06:00 16/12/2022

Hướng đi bền vững của doanh nghiệp: Đẩy mạnh xuất khẩu xanh

Vũ Khuê

Để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, xuất khẩu của Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng và “tính xanh” trong thương mại quốc tế...

Tiêu dùng xanh không còn là thị trường ngách
Tiêu dùng xanh không còn là thị trường ngách

Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2022 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh” do Bộ Công Thương phối hợp với Eurocham Việt Nam, các dự án do Chính phủ Thụy Sĩ hỗ trợ và các bên liên quan tổ chức mới đây.

TIÊU DÙNG XANH KHÔNG CÒN LÀ THỊ TRƯỜNG NGÁCH

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết trên toàn cầu nói chung, nhất là ở châu Âu nói riêng, tiêu dùng xanh, tiêu dùng sạch đã trở thành chính thức chứ không còn là thị trường ngách.

Nếu như trước đây, tiêu dùng xanh chỉ được nhìn thấy ở phân khúc cao cấp, thì nay trở thành yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường đối với hàng hoá nhập khẩu. Bản chất của các quy định nhằm đảm bảo mọi mặt hàng đều không gây rủi ro cho môi trường, người dân và chuỗi cung ứng.

Theo ông Bartosz Cieleszynski, Phó trưởng Ban Thương mại, Phái đoàn Liên minh Châu Âu  (EU) tại Việt Nam, EU đã cam kết về thương mại mở, bền vững, dựa trên quy tắc để ứng phó với các thách thức toàn cầu nhưng vẫn duy trì tính cạnh tranh. EU và Việt Nam có một công cụ tuyệt vời đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), cụ thể Chương Thương mại và Phát triển bền vững của hiệp định.

FTA thế hệ mới này có tiềm năng lớn để thúc đẩy thương mại xanh và hỗ trợ toàn diện các mục tiêu bền vững. “Thương mại đối với công nghệ xanh và các sản phẩm bền vững đã trở thành xu hướng phổ biến ở các nước phát triển.

Xuất khẩu xanh - hay chính xác hơn là việc xuất khẩu các sản phẩm có dấu chân carbon thấp hoặc sản phẩm môi trường là con đường đầy hứa hẹn cho các quốc gia mong muốn tách rời tăng trưởng kinh tế khỏi nạn suy thoái môi trường”, ông Bartosz Cieleszynski nhấn mạnh.

Ở lĩnh vực ngành hàng cụ thể, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định, chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu của ngành thủy sản. Ngành thủy sản đang được quy hoạch theo mục tiêu phát triển xanh, thân thiện với môi trường, giảm khai thác, tăng nuôi trồng để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Theo ông Hòe, những áp lực thị trường, áp lực chính sách, áp lực cạnh tranh và sự nhạy cảm của các nhà quản lý doanh nghiệp về vấn đề môi trường đều có tác động, thúc đẩy việc ứng dụng chiến lược xuất khẩu xanh của các doanh nghiệp chế biến thủy sản. Hơn nữa, việc theo đuổi chiến lược xuất khẩu xanh tác động mạnh mẽ đến lợi thế cạnh tranh kỳ vọng của các doanh nghiệp chế biến thủy sản.

Theo đuổi chiến lược xuất khẩu xanh với mục đích xanh hóa sản phẩm đã khiến khách hàng trên thị trường nước ngoài có thiện cảm hơn với sản phẩm của doanh nghiệp, đồng thời giúp xây dựng hình ảnh “xanh” của doanh nghiệp trên thị trường, tạo nên lợi thế cạnh tranh khác biệt hóa trong tâm trí khách hàng.

XUẤT KHẨU PHẢI TUÂN THỦ TIÊU CHUẨN XANH

Dù là xu hướng nhưng hiện còn quá nhiều khó khăn cho doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu xanh. Ông Hòe cho biết việc thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế xanh đã được tiến hành, nhưng để nhân rộng mô hình còn gặp nhiều khó khăn, thử thách cả khách quan lẫn chủ quan.

Hiện nay, công ty quy mô nhỏ hoặc ít kinh nghiệm trong xuất khẩu thuỷ sản vẫn còn e ngại chuyển đổi sang chiến lược xuất khẩu xanh. Trong khi đó, các ưu đãi đặc biệt để hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng chiến lược xuất khẩu xanh chưa được triển khai để khuyến khích…

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 50 phát hành ngày 12-12-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Hướng đi bền vững của doanh nghiệp: Đẩy mạnh xuất khẩu xanh  - Ảnh 1