14:50 14/02/2008

iPhone, “bèo dạt mây trôi”

Kiều Oanh

Hiện có khoảng 1.000.000 chiếc điện thoại iPhone trôi nổi trên thị trường chợ đen, bị bẻ khóa và sử dụng "ngoài luồng"

Hiện Apple mới chỉ chính thức được bán iPhone tại Mỹ, Anh, Pháp và Đức.
Hiện Apple mới chỉ chính thức được bán iPhone tại Mỹ, Anh, Pháp và Đức.
Bước chân vào một cửa hàng điện thoại lớn có tên Zhongguancun Kemao ở Bắc Kinh, bạn nhìn quanh và chẳng thấy một chiếc iPhone nào.

Nhưng chỉ cần bạn nói nhỏ với ông chủ Li Zhongxin của cửa hàng này một tiếng, ông sẽ sẵn lòng cho bạn biết biết, ở đây có bán iPhone và bạn có thể mua được bao nhiêu cũng được.

Trung Quốc là một trong những thị trường mà Apple chưa bán iPhone nên xem ra, đối với nhiều người, sự hiện diện của iPhone tại đây là điều khó hiểu.

Có cung, ắt có cầu

Hiện Apple mới chỉ chính thức bán iPhone tại Mỹ, Anh, Pháp và Đức. Tại các quốc gia này, hãng đã ký hợp đồng độc quyền với các mạng điện thoại di động đối tác để khác hàng mua iPhone có thể kích hoạt trên các mạng này. Apple thu về hàng trăm USD tính trên mỗi chiếc iPhone được bán ra khi khách hàng kích họat dịch vụ do đối tác của Apple cung cấp trên chiếc điện thoại đó.

Còn tại các thị trường khác, như Trung Quốc chẳng hạn, về mặt lý thuyết, những người ao ước có trong tay chiếc iPhone vẫn chưa thể biến giấc mơ này thành hiện thực. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh phát đạt của ông chủ Li ở đầu câu chuyện này lại chứng minh một thực tế ngược lại.

Và cửa hàng của ông Li cũng mới chỉ là một đại diện nhỏ bé của thị trường chợ đen rộng lớn có phạm vi toàn cầu của chiếc iPhone. Thị trường này bao gồm những nhà xuất nhập khẩu vô danh của Trung Quốc, những hãng sản xuất chất bán dẫn ở Đông Âu, những doanh nhân ở Australia và cả những tay buôn lậu, tất cả đều muốn mua iPhone với số lượng lớn nhất có thể từ các cửa hàng của Apple và các đối tác của hãng này ở Mỹ và Tây Âu.

Và dĩ nhiên, có một số lượng không thể đếm xuể các nhà bán lẻ nhỏ sẵn sàng mua lại rồi bán những chiếc iPhone này ở mức giá ngất ngưởng để cung cấp đến người tiêu dùng toàn thế giới.

Số liệu thống kê cho thấy, có khoảng 800.000 đến 1.000.000 chiếc iPhone, chiếm khoảng 1/4 lượng iPhone đã được bán ra, đã bị bẻ khóa, tức là bị điều chỉnh để được sử dụng trên những mạng điện thoại không phải là của các đối tác độc quyền của Apple.

Thị trường chợ đen này không mất quá nhiều thời gian để phát triển. Cho đến khi iPhone chính thức được đưa ra thị trường hôm 29/6 năm ngoái, các hacker và các công ty chuyên về bẻ khóa điện thoại di động đã đang trong quá trình tìm kiếm các biện pháp để chiếc điện thoại này có thể hoạt động trên các mạng không phải là đối tác của Apple.

Chỉ trong có vài tuần sau, các diễn đàn trên mạng đã xôn xao vì một công ty nhỏ có tên Bladox ở Czech tuyên bố đã bẻ khóa được iPhone, bằng một thiết bị điện tử gọi là Turbo SIM. Đến giữa tháng 8 năm ngoái, công ty chỉ có 10 người này đã ngập trong dòng đơn đặt hàng đổ về từ các nơi trên thế giới, đặc biệt là từ Canada và Mexico, nơi những “con nghiện” iPhone không phải đi quá xa để có một chiếc điện thoại này. Bladox hoàn toàn bất ngờ và không thể đủ năng lực để đáp ứng hết nhu cầu của khách hàng.

Tới nay, Bladox đã bán thiết bị bẻ khóa điện thoại di động tới hơn 100 nước trên thế giới, bao gồm cả những nơi tưởng như “khỉ ho cò gáy” như Tahiti và Afghanistan. Nhờ những phương tiện bẻ khóa như vậy mà hiện iPhone đã có mặt ở rất nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Brazil, Canada, Cộng hòa Dominican, Indonesia, Việt Nam, Israel, Nigeria, Peru, Ba Lan, Nga, UAE…

Những nguồn hàng

Sự phát triển bùng nổ của thị trường chợ đen của iPhone một phần là kết quả của nguồn cung hạn chế và một phần cũng do sự can thiệp hầu như ở con số 0 của Apple và các đối tác của hãng này.

