thanh Tuấn (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) nói.Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, đặc biệt là dưới 6 tháng tuổi, trẻ đẻ non dưới 35 tuần tuổi thai, mắc các bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, hội chứng Down, suy giảm miễn dịch... nguy cơ cao mắc RSV và mức độ bệnh cũng nặng hơn. Ngoài ra, trẻ vui chơi trong những khu đông người vào mùa virus này hoạt động, tiếp xúc với khói thuốc thụ động cũng dễ có nguy cơ cao mắc bệnh hơn những nhóm khác.
Các triệu chứng khi nhiễm virus viêm hợp bào hô hấp thường giống và dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường như chảy nước mũi, ho khan, sốt nhẹ, nôn, ăn kém... Trường hợp nặng trẻ có thể thở nhanh, khò khè, khó thở, tím tái, bỏ bú, ngừng thở.Tùy thuộc vào lứa tuổi, thể trạng, số lần mắc bệnh mà có trẻ biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Nhóm trẻ dưới 2 tuổi thường mắc viêm tiểu phế quản, viêm phế quản phổi. Hầu hết viêm phổi do RSV khỏi hoàn toàn sau một đến hai tuần, ho có thể kéo dài hơn. Ở người lớn và trẻ khỏe mạnh, virus này thường chỉ gây ra cảm lạnh nhẹ và tự khỏi sau đó.
Hiện vẫn chưa có vắcxin hoặc thuốc để điều trị khi virus RSV xâm nhập vào cơ thể. Khi trẻ bị nhiễm RSV chỉ có thể điều trị các triệu chứng như rửa mũi, long đờm, vỗ rung... trong suốt quá trình lây nhiễm và ảnh hưởng của virus đối với hệ hô hấp. Bệnh sẽ tự khỏi nếu không có biến chứng như nhiễm thêm vi khuẩn, suy hô hấp.Để phòng ngừa, các bác sỹ khuyên các bậc phụ huynh nên lưu ý thường xuyên rửa tay, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người có triệu chứng tương tự như cảm cúm. Không để người khác chạm vào bé trước khi rửa sạch tay. Không để trẻ tiếp xúc với môi trường hút thuốc, hoặc ở cạnh người đang hút thuốc. Hạn chế đưa trẻ ra khỏi nhà vào mùa đông xuân (khi virus RSV hoạt động mạnh và có nguy cơ lây nhiễm cao nhất) đối với các em bé thuộc nhóm nguy cơ cao. Nếu có thể hãy cách ly bé với các trẻ khác, bao gồm cả anh chị lớn hơn đang có dấu hiện cảm cúm.