06:00 20/09/2021

Hướng đi mới cho khu công nghiệp

Khánh Vy

Gần 400 khu công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động trong hơn 30 năm qua đã đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam thời gian qua chưa thực sự bền vững và chưa tạo sự cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường...

Các khu công nghiệp thu hút một lượng vốn đầu tư
Các khu công nghiệp thu hút một lượng vốn đầu tư

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho thấy đến hết tháng 5/2021, đã có 394 khu công nghiệp được thành lập (bao gồm 351 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, 35 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển và 8 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 121,9 nghìn ha.

PHÁT TRIỂN CHƯA BỀN VỮNG

Trong số 394 khu công nghiệp được thành lập, có 286 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 86 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 57,3 nghìn ha; và 108 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 35,9 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 23,6 nghìn ha.

Việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp tại Việt Nam thời gian qua được đánh giá là đã tạo điều kiện để thu hút một khối lượng lớn vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội.

Thống kê cho thấy nguồn vốn đầu tư thực hiện gồm vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế và vốn đầu tư của dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế đạt khoảng 30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Hướng đi mới cho khu công nghiệp - Ảnh 1

Trong đó, đối với vốn đầu tư nước ngoài, các khu công nghiệp và khu kinh tế trên cả nước có 10.853 dự án sản xuất kinh doanh còn hiệu lực của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 228,4 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 69,6%.

Ngoài ra, có 10.186 dự án sản xuất kinh doanh còn hiệu lực của các nhà đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 2,53 triệu tỷ đồng; vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 45,4%.

Không chỉ thu hút vốn, các khu công nghiệp và khu kinh tế còn đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động; sản xuất nhiều hàng hoá tiêu dùng nội địa và sản phẩm xuất khẩu có tính cạnh tranh cao...

Tại một số địa phương, tỷ lệ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng trên 60% tổng thu ngân sách nhà nước của địa phương như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hải Phòng... Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2019, khu công nghiệp và khu kinh tế đã nộp ngân sách nhà nước trên 400 nghìn tỷ đồng.

Đánh giá về đóng góp của khu công nghiệp và khu kinh tế của Việt Nam trong hơn 30 năm qua, kể từ khi khu chế xuất Tân Thuận – khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam được thành lập, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng việc hình thành các khu công nghiệp, khu kinh tế đã có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp, góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu …

Cùng với đó, việc phát triển mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế cũng góp phần tích cực trong việc hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích đổi mới thủ tục hành chính.

Hướng đi mới cho khu công nghiệp - Ảnh 2

“Mặc dù vậy, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế thời gian vừa qua chưa bền vững, bộc lộ một số tồn tại hạn chế hạn chế”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh. Đó là quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế chưa thể hiện rõ được tầm nhìn chiến lược, tổng thể; tại một số nơi quy hoạch và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế chưa sát với nhu cầu phát triển và khả năng thu hút đầu tư, chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường.

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, mô hình phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế còn chậm đổi mới so với các nước trên thế giới, chưa bắt kịp với yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài.

Thậm chí, tại nhiều khu, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng như số nhà máy xử lý nước thải trong khu công nghiệp mới đạt 88%, thấp hơn so với chỉ tiêu đặt ra năm 2020 là 100%. Nhiều địa phương, các quy định về môi trường, công nghệ còn lỏng lẻo, tiêu chí “lấp đầy” được đặt lên hàng đầu để giải quyết lao động thất nghiệp.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, những tồn tại, hạn chế này xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản như các vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về khu công nghiệp, khu kinh tế như hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, khung pháp lý cho sự phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế; mô hình tổ chức bộ máy cơ quan đầu mối quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế; sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương; mô hình phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế…

TÌM HƯỚNG ĐI MỚI

Theo một báo cáo được CBRE đưa ra gần đây, các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, tiếp tục coi khu công nghiệp, khu kinh tế là mô hình hiệu quả để phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư.

Tuy vậy, các mô hình khu công nghiệp truyền thống hướng đến xuất khẩu và dựa chủ yếu vào ưu đãi về tài chính đang được chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình quản lý tiên tiến. Xu hướng hợp tác, cộng sinh công nghiệp để sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu, năng lượng, tài nguyên, chia sẻ dịch vụ dùng chung.

Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Đình Cung, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy chuyển đổi mô hình sản xuất, hợp tác kinh doanh, chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này đòi hỏi phương thức tổ chức và huy động nguồn lực của doanh nghiệp phải thay đổi. 

“Do đó, cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời gian tới cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hơn nữa thể chế, chính sách và điều chỉnh mục tiêu, định hướng phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế để thích ứng với bối cảnh mới”, ông Cung nói.

Hướng đi mới cho khu công nghiệp - Ảnh 3

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời gian tới, cần tập trung hoàn thiện khung pháp lý về khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ và bộ máy tổ chức của các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.

Cần xây dựng quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế mang tầm nhìn tổng thể. Trong đó đẩy mạnh nghiên cứu, đổi mới quy hoạch nhằm xây dựng các mô hình đô thị - công nghiệp, khu dịch vụ - công nghiệp - đô thị, khu công nghiệp sinh thái (tiết kiệm năng lượng, phát thải thấp); tích hợp hệ thống khu công nghiệp với hệ thống đô thị mới và các điểm dân cư công nghiệp trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch hệ thống đô thị - nông thôn.

Bên cạnh đó, quy hoạch sử dụng đất trong khu công nghiệp và khu công nghiệp- đô thị cần đổi mới tạo ra tính chiến lược và linh hoạt phù hợp nhu cầu biến đổi nhanh chóng của thị trường bất động sản công nghiệp…

Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư hấp dẫn để thúc đẩy thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Có chính sách thúc đẩy việc chuyển đổi các khu công nghiệp theo hướng khu công nghiệp sinh thái cũng như khuyến khích việc thành lập các khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái; đa dạng các nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.