06:00 01/09/2022

Hút "khách hàng chân đất" đến với thẻ tín dụng nội địa

Ánh Tuyết

Hướng đến mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” và để mọi người dân, kể cả những khách hàng “chân đất” có thể tiếp cận tài chính toàn diện, các ngân hàng đang ráo riết tìm mọi giải pháp, trong đó, đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Đưa dịch vụ tài chính đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đưa dịch vụ tài chính đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chia sẻ tại Đối thoại chuyên đề: "Phát triển thẻ tín dụng nội địa: Con đường tiếp cận tài chính toàn diện" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 31/8, bà Phan Thị Thanh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Thẻ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), cho biết nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, biên giới rất ngại ngùng khi đến giao dịch trực tiếp tại quầy, thậm chí, nhiều người còn bỏ dép ra, đi chân đất khi vào trụ sở ngân hàng.

Điều này khắc hoạ tâm lý e ngại của người dân vùng sâu, vùng xa trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính, dẫn đến độ phủ của các sản phẩm và dịch vụ tài chính gặp nhiều hạn chế.

Là một bước đột phá của Agribank, vừa hướng tới chuyển đổi số và cũng tăng khả năng tiếp cận cho khách hàng, bên cạnh lợi thế về hệ thống mạng lưới trải rộng đến tận từng huyện, xã với hơn 2.300 điểm giao dịch, ngân hàng này đang tích cực triển khai các quầy ngân hàng số "Agribank Digital" đa tiện ích tại 17 địa phương cả nước.

Nhờ đó, khách hàng cũng không cần phải đến quầy giao dịch ngân hàng mà chỉ cần một căn cước công dân, có thể thực hiện mọi giao dịch từ A đến Z như đăng ký mở tài khoản, đăng ký phát hành thẻ, sử dụng các dịch vụ ngân hàng tự động và đăng ký nhu cầu vay vốn…

Toàn cảnh Đối thoại chuyên đề: "Phát triển thẻ tín dụng nội địa: Con đường tiếp cận tài chính toàn diện". Ảnh: Chu Xuân Khoa.
Toàn cảnh Đối thoại chuyên đề: "Phát triển thẻ tín dụng nội địa: Con đường tiếp cận tài chính toàn diện". Ảnh: Chu Xuân Khoa.

Theo bà Hà, một lợi thế khác biệt so với các ngân hàng khác, đó là của Agribank có những nhóm, tổ vay vốn.

Đặc biệt, từ đầu năm 2022, Agribank cũng chính thức triển khai sản phẩm thẻ tín dụng nội địa “Lộc Việt”, tất cả những gì khách hàng cần chỉ từ một chiếc thẻ thông minh.

Theo bà Hà, đây là sản phẩm được tích hợp công nghệ thanh toán vượt trội - không tiếp xúc, cũng là công nghệ mới nhất hiện nay trên thị trường, giúp khách hàng được trải nghiệm hình thức thanh toán thời thượng, nhanh chóng và tiện lợi.

 

"Nếu người dân là thành viên của hội phụ nữ, hội nông dân, thông qua các tổ, hội, bà con có thể tiếp cận với ngân hàng để vay vốn qua các tổ, hội, nhóm này. Đây là một hình thức rất tiện lợi và tạo thuận lợi tối đa cho người dân", Phó Giám đốc Trung tâm Thẻ Agribank cho hay.

Cùng với đó, thẻ “Lộc Việt” có đầy đủ các tính năng "2 in 1", của một thẻ ghi nợ cũng như thẻ tín dụng trên cùng một con chip theo chuẩn mới về thẻ chip cho thanh toán nội địa ở Việt Nam (VCCS). Nhờ đó, khách hàng có thể chủ động lựa chọn phương thức thanh toán, hoặc thanh toán bằng nguồn tài chính của mình với ứng dụng thẻ ghi nợ, hay chi tiêu trước, trả tiền sau với ứng dụng thẻ tín dụng, tức tiền của ngân hàng.

Ngoài những khách hàng chưa vay vốn, Agribank "nhắm" đến 4 nhóm đối tượng để phát triển thẻ tín dụng nội địa, bao gồm: khách hàng cá nhân, hộ gia đình ở địa bàn nông nghiệp, nông thôn; sinh viên ở các học viện, các trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc; khách hàng của Tập đoàn điện lực EVN; khách hàng trả lương qua tài khoản của Agribank. 

Cũng theo đại diện Agribank, từ khi chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip, các ngân hàng cũng tiêu tốn một chi phí khá lớn nhưng đem lại sự thuận tiện hơn cho khách hàng cũng như an toàn hơn, bảo mật hơn cho người dùng.

"Chúng tôi chuyển đổi sang thẻ chip từ năm từ đầu năm 2019 đến nay gần 3 năm nhưng chưa thấy bất cứ rủi ro hay khiếu nại nào của khách hàng vì bị mất thông tin khi giao dịch", bà Hà khẳng định.

Khuyến cáo chủ thẻ nếu phát hiện ra bị lộ thông tin, Phó Giám đốc Trung tâm Thẻ Agribank, cho biết khách hàng có thể vào ứng dụng của Agribank E-mobile banking để có thể khóa thẻ và thay đổi mã pin trên ứng dụng, ngoài việc gọi điện đến tổng đài hỗ trợ khách hàng 24/7, rất tiện lợi.

Tuy nhiên, cũng theo đại diện Agribank, các ngân hàng hiện gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai thẻ tín dụng nội địa. Vì vậy, cần sớm nghiên cứu để ban hành những quy định riêng đối với cho vay tiêu dùng, cho vay thấu chi, giúp giải quyết thiếu hụt vốn tạm thời trong thanh toán, từ đó, tăng tốc phát triển thẻ tín dụng nội địa đầy tiềm năng.