21:46 14/09/2010

HSBC: “Cổ phiếu Việt Nam cần rẻ hơn mới đủ sức hấp dẫn”

Kiều Oanh

Theo HSBC, giá cổ phiếu ở Việt Nam đã hợp lý hơn, nhưng thanh khoản của thị trường lại là một vấn đề

HSBC: “Với tình trạng thanh khoản như vậy, mức độ minh bạch thấp, và môi trường vĩ mô khó dự đoán, giá cổ phiếu cần rẻ hơn mới đủ sức hấp dẫn".
HSBC: “Với tình trạng thanh khoản như vậy, mức độ minh bạch thấp, và môi trường vĩ mô khó dự đoán, giá cổ phiếu cần rẻ hơn mới đủ sức hấp dẫn".
Thận trọng về thị trường chứng khoán Việt Nam là quan điểm của HSBC đưa ra trong báo cáo Vietnam Monitor mới nhất. Theo ngân hàng này, giá cổ phiếu ở Việt Nam đã rẻ hơn ở một số thị trường khác trong khu vực, nhưng thanh khoản của thị trường lại là một vấn đề.

Chuyên gia Jacqueline Tse, người thực hiện phần nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam của bản báo cáo Vietnam Monitor công bố ngày 14/9, nhận xét tâm lý của giới đầu tư chứng khoán tại Việt Nam trong tháng 8 đã chịu tác động tiêu cực từ hai sự kiện. Thứ nhất là việc hãng định mức tín nhiệm Fitch hạ điểm tín nhiệm nợ công của Việt Nam hai bậc xuống B+ từ BB-, và thứ hai là việc Ngân hàng Nhà nước bất ngờ nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng USD/VND thêm 2%.

Chỉ số VN-Index đã tụt dốc mạnh trong tháng 8, có thời điểm chỉ còn 423 điểm, trước khi phục hồi trở lại. Dù vậy, HSBC chỉ ra rằng, giá trị giao dịch của cả hai sàn vẫn không thể đi lên, bình quân mỗi ngày chỉ còn 96 triệu USD trong 1 tháng trở lại đây, thấp hơn 20% so với hồi tháng 7.

Trong tháng 8, có 20 công ty chào sàn trên HNX, 7 công ty niêm yết mới trên sàn HOSE, nhưng 27 gương mặt mới này không đủ sức vực dậy giá trị giao dịch vì phần lớn đều là những doanh nghiệp nhỏ, có giá trị vốn hóa thị trường không đầy 100 triệu USD. Trong số này, duy chỉ có Công ty Cổ phần Bất động sản Phát Đạt (PRD) là có giá trị vốn hóa 241 triệu USD.

Theo HSBC, việc bổ sung các doanh nghiệp niêm yết mới sẽ không thể tăng giá trị giao dịch của thị trường cho tới khi một vài doanh nghiệp quốc doanh quy mô lớn lên sàn.

Báo cáo nhận định, hoạt động tăng vốn của các ngân hàng nhằm đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước về vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng và tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu (CAR) 9% sẽ là một rào cản đối với khả năng tăng điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, HSBC cho rằng, đây là việc làm cần thiết vì không chỉ giúp làm gia tăng uy tín của Ngân hàng Nhà nước và sẽ buộc những ngân hàng yếu kém phải đi tới những lựa chọn như sáp nhập với ngân hàng khác hoặc chấm dứt hoạt động.

Theo báo cáo, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể phải trải qua ít nhiều xáo trộn cho tới khi các ngân hàng hoàn tất việc tăng vốn theo quy định mới, có hiệu lực từ ngày 1/10/2010 này.

Một động thái khác của cơ quan chức năng Việt Nam cũng được HSBC đánh giá cao trong báo cáo này là việc tăng cường nỗ lực kiểm soát những vi phạm liên quan tới lĩnh vực chứng khoán như công bố thông tin sai lệch, thao túng giá cổ phiếu, giao dịch nội gián phi pháp… Hình phạt đối với các hành vi này sẽ được các nhà chức trách tăng lên kể từ ngày 20/9/2010.

Theo số liệu mà báo cáo đưa ra, hệ số giá/thu nhập (P/E) của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện là 11,9 lần, và mức P/E dự báo cho năm 2010 là 9,5 lần. Với mức P/E dự báo này, giá cổ phiếu ở Việt Nam đang rẻ hơn một số thị trường cùng khu vực như Thái Lan và Philippines, nhưng đang đắt hơn thị trường Hàn Quốc, nơi có P/E dự báo cho năm 2010 chỉ là 9,2 lần.

HSBC nhận xét: “Giá cổ phiếu đã trở nên hợp lý hơn, nhưng thanh khoản lại là một vấn đề đáng ngại”. Hiện chỉ có 30 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam có giá trị vốn hóa trên 200 triệu USD, giảm 1 công ty so với hồi tháng 7, nhưng số cổ phiếu đạt trần tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã giảm từ 5 xuống còn 3 công ty.

“Với tình trạng thanh khoản như vậy, mức độ minh bạch thấp, và môi trường vĩ mô khó dự đoán, giá cổ phiếu cần rẻ hơn mới đủ sức hấp dẫn. Chúng tôi có hứng thú hơn với những thị trường khác, có mức độ phát triển cao hơn và có mức giá rẻ hơn như thị trường Hàn Quốc”, báo cáo có đoạn viết.

Báo cáo kết luận, HSBC ở thời điểm này tiếp tục thận trọng về thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong phần phân tích về thị trường ngoại tệ, báo cáo cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá USD/VND của Ngân hàng Nhà nước vừa qua chưa thể giải quyết được áp lực mất giá đối với tiền đồng. Áp lực này, theo HSBC, đến từ những yếu tố mang tính dài hạn như lãi suất cơ bản VND quá thấp và dự trữ ngoại hối hạn chế của Việt Nam. Ngoài ra, sự thiếu hụt mang tính chu kỳ của nguồn cung USD cũng sẽ là nhân tố đẩy tỷ giá USD/VND tăng.

Tuy nhiên, khác với nhiều báo cáo Vietnam Monitor trước đây của HSBC, trong báo cáo lần này, ngân hàng này không đưa ra bất kỳ con số dự báo cụ thể nào về chỉ số VN-Index hay tỷ giá USD/VND.