13:36 23/04/2025

IMF: Tăng trưởng toàn cầu sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, Ấn Độ

An Huy

Cùng với đó, IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, trong đó có dự báo về Việt Nam, trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang...

Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva phát biểu tại trụ sở IMF ở Washington DC, Mỹ hôm 17/4, trước thềm chuỗi sự kiện mùa xuân thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) - Ảnh: Bloomberg.
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva phát biểu tại trụ sở IMF ở Washington DC, Mỹ hôm 17/4, trước thềm chuỗi sự kiện mùa xuân thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) - Ảnh: Bloomberg.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia đông dân nhất thế giới, sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Cùng với đó, IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, trong đó có dự báo về Việt Nam, trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) công bố ngày 22/4, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay về 2,8%, giảm 0,5 điểm phần trăm từ mức dự báo tăng 3,3% đưa ra hồi tháng 1. Dự báo về năm 2026 giảm 0,3 điểm phần trăm, còn 3%. Sự điều chỉnh này diễn ra khi mức độ bất định trên toàn cầu tăng cao do Tổng thống Donald Trump Mỹ thời gian qua có hàng loạt động thái khó lường về thuế quan, từ công bố áp thuế quan cho tới tạm hoãn một số thuế quan đã công bố và cảnh báo sẽ tiếp tục có thêm thuế quan mới.

Hãng tin Reuters cho biết bản cập nhật WEO này được IMF thực hiện chỉ trong vòng 10 ngày sau khi ông Trump áp thuế quan đối ứng lên hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. báo cáo nhấn mạnh rằng thuế quan ở Mỹ đang cao nhất 100 năm, đồng thời cảnh báo căng thẳng thương mại có khả năng khiến tăng trưởng giảm tốc hơn nữa.

SỰ BẤT ĐỊNH TĂNG CAO

Song song với việc cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế, IMF nâng dự báo lạm phát toàn cầu do tác động tiềm ẩn của thuế quan. Báo cáo cập nhật cho rằng tốc độ lạm phát toàn cầu sẽ là 4,3% trong năm nay và 3,6% trong năm 2026, trong đó lạm phát ở Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác được điều chỉnh tăng đáng kể.

“Chúng ta đang bước vào một thời kỳ mà hệ thống kinh tế toàn cầu đã vận hành suốt 80 năm qua đang bị thiết lập lại”, nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gounrinchas của IMF phát biểu với báo giới.

IMF nói rằng căng thẳng thương mại leo thang nhay và “mức độ bất định cực kỳ cao” về các chính sách trong tương lai sẽ có tác động lớn đến các hoạt động kinh tế trên toàn cầu.

“Chúng tôi nhận thấy tăng trưởng sẽ chậm lại ở Mỹ, ở eurozone, ở Trung Quốc, và ở các khu vực khác trên thế giới”, ông Gourinchas nói với Reuters. “Nếu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác tiếp tục leo thang, sự bất định sẽ càng lớn hơn, thị trường tài chính sẽ biến động thêm, điều kiện tài chính sẽ thắt chặt hơn”, ông Gourinchas cảnh báo, nhấn mạnh rằng sự tác động dây chuyền đó sẽ khiến triển vọng kinh tế toàn cầu xấu hơn nữa.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ xấu đi đã gây suy giảm nhu cầu đồng USD, nhưng những điều chỉnh trên thị trường tiền tệ và hoạt động tái cân bằng danh mục của nhà đầu tư đến thời điểm này diễn ra có trật tự - nhà kinh tế trưởng của IMF nhận xét. “Chúng tôi không thấy có sự dẫm đạp lên nhau mà tháo chạy. Hiện tại, chúng tôi không lo lắng gì về sự vững vàng của hệ thống tiền tệ quốc tế”, ông nói.

Dù vậy, triển vọng kinh tế toàn cầu trong trung hạn đang ảm đạm, với dự báo tăng trưởng bình quân hàng năm trong 5 năm tới là 3,2%, thấp hơn so với mức bình quân 3,7% trong thời kỳ 2000-2019. IMF cho rằng triển vọng này khó có sự cải thiện nếu không có các cải cách mang tính cơ cấu.

Về thương mại toàn cầu, IMF dự báo tăng trưởng sẽ chỉ đạt 1,7% trong năm nay, bằng một nửa so với mức tăng của năm ngoái và thấp hơn 1,5 điểm phần trăm so với lần dự báo trước. IMF nói rằng điều này phản ánh sự phân mảnh gia tăng của kinh tế thế giới.

Cũng theo ông Gourinchas, thuế quan leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm mạnh và điều này sẽ “gây áp lực giảm lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Thương mại vẫn sẽ diễn ra, nhưng sẽ tốn nhiều chi phí hơn và kém hiệu quả hơn - ông nói, nhấn mạnh sự hoang mang và bất định của doanh nghiệp về việc nên đầu tư vào đâu, nên tìm nguồn sản phẩm và linh kiện ở đâu.

