10:18 30/10/2023

Thủ tướng: Chiến thắng dịch Covid-19 khẳng định tinh thần, bản lĩnh Việt Nam

Phúc Minh

Việt Nam đã đi sau, về trước trong phòng chống, kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, trở thành một trong những nước mở cửa sớm các hoạt động kinh tế xã hội trong nước và với quốc tế. Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch một lần nữa khẳng định tinh thần, bản lĩnh Việt Nam không lùi bước trước mọi khó khăn, thách thức, Thủ tướng khẳng định…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19, sáng  29/10. Ảnh - VGP.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19, sáng 29/10. Ảnh - VGP.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh nội dung này khi kết luận Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trực tuyến với các địa phương, sáng 29/10.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh đã được kiểm soát tốt nhờ những nỗ lực lớn, những giải pháp quyết liệt, hiệu quả mang tính toàn cầu, toàn dân; kinh tế từng bước phục hồi và phát triển, đời sống người dân trở lại trạng thái bình thường. Đồng thời, để nhìn lại chặng đường hơn 3 năm nỗ lực chống Covid-19 của Việt Nam.

VIỆT NAM ĐI SAU, VỀ TRƯỚC TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thành công trong phòng, chống đại dịch Covid-19 là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, đồng bộ của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ đó huy động sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, sự hợp tác, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của bạn bè quốc tế.

Theo Thủ tướng, Việt Nam đã đi sau về trước trong phòng chống dịch, kiểm soát được dịch bệnh, trở thành một trong những nước mở cửa sớm các hoạt động kinh tế xã hội trong nước từ 11/10/2021, và mở cửa với quốc tế từ 15/3/2022. Đặc biệt, từ một nước tiếp cận sau về vaccine, có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp, Việt Nam trở thành một trong 5 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất, và là quốc gia duy nhất trong nhóm này có dân số đông khoảng 100 triệu người.

Đại diện các bộ, ngành tham dự hội nghị. Ảnh - VGP. 
Đại diện các bộ, ngành tham dự hội nghị. Ảnh - VGP. 

Cùng với đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, tăng trưởng được thúc đẩy. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện. Đối ngoại và hội nhập được tăng cường và mở rộng. Phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh.

Tính đến 31/12/2022, đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh khoảng 451.000 tỷ đồng; giảm, hạ lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khoảng 50.000 tỷ đồng; miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán qua ngân hàng khoảng 13.000 tỷ đồng và hỗ trợ trên 47.200 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Các địa phương cũng chủ động triển khai chương trình an sinh xã hội và thực hiện hỗ trợ với hàng chục nghìn tỷ đồng. Tổng cộng, công tác an sinh xã hội đã được triển khai với khoảng 120.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 68 triệu lượt người và 1,48 triệu người sử dụng lao động, 150.000 tấn gạo được xuất cấp...

“Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch một lần nữa khẳng định tinh thần Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam không lùi bước trước mọi khó khăn, thách thức, càng áp lực lại càng nỗ lực”, Thủ tướng khẳng định.

Mặc dù vậy, Thủ tướng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế như chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch còn lúng túng, bị động lúc ban đầu; các quy định của pháp luật không bao quát được hết các tình huống dịch bệnh; hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng không đáp ứng được những tình huống bất thường, khẩn cấp; quản lý hành chính còn những bất cập, một số nơi chưa thực hiện đúng quy định, hướng dẫn; một số hạn chế về truyền thông, công nghệ, an sinh xã hội; sự chống phá của các thế lực thù địch…

CHUẨN BỊ NĂNG LỰC Y TẾ, SẴN SÀNG ỨNG PHÓ VỚI DỊCH BỆNH TRONG MỌI TÌNH HUỐNG

Nhất trí cao với các bài học kinh nghiệm mà các đại biểu đã chỉ ra tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh - VGP. 
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh - VGP. 

Trước hết, công tác phòng, chống dịch luôn đặt dưới sự lãnh đạo kịp thời của Trung ương, Bộ Chính trị, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Đặc biệt, phải hết sức bình tĩnh, kiên trì, bản lĩnh, tỉnh táo trước những diễn biến phức tạp, những thời khắc khó khăn, sáng suốt, linh hoạt đưa ra các giải pháp phù hợp, sát tình hình, khả thi, hiệu quả. Phát huy đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế.

Cùng với đó, phải chuẩn bị năng lực của y tế dự phòng, y tế cơ sở ở mức cao hơn bình thường; nhanh chóng khắc phục hậu quả mà đại dịch gây ra; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, Thủ tướng lưu ý tiếp tục cảnh giác, phòng ngừa từ sớm, từ xa với các loại dịch bệnh có thể xảy ra và cũng chưa thể hoàn toàn yên tâm với đại dịch Covid-19, hậu quả đại dịch Covid-19 còn tiếp tục kéo dài.

Thủ tướng yêu cầu, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tập trung khắc phục các bất cập, vướng mắc trong pháp luật hiện hành và tạo lập hệ thống khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đầy đủ, phù hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh (nhất là về mua sắm thuốc, vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế...) trong mọi tình huống, kể cả trong tình trạng khẩn cấp.

Đặc biệt, cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó với các đại dịch có thể xảy ra; tăng cường đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế, bảo đảm chính sách cho lực lượng phòng, chống dịch; triển khai Luật Khám chữa bệnh vừa ban hành; nâng cao hơn nữa năng lực quản lý hành chính và công nghệ đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch…

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục hậu quả dịch bệnh có thể còn kéo dài, ổn định đời sống nhân dân, nhất là đối với những người chịu hậu quả, tác động của đại dịch, đặc biệt là trẻ em mồ côi cả về vật chất và tinh thần.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thành xử lý các vấn đề tồn đọng liên quan công tác phòng, chống dịch thời gian qua và xử lý các chính sách theo thẩm quyền khi chuyển Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B; đẩy mạnh tổ chức thực hiện và sớm hoàn thành việc tôn vinh, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, và Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội về giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; làm tốt công tác tổng kết kinh nghiệm.

Thủ tướng khẳng định, dù còn những khiếm khuyết, song về tổng thể, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 và Ban chỉ đạo các cấp đã hoàn thành nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó và kết thúc nhiệm vụ tại đây.