16:37 14/07/2015

Iran đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử

An Huy

Thành tựu chính sách đối ngoại lớn nhất của Tổng thống Barack Obama, nếu thoả thuận được Quốc hội Mỹ thông qua

<span style="font-size: 15px;">Đại diện Iran và 6 nước - Ảnh: Reuters.</span>
<span style="font-size: 15px;">Đại diện Iran và 6 nước - Ảnh: Reuters.</span>
Iran và 6 cường quốc đã đạt được một thỏa thuận mang tính lịch sử về hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran để đổi lấy việc nước này được nới lệnh trừng phạt.

Theo hãng tin Bloomberg, thỏa thuận này khép lại hai năm ngoại giao đầy khó khăn và là bước đột phá lớn nhất trong quan hệ giữa Iran với thế giới trong nhiều thập kỷ trở lại đây.

12 năm bế tắc

Thỏa thuận trên đã được ký kết giữa các nhà ngoại giao tại Vienna, Áo, theo một quan chức tham gia đàm phán. “Nỗ lực của chúng tôi đã đơm hoa kết trái”, hãng thông tấn Fars của Iran dẫn lời nhà ngoại giao đề nghị giấu tên cho biết. Vị này cũng từ chối cung cấp thông tin về chi tiết của thỏa thuận.

Với thỏa thuận trên, Iran sẽ giảm bớt các tham vọng hạt nhân của mình. Đổi lại, nước này sẽ được nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế kìm hãm phát triển nền kinh tế trong nhiều năm qua. Thỏa thuận hứa hẹn kết thúc thế bế tắc kéo dài 12 năm liên quan tới các hoạt động hạt nhân của Iran - thế bế tắc vốn từng nhiều lần đe dọa dẫn tới hành động quân sự của Mỹ và Israel.

Với lượng dầu lửa lớn từ Iran dự kiến sẽ được đưa ra thị trường quốc tế sau khi nước này được nới trừng phạt trong bối cảnh thế giới đang dư thừa dầu, giá dầu thế giới đã giảm mạnh ngay sau khi thông tin về việc đạt thỏa thuận được phát đi. Giá dầu Brent tại thị trường London có lúc giảm 2,1%, còn 56,63 USD/thùng trong phiên giao dịch chiều nay theo giờ Việt Nam.

Sau 35 năm Mỹ “ghẻ lạnh” Iran, Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để xem xét thỏa thuận vừa đạt được. Không loại trừ khả năng thỏa thuận này sẽ vấp phải sự phản đối của các nghị sỹ có quan điểm phản đối nhượng bộ với Iran trong vấn đề hạt nhân. Israel cũng đã phát tín hiệu cho thấy sẽ vận động Quốc hội Mỹ bỏ phiếu chống lại thỏa thuận này.

Nếu được Quốc hội Mỹ thông qua, thỏa thuận này sẽ là một trong những thành tựu chính sách đối ngoại lớn nhất của Tổng thống Barack Obama. Chính ông Obama là người đã mở ra cuộc đàm phán bằng một cuộc điện đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani cách đây khoảng 2 năm.

Việc thực thi đầy đủ thỏa thuận sẽ phải mất nhiều tháng và tùy thuộc vào tốc độ Iran đáp ứng các yêu cầu mà các cường quốc đưa ra trong thỏa thuận. Dần dần, việc nới trừng phạt sẽ cho phép quốc gia Hồi giáo nhiều dầu lửa này đẩy mạnh xuất khẩu dầu, tiếp cận với các nguồn vốn quốc tế và mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Giá dầu thô ngọt nhẹ giao ngay tại thị trường New York lúc gần 16h chiều nay theo giờ Việt Nam giảm 1,04 USD/thùng, tương đương giảm gần 2%, còn 51,16 USD/thùng.

Cánh cửa Iran đã mở


Thỏa thuận hạt nhân của Iran được cho là sẽ có ảnh hưởng lan tỏa khắp khu vực Trung Đông.

Tại khu vực này, ưu thế của người Hồi giáo theo dòng Shiite vốn chiếm đa số ở Iran đang ngày càng gia tăng trong bối cảnh xung đột với các phần tử Hồi giáo cực đoan người Sunni, khiến các quốc gia vùng Vịnh quan ngại.

Iran là một lực lượng ủng hộ chính đối với các chính phủ Iraq và Syria, đồng thời ủng hộ các nhóm nổi dậy hiện đang kiểm soát thủ đô của Yemen, cũng như nhóm du kích Hezbollah của Lebanon.

Tại Trung Quốc, châu Âu và Nga, thỏa thuận hạt nhân Iran nhận được sự chào đón của các công ty đang nóng lòng muốn tiếp cận với một thị trường sơ khai với 77 triệu dân.

Iran là một nền kinh tế có quy mô lớn hơn Thái Lan và trữ lượng dầu lửa ngang với trữ lượng của Canada.

Theo dự báo của quỹ đầu tư Renaissance, nới trừng phạt có thể mở ra cánh cửa thị trường chứng khoán Iran cho các nhà đầu tư vào đầu năm 2016, và dòng vốn đổ vào thị trường này ngay trong năm đầu tiên có thể lên tới 1 triệu USD.