JICA hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế sau Covid-19
“Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam chủ trương “cân bằng giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế”, các hợp tác của JICA trong thời gian tới cũng được tiến hành phù hợp với các chủ trương này”, ông Shimizu Akira, Trưởng Đại diện JICA Việt Nam nhấn mạnh….
Tại buổi họp báo Báo cáo hoạt động của Văn phòng JICA Việt Nam trong năm tài khóa 2020 (từ tháng 4/2020-tháng 3/2021) ngày 21/10, ông Shimizu Akira cho biết sau 2 năm JICA không ký hiệp định vốn vay ODA nào với Việt Nam, trong năm tài khóa 2020, đã có hai hiệp định vốn vay mới được ký kết giữa JICA và Việt Nam.
“Đây là tín hiệu đáng khích lệ cho hợp tác giữa hai bên trong những năm tiếp theo”, Trưởng Đại diện JICA Việt Nam khẳng định.
Trong đó, số tiền mà JICA cam kết cho vay là 49,4 tỷ JPY (khoảng 10.041 tỷ đồng), hợp tác kỹ thuật không hoàn lại là 4,3 tỷ JPY (khoảng 874 tỷ đồng) và viện trợ không hoàn lại là 2,1 tỷ JPY (khoảng 427 tỷ đồng). Tổng cộng có khoảng 100 dự án lớn nhỏ JICA cùng với các đối tác Việt Nam thực hiện trong năm tài khóa 2020.
Bên cạnh những dự án hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng và tăng cường năng lực cạnh tranh như xây dựng cơ sở hạ tầng (phát triển cảng biển, xây dựng đường sắt đô thị, điện gió, thủy điện), phát triển nguồn nhân lực, nhiều dự án hợp tác với góc nhìn mới của JICA đã được triển khai như dự án hỗ trợ đẩy mạnh việc áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) hay dự án thúc đẩy cơ cấu doanh nghiệp nhỏ và vừa đã góp phần vào sự phát triển ngành công nghiệp và kinh tế Việt Nam.
“Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam thực hiện “mục tiêu kép”, JICA đã ưu tiên vào những dự án hợp tác nhằm đối phó với dịch bệnh Covid-19 và hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế trong bối cảnh Covid-19”, ông Shimizu cho hay.
Cụ thể, đối với vấn đề phục hồi kinh tế, bên cạnh các dự án công trình cửa ngõ quốc tế như Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng quốc tế Lạch Huyện, JICA cũng triển khai các dự án tăng cường kết nối giao thông giữa các địa phương như cải tạo, xây dựng lại nhiều cây cầu yếu trên nhiều tuyến quốc lộ thuộc nhiều tỉnh thành trên toàn quốc.
“Khoảng 70% các tuyến đường quốc lộ của Việt Nam được đầu tư cải tạo thông qua hợp tác vốn vay ODA Nhật Bản”, ông Shimuzu khẳng định.
Ngoài ra, để đáp ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, JICA đã và đang triển khai các dự án góp phần cải thiện đời sống như dự án xây dựng nhà máy điện, đường cao tốc lớn ở các đô thị vệ tinh, nhà máy xử lý nước… Các hợp tác của Nhật Bản đóng góp khoảng 10% tổng sản lượng điện của Việt Nam.
Dự kiến, mức đóng góp sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi tháng 8/2021 vừa qua, dự án mở rộng nhà máy thủy điện Đa Nim đã được hoàn thành và bắt đầu đưa vào vận hành thương mại. Tháng 5/2021, JICA ký kết thỏa thuận cho vay Dự án điện gió trên đất liền tại Quảng Trị, thúc đẩy cung cấp năng lượng sạch nhằm trung hòa carbon.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ra những tác động nghiêm trọng việc làm, JICA cũng đang nghiên cứu các chương trình hợp tác hỗ trợ tài chính trong thời gian tới.
“Ngày 20/10, JICA và Ngân hàng Sumitomo Mitsui đã ký kết khoản vay trị giá 75 triệu USD cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) nhằm cải thiện khả năng tiếp cận tài chính của các doanh nhân nữ và doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ lãnh đạo tại Việt Nam nhất là trong giai đoạn hậu Covid-19”, ông Shimizu bày tỏ