“Lập lại sự ổn định và rõ ràng trong hệ thống thương mại, theo bất kỳ dạng thức nào, là cực kỳ quan trọng”, ông Gourinchas nói với Reuters.

CÁC NỀN KINH TẾ ĐỒNG LOẠT BỊ HẠ DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG

Về Mỹ, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 về 1,8%, giảm tròn 1 điểm phần trăm so với mức tăng 2,8% của năm 2024, và thấp hơn 0,9 điểm phần trăm so với lần dự báo trước. Về năm 2026, IMF dự báo kinh tế Mỹ tăng 1,7%, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với lần dự báo trước.

Ông Gourinchas nói IMF không dự báo kinh tế Mỹ suy thoái, nhưng khả năng xảy ra suy thoái đã tăng từ 25% lên 37%.

Định chế này dự báo lạm phát toàn phần của Mỹ năm nay sẽ tăng lên 3%, cao hơn 1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1 do tác động của thuế quan và sức mạnh của lĩnh vực dịch vụ. Bởi vậy, ông Gourinchas khuyến cáo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nên thận trọng trong việc ghìm giữ kỳ vọng lạm phát, nhất là khi nhiều người Mỹ vẫn còn chưa quên thời kỳ lạm phát tăng vọt trong đại dịch Covid-19.

Dự báo tăng trưởng kinh tế của Canada và Mexico - hai nước láng giềng Mỹ bị ông Trump áp thuế quan mạnh tay - cũng không nằm ngoài danh sách bị IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế. IMF dự báo kinh tế Canada tăng 1,4% trong năm nay và 1,6% trong năm 2026, thay vì mức dự báo tăng 2% cho cả hai năm đưa ra hồi tháng 1. Về Mexico, IMF dự báo nền kinh tế giảm 0,3 điểm phần trăm trong năm nay, thay vì tăng 1,4% như dự báo hồi tháng 1, và đạt tăng trưởng 1,4% trong 2026.

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế eurozone còn 0,8% và 1,2%, tương ứng của năm 2025 và 2026, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với hồi tháng 1. Trong đó, kinh tế Đức được dự báo không tăng trưởng năm nay, từ mức dự báo tăng 0,3% đưa ra hồi tháng 1. Dự báo tăng trưởng kinh tế Đức 2026 là tăng 0,9%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với lần dự báo trước.

Kinh tế Anh được dự báo tăng 1,1% trong năm nay, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với lần dự báo trước, và tăng 1,4% trong 2026.

Kinh tế Nhật Bản được IMF kỳ vọng tăng 0,6% trong 2025, giảm 0,5 điểm phần trăm so với lần dự báo trước.

Đối với Trung Quốc, triển vọng tăng trưởng 2025 và 2026 giảm còn 4%, thấp hơn tương ứng 0,6% và 0,5% so với lần dự báo hồi tháng 1. Theo ông Gounrinchas, thuế quan sẽ làm mất đi 1,3 điểm phần trăm trong tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2025, nhưng sự sụt giảm này được bù đắp một phần bởi chính sách tài khóa mở rộng.

IMF dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,2% trong năm 2025 và 4% trong năm 2026, so với mức tăng gần 7,1% của năm 2024. Trong báo cáo tháng 10/2024, IMF dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,1% trong 2025.

So với báo cáo hồi tháng 10, IMF lần này dự báo Trung Quốc và Ấn Độ sẽ đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng toàn cầu năm nay trên cơ sở đồng giá sức mua (PPI). Trái lại, đóng góp của Mỹ bị điều chỉnh giảm xuống.

Theo tính toán của hãng tin Bloomberg dựa trên báo cáo của IMF, Trung Quốc sẽ là nước đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng toàn cầu trong 5 năm tới, với tỷ trọng 23%, từ mức dự báo 21,7% đưa ra hồi tháng 10. Ấn Độ được dự báo đóng góp 15% trong sản lượng kinh tế tăng thêm của thế giới từ nay tới 2030, trong khi tỷ trọng đóng góp của Mỹ được dự báo đạt 11,3%, giảm từ mức 11,6% của lần cập nhật trước.

25 nền kinh tế  được dự báo đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu thời kỳ 2025-2030 theo tính toán của Bloomberg dựa trên số liệu của IMF - Nguồn: Bloomberg.
25 nền kinh tế  được dự báo đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu thời kỳ 2025-2030 theo tính toán của Bloomberg dựa trên số liệu của IMF - Nguồn: Bloomberg.

Dự báo của IMF cũng cho thấy tăng trưởng toàn cầu tiếp tục có sự tập trung cao, với khoảng 80% tăng trưởng đến từ 25 quốc gia có đóng góp nhiều nhất.

Cũng theo ước tính của Bloomberg dựa trên số liệu của IMF, Việt Nam sẽ đóng góp khoảng 1,2% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thời kỳ 2025-2030.