Hướng dẫn thanh toán chi phí điều trị Covid-19 khi chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B
Bộ Y tế vừa có hướng dẫn thanh toán chi phí điều trị cho người bệnh mắc Covid-19, và chế độ chính sách cho người tham gia chống dịch Covid-19, khi chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B...
Trước đó, theo Quyết định số 3896/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 19/10/2023, từ ngày 20/10, bệnh Covid-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A mà chuyển sang nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Để đảm bảo sự đồng bộ trong việc thực hiện các chính sách, biện pháp phòng, chống dịch khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B, Bộ Y tế hướng dẫn một số nội dung về thanh toán chi phí khám chữa bệnh.
Theo đó, về việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh và tiền ăn, sinh hoạt phí đối với người bệnh Covid-19 kể từ ngày 20/10/2023: Đối với người có thẻ bảo hiểm y tế, thanh toán theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; người không có thẻ bảo hiểm y tế tự thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.
Đối với chi phí tiền ăn, sinh hoạt phí thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Về những trường hợp người bệnh vào viện trước ngày 20/10/2023 và ra viện sau ngày 20/10/2023: Chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh Covid-19 trước ngày 20/10 thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 29/2022/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Chi phí tiền ăn, sinh hoạt phí đối với người bệnh Covid-19 kể từ ngày 20/10 thực hiện theo hướng dẫn quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Các chế độ chính sách cho người tham gia phòng, chống dịch Covid-19 thuộc nhóm B được thực hiện theo Quyết định 73/2011/QĐ-TTg về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch kể từ ngày 20/10.
Bộ Y tế đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động phối hợp rà soát các nguồn lực đã được mua sắm, đầu tư và căn cứ vào hướng dẫn chuyên môn y tế để xây dựng nhu cầu và bảo đảm kinh phí khám bệnh, chữa bệnh và giám sát dịch bệnh khi dịch Covid-19 chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.
Ngày 29/10, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1269/QĐ-TTg bãi bỏ một số văn bản phòng, chống dịch Covid-19 do Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Theo đó, Quyết định 1269 đã bải bỏ: 20 Quyết định, 13 công văn, 4 công điện của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng thời, Bãi bỏ 8 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, như: Chỉ thị số 05 về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra; Chỉ thị số 06 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra; Chỉ thị số 10 về việc đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19; Chỉ thị số 13 về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; Chỉ thị số 15 về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19; Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19; Chỉ thị số 19 về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; Chỉ thị số 05/CT-TTg về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, bãi bỏ 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch Covid-19; Quyết định số 1857/QĐ-TTg về việc đặt hàng cung cấp dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2; Quyết định số 1438/QĐ-TTg về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.