HSBC mua lại chi nhánh SVB tại Anh giá 1 Bảng
Ngân hàng HSBC vừa đạt được thỏa thuận trong thương vụ giải cứu chi nhánh của ngân hàng Mỹ Silicon Valley Bank (SVB) ở Anh nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực công nghệ tại Anh...
Thương vụ mua lại tài sản của ngân hàng Mỹ vừa phá sản đạt được thỏa thuận sau các cuộc thảo luận xuyên đêm do Thủ tướng Anh Rishi Sunak cùng các quan chức tài chính Anh dẫn đầu.
Theo đó, chỉ sau một đêm, HSBC nổi lên như một “hiệp sĩ” hàng đầu giải cứu SVB chi nhánh tại Anh và trả mức giá tượng trưng 1 Bảng Anh cho ngân hàng Mỹ. Ông Noel Quinn, CEO Của HSBC, đã tham gia các cuộc đàm phán với giới chức Anh.
Theo Financial Times, việc bán tài sản của ngân hàng SVB tại Anh là lựa chọn ưu tiên của Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt bởi thương vụ này sẽ giúp Chính phủ Anh không phải can thiệp mạnh để bảo vệ người gửi tiền tại ngân hàng này.
“Sáng nay, Chính phủ và BOE đã tạo điều kiện cho thương vụ bán chi nhánh ngân hàng SVB tại Anh cho HSBC. Tiền gửi của người gửi tiền sẽ được bảo vệ và không cần sử dụng tiền thuế của người dân”, ông Hunt chia sẻ trên Twitter ngày 13/3. “Như tôi đã nói ngày hôm qua, chúng tôi sẽ theo dõi lĩnh vực công nghệ của Anh và sẽ hành động khẩn trương để thực hiện lời hứa đó”.
Trước đó, BoE thông báo có thể đưa chi nhánh tại Anh của SVB vào diện mất khả năng thanh toán sau khi công ty mẹ tại Mỹ sụp đổ. Mô tả về thương vụ của HSBC, BoE nói rằng đây là hành động nhằm “ổn định SBV Anh đồng thời đảm bảo không gây gián đoạn dịch vụ ngân hàng cũng như không ảnh hưởng tới lĩnh vực công nghệ của Anh, đồng thời củng cố niềm tin vào hệ thống tài chính”.
Vài giờ sau khi các nhà chức trách Mỹ thông báo đóng cửa ngân hàng thứ hai, Signature Bank, BoE nhấn mạnh rằng: “Không có ngân hàng nào của Anh bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hành động này hay bởi việc giải thể công ty mẹ ở Mỹ của SVB Anh. Hệ thống ngân hàng của Anh vẫn an toàn, lành mạnh và đảm bảo vốn”.
Vụ sụp đổ của SVB, ngân hàng có trụ sở tại California (Mỹ), là vụ phá sản ngân hàng lớn nhất tại Mỹ kể từ năm 2008. Các cuộc đàm phán xuyên đêm để giải cứu SVB Anh do ông Sunak, ông Hunt và Bộ trưởng Thành phố Andrew Griffith dẫn đầu, có sự tham gia của ông Andrew Bailey, thống đốc BoE và Sam Woods từ Cơ quan Quản lý An toàn (PRA).
Đánh giá về thương vụ mua lại SVB Anh, CEO Quinn của HSBC nói rằng: “Thương vụ này mang ý nghĩa chiến lược với hoạt động kinh doanh của chúng tôi tại Vương quốc Anh”.
“Thương vụ này củng cố hoạt động nhượng quyền thương mại ngân hàng của chúng tôi, đồng thời tăng cường khả năng phục vụ của chúng tôi đối với các công ty đổi mới sáng tạo, tăng trưởng nhanh, bao gồm doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và khoa học đời sống, ở Vương quốc Anh cũng như quốc tế”, vị CEO nhấn mạnh.
SVB Anh sẽ được sáp nhập vào hoạt động của HSBC tại Anh với 14 triệu khách hàng và 18.500 nhân viên.
Trước đó, ngày 12/3, Bộ trưởng Tài chính Hunt nhận định tiềm ẩn “rủi ro nghiêm trọng” với các doanh nghiệp công nghệ và khoa học đời sống đang sử dụng dịch vụ của SVB Anh. Trong khi đó, các nhà sáng lập startup cảnh báo về nguy cơ không thể thanh toán các hóa đơn và không thể trả lương do ảnh hưởng của vụ phá sản ngân hàng.
Chính phủ Anh đã cấp tập dành cả cuối tuần để cố gắng bán SVB Anh - ngân hàng có tổng số tiền gửi 6,7 tỷ Bảng Anh và các khoản vay trị giá tổng cộng 5,5 tỷ Bảng. Nhà chức trách Anh cam kết tất cả người gửi tiền tại ngân hàng này có thể tiếp cận tiền gửi của họ vào ngày 13/3.
SBV Anh có 3.300 khách hàng tại Anh, bao gồm: các startup, công ty đầu tư mạo hiểm và các quỹ đầu tư. Tuy nhiên, theo nguồn tin thân cận của Financial Times, nhiều khoản tiền gửi của họ tại ngân hàng này nằm dưới ngưỡng 85.000 USD được bảo đảm bảo cơ chế bảo hiểm tài chính.
Khi được hỏi rằng liệu 100% các khoản tiền gửi tại SVB Anh sẽ được đảm bảo, ông Hung nói rằng: “Chúng tôi sẽ tìm cách để giảm thiểu hoặc nếu có thể, tránh được thiệt hại cho những công ty có tiềm năng tuyệt vời này”. Ông cũng nhắc lại khẳng định của BoE rằng vụ việc SVB không phải là “rủi ro lây lan mang tính hệ thống”.