13:33 17/10/2019

JICA: Cần đẩy nhanh hơn tiến độ giải ngân dự án ODA tại Việt Nam

Nguyễn Tuyến

Điển hình dự án đường sắt đô thị tại Tp.HCM đang gặp phải một số vướng mắc trong việc triển khai do chậm thanh toán

Ông Konaka Tetsuo tại họp báo thường niên của JICA sáng 17/10.
Ông Konaka Tetsuo tại họp báo thường niên của JICA sáng 17/10.

Tại buổi Họp báo thường niên của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) – Văn phòng Việt Nam sáng nay, ông Konaka Tetsuo, Trưởng Đại diện JICA Việt Nam cho biết dù nhiều dự án ODA mới về Hợp tác Kỹ thuật, Viện trợ không hoàn lại do JICA thực hiện đã được ký kết và đang triển khai thuận lợi, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng chưa được giải quyết.

"Một số dự án vốn vay ODA đã được ký kết từ năm 2018 vẫn chưa thể thực hiện; vấn đề chậm thanh toán trong các dự án đang triển khai…Ví dụ dự án đường sắt đô thị tại Tp.HCM, do vấn đề chậm thanh toán nên dự án đang vướng phải một số khó khăn để tiếp tục triển khai. Chính vì thế, JICA đang cố gắng hết sức để làm việc với các cơ quan quản lý Việt Nam để có thể thúc đẩy triển khai các dự án này", ông Konaka cho biết.

Ông cho biết đây không chỉ là khó khăn đối với JICA và ODA Nhật Bản, mà là vấn đề chung của tất cả các tổ chức quốc tế và nhà tài trợ song phương khác.

"Cá nhân tôi cho rằng, với các dự án hạ tầng quy mô lớn, từ khi bắt đầu tới khi hoàn thành mất thời gian tương đối dài, vì vậy, nếu không sớm thúc đẩy triển khai, thì có thể trong lương lai, dự án có thể sẽ gặp thêm các khó khăn và vướng mắc. Đây là vấn đề tôi đang rất quan ngại", vị đại diện JICA chia sẻ tại họp báo.

Tuy nhiên, Trưởng Đại diện JICA Việt Nam đánh giá cao sự vào cuộc của chính phủ Việt Nam, cùng các Bộ, ngành có liên quan. Tháng 6/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp Ủy ban Chỉ đạo ODA (ODA Steering Committee) để tập trung làm rõ các vấn đề trong thực hiện các dự án ODA. Bên cạnh đó, cũng có những động thái tích cực được kỳ vọng sẽ mang lại những chuyển biến mới, ảnh hưởng đến việc thực hiện các dự án ODA tại Việt Nam như: tỷ lệ nợ công so với GDP của Việt Nam đã giảm đáng kể; Chính phủ bắt đầu quan tâm đến cải thiện hiệu suất trong chi tiêu công, sửa đổi các quy định liên quan đến ODA....

Dù vậy, bên cạnh việc đánh giá cao khi tỷ lệ nợ công so với GDP của Việt Nam đã giảm đáng kể, ông Konaka cũng cảnh báo cần thận trọng để không rơi vào tình trạng ghìm nợ công quá mức, có thể gây tác động không lành mạnh cho nền kinh tế. 

Theo cập nhật của JICA, từ tháng 4/2019 - 9/2019, đang có 28 dự án vốn vay ODA được cơ quan này triển khai tại Việt Nam, không ký kết Hiệp định vay vốn mới nào. Tổng giá trị vốn vay đã giải ngân (Gross) là 8,798 tỷ Yên.

Chia sẻ về định hướng thời gian tới, đại diện JICA cho biết sẽ chú trọng đến Dự án hỗ trợ các chiến lược dài hạn của Chính phủ Việt Nam gồm  Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội (SEDS) đến năm 2030 và Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội (SEDP) đến năm 2025. 

"Cùng với những chuyển biến mạnh mẽ trong cục diện chính trị, kinh tế thế giới và bối cảnh Việt Nam tăng trưởng vượt trội, hỗ trợ ODA cũng cần phải thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Nổi bật là JICA đã và đang thực hiện nhiều hình thức hỗ trợ mới như: Hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) trong 'Chương trình chia sẻ kiến thức phát triển mô hình chăm sóc người cao tuổi'; tổ chức Hội thảo đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức Hợp tác công - tư (PPP), Hỗ trợ xây dựng chính phủ điện tử và củng cố an ninh mạng…", ông Konaka cho biết.