Hương Xuân khắp nơi đã tụ hội về Thủ đô
Hội chợ đặc sản nông nghiệp năm 2023 có quy mô trên 100 gian hàng tiêu chuẩn và 800 m2 sàn trưng bày với sự góp mặt của hơn 100 đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã đến từ hàng chục tỉnh, thành phố trên cả nước…
Tối 12/01/2023 (tức 21 tháng Chạp âm lịch), tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp đã tổ chức Khai mạc Hội chợ Xuân Quý mão năm 2023 với chủ đề “Nơi hội tụ hương vị Xuân đất Việt”.
MANG ĐẬM SẮC XUÂN CÁC VÙNG MIỀN TỔ QUỐC
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp nhận định năm qua, cùng với cả nước, ngành nông nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh và tình hình bất ổn kinh tế thế giới mang lại.
Trong bối cảnh đặc biệt đó, với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cùng sự nỗ lực to lớn của người dân và doanh nghiệp, năm 2022 ngành Nông nghiệp đã ghi nhận nhiều chỉ tiêu phát triển đạt và vượt kế hoạch đề ra, đánh dấu năm đổi mới tư duy và mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh với giá trị gia tăng toàn ngành đạt 3,36% là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD.
“Để đạt được kết quả trên thì vai trò của công tác Xúc tiến thương mại ngành Nông nghiệp là hết sức quan trọng. Với việc mở rộng, phát triển, kết nối trực tiếp doanh nghiệp với người tiêu dùng thông qua các Hội chợ thương mại, tìm kiếm các thị trường tiêu thụ hàng nông, lâm, thủy sản ổn định và có giá trị cao bao gồm cả thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để thúc đẩy nông nghiệp vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển bền vững”, ông Nguyễn Minh Tiến khẳng định.
“Hội chợ Xuân Qúy Mão năm 2023” diễn ra từ ngày 12 đến ngày 19/1/2023 (tức 21 đến 28 tháng Chạp năm Nhâm Dần) tại Hà Nội. Đây là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp và chào đón Xuân Qúy Mão năm 2023".
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp.
Theo ông Tiến, Hội chợ Xuân Quý Mão năm 2023 là hoạt động Văn hóa - Thương mại do Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp, HTX tại thị trường nội địa.
Hội chợ giới thiệu các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; Đẩy mạnh hoạt động truyền thông cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hội chợ cũng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn; Giới thiệu, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hoá, ẩm thực truyền thống của Việt Nam.
“Năm nay, với quy mô 115 gian hàng và 800m2 sàn trưng bày, Hội chợ là cơ hội giao thương, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm; tôn vinh những sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và các loại hoa cây cảnh đặc sắc mang đậm sắc Xuân của các vùng miền cả nước đến phục vụ bà con nhân dân trong dịp Tết cổ truyền của Dân tộc”, ông Tiến chia sẻ.
ĐẾN ĐỂ “HÍT HÀ” TẾT XƯA
Quan sát hội chợ Xuân năm nay cho thấy, ở đây trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm đến từ hơn 20 tỉnh thành trong cả nước: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Nghệ An, Quảng Nam, Hưng Yên, Hải Phòng, Yên Bái, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Cao Bằng, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Đắk Nông, Đà Nẵng, Thanh Hóa,…
Các sản phẩm nổi trội, đặc sắc phải kể đến như: măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương rừng Tây Bắc, bánh kẹo Richy, gạo sén cù Lào Cai, gạo ST25, nếp Tú Lệ, bánh chưng Bờ Đậu, chè Thái Nguyên, trà Shan tuyết cổ thụ, mật ong rừng, mật hoa dừa Sokfarm Trà Vinh, giò me Nghệ An, giò chả Ước Lễ, chả ram tôm đất Bình Định, chả cá Thát Lát Hậu Giang, chả mực giã tay Hạ Long, lợn mán, cá kho làng Vũ Đại, yến sào Nha Trang, bò một nắng Phú Yên, trâu gác bếp Điện Biên, vịt quay mắc mật, nem nướng Hữu Lũng, nước mắm Cát Hải, Tĩnh Gia, hải sản Phan Thiết, hành tỏi Lý Sơn, chuối ngự Đại Hoàng, cam sành Hàm Yên, táo Bàng La Hải Phòng, rau củ Mộc Châu, hạt tiêu Phú Quốc, hương nhang cổ truyền Bồ Đề Tâm….
