09:24 05/05/2008

Iran loại đồng USD khỏi giao dịch dầu mỏ

Trung Việt

Iran vừa tuyên bố ngừng hoàn toàn mọi giao dịch buôn bán dầu mỏ bằng đồng USD

Iran đang nỗ lực sử dụng năng lượng như một lá bài quan trọng để phá thế cô lập do bị Mỹ bao vây.
Iran đang nỗ lực sử dụng năng lượng như một lá bài quan trọng để phá thế cô lập do bị Mỹ bao vây.
Iran vừa tuyên bố ngừng hoàn toàn mọi giao dịch buôn bán dầu mỏ bằng đồng USD. Đồng thời, nước này đang nỗ lực sử dụng năng lượng như một lá bài quan trọng để phá thế cô lập do bị Mỹ bao vây.

Ông H. Ghanimifard, quan chức Bộ dầu mỏ Iran vừa thông báo trên Đài truyền hình quốc gia việc Iran chuyển sang giao dịch buôn bán dầu mỏ bằng đồng EUR và đồng Yên Nhật.

Giảm phụ thuộc vào USD

Tất cả các khách hàng dầu mỏ của Iran đã đồng ý chuyển sang giao dịch bằng các đồng tiền khác ngoài USD. Khách hàng châu Âu sẽ thanh toán bằng EUR; khách hàng châu Á sử dụng cả đồng EUR lẫn đồng Yên để thanh toán.

Iran hiện là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ chiếm phần lớn trong tổng giá trị xuất khẩu 80 tỷ USD/năm. Trong năm qua, nước này đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào USD trong bối cảnh phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng của Mỹ đối với hệ thống tài chính Iran.

Ngân hàng Trung ương Iran đã giảm dự trữ ngoại tệ bằng USD. Gần đây, Iran đã đề nghị các nước OPEC sử dụng một số đồng tiền khác ngoài USD để định giá dầu trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, đề xuất này không nhận được nhiều ý kiến ủng hộ.

Việc không mặn mà với đồng USD trong bối cảnh đồng tiền này mất giá, kinh tế Mỹ suy yếu, là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Iran đang căng thẳng chung quanh vấn đề hạt nhân, động thái này của Iran có thể làm quan hệ song phương thêm tồi tệ. Báo chí phương Tây từng cho rằng, một trong những lý do Mỹ tấn công Iraq trước đây, là do chính quyền nước này định loại bỏ đồng USD trong giao dịch dầu lửa, điều này có thể khiến một loạt nước khác có hành động tương tự, gây tổn hại kinh tế Mỹ.

Tuyên bố không sử dụng USD trong giao dịch dầu mỏ của Iran đưa ra trong bối cảnh có nhiều nguồn tin cho rằng Mỹ có thể tấn công Iran, sau khi triển khai thêm tàu sân bay thứ hai tại vùng Vịnh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates khẳng định, việc triển khai tàu sân bay thứ hai tại vùng Vịnh chỉ là "sự nhắc nhở" Iran về sức mạnh quân sự Mỹ ở khu vực Trung Đông.

Nỗ lực phá thế cô lập

Iran đang nỗ lực “ngoại giao năng lượng” để phá thế bao vây, cấm vận của Mỹ. Tổng thống Iran, M.Ahmadinejad vừa tiến hành chuyến thăm 3 nước Nam Á: Pakistan, Sri Lanka và Ấn Độ, nhằm thúc đẩy một loạt dự án năng lượng.

Kế hoạch xây dựng hệ thống dẫn khí đốt nối Iran, Pakistan và Ấn Độ là nội dung chính trong chuyến thăm hai nước nói trên của Tổng thống Iran. Tại Islamabad, Tổng thống Ahmadinejad và Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf đã nhất trí loại bỏ mọi trở ngại liên quan đến dự án trị giá 7,6 tỷ USD này, để sớm đi đến ký kết.

Nếu được triển khai, hệ thống đường ống khí đốt quan trọng này sẽ bắt đầu được khởi công từ năm 2009, xuất phát từ Iran, đi qua Pakistan và điểm kết thúc là Ấn Độ. Giai đoạn đầu, dự án cho phép vận chuyển 60 triệu m3 khí đốt/ ngày cho Pakistan và Ấn Độ, công suất có thể tăng lên 150 triệu m3 khí/ngày trong giai đoạn sau.

Nội dung chi tiết của dự án xây dựng hệ thống dẫn khí đốt cũng đã được Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Tổng thống Ahmadinejad thảo luận ngày 29/4. Hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ sớm ký kết dự án quan trọng này để có thể triển khai xây dựng từ năm 2009 và hoàn tất vào năm 2012. Các bộ trưởng Năng lượng Iran và Ấn Độ cũng đã gặp nhau và đã nhất trí thúc đẩy quan hệ thương mại song phương lên 30 tỷ USD trong vài năm tới, so với 10 tỷ USD hiện nay.

Tổng thống Ahmadinejad khẳng định, thoả thuận hợp tác xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đốt này không đơn thuần là thỏa thuận thương mại giữa các nước, mà còn mang ý nghĩa chính trị, xã hội và kinh tế. Các nhà phân tích cho rằng, đây là một thắng lợi của Iran, trong bối cảnh Mỹ luôn tìm cách ngăn cản Pakistan, Ấn Độ ký kết bất kỳ thỏa thuận nào với Iran.

Trong chuyến thăm 3 nước Nam Á, Tổng thống Ahmadinejad cũng đã tới Sri Lanka dự lễ khởi công dự án xây dựng nhà máy thủy điện với một phần vốn do Iran tài trợ. Iran còn cam kết cho Sri Lanka vay 1,5 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có kế hoạch nâng công suất của nhà máy lọc dầu lớn nhất tại nước này và dự án xây nhà máy thủy điện công suất 100 MW.