11:02 24/11/2007

IMF: Lạm phát tại Việt Nam có thể còn tăng

Đánh giá mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng mức lạm phát cao đang ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế Việt Nam

Lạm phát cao, người nghèo thêm khó khăn do đồng tiền kiếm được mua được ít hàng hơn.
Lạm phát cao, người nghèo thêm khó khăn do đồng tiền kiếm được mua được ít hàng hơn.
Đánh giá mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng mức lạm phát cao đang ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế Việt Nam.

Trong tham vấn năm 2007 với Việt Nam vừa được công bố trên trang web của cơ quan này, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 8 - 8,25% trong năm 2007 - 2008, kinh tế Việt Nam trong tương lai trung hạn là "rất có triển vọng và tăng trưởng ổn định".

Tuy nhiên, theo IMF, phát triển kinh tế chỉ đạt được với điều kiện Chính phủ tiếp tục siết chặt chính sách tiền tệ, giảm lạm phát.

Tỉ lệ lạm phát - sự mất giá trị thị trường hay giảm sức mua của đồng tiền - hiện ở mức cao, đang là vấn đề gây khó khăn cho một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất của Đông Nam Á. Tham vấn của IMF cho biết tháng 7/2007, lạm phát của Việt Nam ở mức 8,4% so với 6,6% cuối năm 2006.

Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh dự đoán tỉ lệ lạm phát có thể cao hơn, tới hơn 10% vào cuối năm. Ông cho rằng khi so sánh tỉ lệ tăng trưởng kinh tế dự báo ở mức trên 8% với tỉ lệ lạm phát ở con số tương đương, và tăng trưởng kinh tế đã không đem lại lợi ích cho tất cả mọi người.

"Có thể thấy rằng tăng trưởng kinh tế hiện nay khó có thể đem lại lợi ích của tất cả mọi người. Không phải tất cả mọi lĩnh vực đều tăng trưởng, như nông nghiệp chỉ tăng hơn 3%. Ở miền Trung, với tình hình bão lũ gây thiệt hại hiện nay, có thể nói tăng trưởng kinh tế thậm chí ở mức âm", ông nói.

Ông Doanh cho rằng tỉ lệ lạm phát cao là mức thuế vô hình đánh vào dân nghèo. Những người bình thường sẽ gặp khó khăn, vì mức thu nhập của họ không thể tăng được như mức lạm phát.. IMF cũng dự báo lạm phát của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tăng cao hơn.

Không được sao nhãng cải cách ngân hàng

Trong tham vấn của mình, IMF đưa cảnh báo rằng sự kém hiệu quả trong cải cách ngành ngân hàng và các công ty quốc doanh là một trong những nguy cơ tiềm ẩn đối với nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời, sự ổn định về tài chính trong nước sẽ bị đe dọa do môi trường qui định yếu và dòng ngoại hối chảy vào nhiều có thể khiến các chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ kém hiệu quả hơn.

IMF ủng hộ yêu cầu của Chính phủ muốn IMF có hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng khả năng tài chính mạnh hơn. Theo IMF, việc trợ giúp này liên quan tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong chiến lược hiện đại hóa khung chính sách tiền tệ và nâng cao khả năng kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo nên có sự dè dặt đối với sự nâng lương đồng loạt. Theo ông Doanh, lương dành cho lĩnh vực công và tiền hưu cùng các khoản cho vay đối với các công ty thuộc sở hữu nhà nước có thể làm áp lực lạm phát mạnh hơn và tăng nợ công. IMF cũng tỏ ra lo ngại về tình hình thị trường chứng khoán nóng lên một cách quá mức.