Hội chợ còn trưng bày nhiều sản phẩm từ thảo dược, trà linh chi tam thất, rượu sâm, mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa, tinh bột nghệ, tỏi đen, tam thất, hà thủ ô, đông trùng hạ thảo, táo đỏ, tinh dầu, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ sơn mài, sừng, gốm sứ, đồ đồng, tơ lụa, đồ gỗ nội thất cùng nhiều sản phẩm thời trang và gia dụng.
"Với diện tích 800 m2 sàn trưng bày ngoài trời đã mở cửa từ ngày 01/01/2023 là nơi giới thiệu các loại hoa, cây cảnh góp phần dệt nên những màu sắc rực rỡ, mang mùa xuân đến với mọi người, mọi nhà như: Mai vàng Bình Định, mai trắng Ba Vì, hoa lan hồ điệp Đà Lạt, địa lan Sa Pa, đào Nhật Tân, quất Tứ Liên…. "
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp.
Ban tổ chức cho biết để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng, Ban tổ chức siết chặt quản lý đầu vào, yêu cầu các sản phẩm tham gia trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ phải đảm bảo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, uy tín, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn VietGap, Global Gap…; sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; được chứng nhận hữu cơ, canh tác theo hướng hữu cơ và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP của địa phương.
Theo chia sẻ một số người dân đi thăm chợ Tết sớm, suốt gần 2 năm qua do bị hạn chế bởi dịch Covid-19, các hội chợ ít được tổ chức, hoặc tổ chức với quy mô nhỏ. Thời gian quá lâu, người tiêu dùng không được đi hội chợ Tết, như chiếc lò xo bị nén, nay nhu cầu mua sắm và đi chợ Tết tăng cao.
Ông Nguyễn Tuấn (trú tại 165 Thái Hà, Hà Nội) cho biết: "Đi hội chợ xuân không chỉ để mua sắm, mà còn là thú vui, nét văn hóa truyền thống của người dân. Tôi cũng yêu thích không khí tại các hội chợ, dù có thể không mua sắm nhiều nhưng được hòa vào dòng người để cảm nhận không khí Tết là một cảm giác rất đáng giá và khó tả".
Đến với hội chợ Xuân, người dân được sống trong phiên chợ Hà Thành xưa với ngập tràn những chậu hoa tươi khoe sắc đón xuân về như: hoa lan, hoa đào, hoa mai,, hoa thược dược, hoa cát tường… Những chiếc bánh chưng bờ đậu (Thái Nguyên), Tranh Khúc (Hà Nội) được gói trong lá rong xanh mướt vẫn còn thơm mùi nếp mới; những gian hàng thực phẩm đặc trưng cho mâm cỗ ngày Tết với măng, miến, mộc nhĩ, thịt gà…
Trong những ký ức về Tết xưa, bên cạnh “bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” còn là phiên chợ Tết được theo chân ông bà, bố mẹ đi mua sắm hoa quả, thực phẩm, đồ dùng cho mấy ngày Tết no ấm. Giờ đây không cần đi đâu xa, cũng có thể mua các loại đặc sản nổi tiếng đến từ núi rừng Tây Bắc như: lạp xưởng, thịt trâu, thịt bò, thịt lợn gác bếp… mang thêm hương vị độc đáo cho bữa tiệc ngày Tết hay làm quà để biếu tặng người thân. Đồng thời, được hít hà không khí đượm nồng vị Tết và nếm thử đặc sản Tết đến từ khắp mọi miền.