Các đối tác được ủy quyền của Apple, bao gồm AT&T, O2, Orange và T-Mobile ở Đức, đang thiệt hại hàng trăm triệu USD mỗi tháng khi các khách hàng đăng ký sử dụng rời bỏ dịch vụ của họ để chuyển sang sử dụng những chiếc điện thoại được bẻ khóa. Tuy nhiên, phần lớn những chiếc iPhone bị bẻ khóa được sử dụng ở các quốc gia nơi không có mạng di động là đối tác của Apple.

Thị trường chợ đen của Apple cũng được kích thích bởi sự mất giá của đồng USD. Sự biến động tỷ giá này giúp người tiêu dùng tại châu Âu và một số nơi khác có thể mua được iPhone với giá rẻ hơn nếu họ đến Mỹ thay vì mua ngay tại trong nước. Những tay buôn chợ đen cũng sớm nhận ra cơ hội này và tìm cho mình nguồn cung cấp hàng từ Mỹ.

Họ có thể nhờ người thân và bạn bè của mình sử dụng hết số “hạn ngạch” mua iPhone. Theo giới hạn hiện nay, mỗi cá nhân có thể mua 5 chiếc iPhone tại các cửa hàng của Apple và 3 chiếc tại cửa hàng của AT&T. Có người còn giả là một chủ doanh nghiệp nhỏ để lừa một chủ cửa hàng Apple bán cho anh ta 100 chiếc iPhones để “tặng cho nhân viên”. Các tiếp viên hàng không cũng là một nguồn hàng cung cấp iPhone lậu khá quan trọng.

Một số lượng iPhone trên thị trường đen còn rò rỉ từ những nhà máy lắp ráp sản phẩm này ngay tại Trung Quốc. Một chủ cửa hàng điện thoại ở Trung Quốc cho biết, có nhiều công nhân trong những nhà máy này bán iPhone ra ngoài. Thậm chí, tài liệu về chiếc iPhone nguyên bản và hướng dẫn sửa chữa nó, vốn là tài liệu mật của Apple, cũng đã bị lọt ra ngoài. Như vậy, tài liệu này đã bị nhân viên của Apple hoặc đối tác lấy cắp, có thể là để bán cho các tay bẻ khóa.

Những chiếc iPhone bị trả lại cũng có thể bị lọt ra thị trường chợ đen. Cellucom, một công ty chuyên về tân trang lại điện thoại di động ở bang Ohio, Mỹ cho biết, mỗi tháng họ nhận về khoảng 400 đến 500 chiếc iPhones từ các cửa hàng bán lẻ. Thường thị họ sẽ không tân trang lại những chiếc điện thoại đã bị sửa chữa. Thay vào đó, họ gửi những chiếc điện thoại này tới các hãng bán buôn ở Miami và New York để các hãng này sửa chữa và bẻ khoá.

Nhiều rủi ro

Cũng như nhiều thị trường chợ đen khác, thị trường chợ đen của iPhone cũng chưa đầy những rủi ro. Không ít người mua iPhone lậu là những kẻ gian sử dụng thẻ tín dụng ăn cắp. Đối với những chiếc điện thoại không phải là iPhone, chưa đầy 1 trong 100 người mua dùng thẻ tín dụng đánh cắp để mua, nhưng đối với iPhone, tỷ lệ này là 1:5.

Một rủi ro lớn khác phải kể đến là tính bấp bênh của thị trường do “trò chơi mèo đuổi chuột” giữa Apple và các tay hacker phần mềm chuyên bẻ khóa iPhone. Tháng 9 năm ngoái, Apple nâng cấp phần mềm khiến những chiếc iPhone bị bẻ khóa trước đó trở nên vô dụng. Nhưng không lâu sau đó, một sản phẩm phần mềm mới của các tay hacker lại giúp việc bẻ khóa iPhone thậm chí còn dễ dàng hơn trước.

Song lại một lần nữa, Apple lại nâng cấp phần mềm, khiến việc bẻ khóa bằng phần mềm mất tác dụng, và nhu cầu đối với các sản phẩm bẻ khóa điện tử lại tăng trở lại.

Thế nhưng, rủi ro lớn nhất đối với những tay buôn lậu iPhone có thể sẽ là một vụ kiện nhằm chấm dứt việc mua bán và bẻ khóa bất hợp pháp chiếc điện thoại này.

(Theo BusinessWeek)