09:46 08/04/2025

KBSV: Vốn FDI có thể được bù đắp từ các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ

Thu Minh

Mức thuế đối ứng 46% mà Việt Nam phải chịu tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên dòng vốn này có thể phục hồi và được bù đắp bởi các doanh nghiệp FDI có thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ, nhờ Việt Nam vẫn duy trì lợi thế về lực lượng nhân công giá rẻ, vị trí thuận lợi cho việc giao thương, các chính sách thu hút vốn...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Như VnEconomy đưa tin ngày 2/4/2025, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế nhập khẩu với hơn 180 nền kinh tế. Trong đó, Việt Nam nằm trong TOP các quốc gia chịu mức thuế đối ứng cao gần nhất 46%. 

Bản thân ông Trump cũng đã nhìn thấy những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên với quan điểm của ông Trump, điều này là tích cực để đạt được mục tiêu “Ameriaca First” và gia tăng sức cạnh tranh với Trung Quốc trong dài hạn. Chứng khoán KBSV cho rằng Donald Trump sẽ áp dụng lập trường cứng rắn hơn trong Tradewar 2.0, đặc biệt là đối với các đối tác thương mại có tỷ trọng lớn hàng Trung Quốc “đội lốt” xuất khẩu sang Mỹ.

DỰ BÁO XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM GIẢM 10%?

KBSV dự báo các doanh nghiệp FDI sẽ có xu hướng tạm dừng giải ngân cho các dự án đầu tư nhà máy mới đã đăng ký trước đó. Đồng thời cắt giảm sản lượng tại các nhóm ngành dễ chịu ảnh hưởng trong ngắn hạn, cụ thể: Các ngành như may mặc, đồ gỗ nội thất, thủy sản, sắt thép sẽ chịu tác động tiêu cực ngay lập tức.

Ước tính, nhóm mặt hàng này chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu các đơn hàng xuất khẩu này bị ảnh hưởng, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể giảm tới 10%, do việc dịch chuyển đơn hàng có thể chỉ mất từ 3 – 6 tháng sang các đối tác chịu mức thuế thấp hơn Việt Nam; Rủi ro suy thoái toàn cầu gia tăng làm giảm nhu cầu tiêu dùng.

Đối với các mặt hàng ngành Linh kiện điện tử, thiết bị điện, và công nghệ cao vẫn bị chịu ảnh hưởng nhưng ở mức độ vừa phải hơn (chiếm 20% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam), do việc dịch chuyển đơn hàng sang quốc gia khác gặp nhiều trở ngại hơn về nhà máy sản xuất, chi phí đầu tư và nguồn lao động.

Đồng thời do đây là những mặt hàng đóng vai trò phụ trợ cho hoạt động sản xuất ngành công nghiệp, công nghệ cao tại Mỹ, nên có cơ sở kỳ vọng Việt Nam có thể đàm phán, thương lượng để ông Trump xem xét giảm mức thuế áp dụng đối với các sản phẩm này. Bên cạnh đó, Tradewar 1.0, các mặt hàng này cũng được loại trừ ra khỏi danh sách áp thuế nhập khẩu của Mỹ với Trung Quốc.

Mức thuế đối ứng 46% mà Việt Nam phải chịu cao hơn đáng kể so với các quốc gia cạnh tranh khác như Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Malaysia... Điều này tạo ra bất lợi lớn cho Việt Nam trong việc thu hút các doanh nghiệp FDI nhắm đến thị trường xuất khẩu Mỹ, từ đó tác động đến các doanh nghiệp FDI mới sẽ tạm dừng giải ngân vào Việt Nam.

Mặc dù Việt Nam có khả năng đàm phán để giảm thuế, nhưng các doanh nghiệp FDI đã phần nào nhận thức được xu hướng leo thang và định hướng của Donald Trump trong Tradewar 2.0. Điều này khiến họ lo ngại về chi phí và rủi ro khi đầu tư nhà máy tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam sẽ cắt giảm công suất. Phần công suất sản xuất dành cho xuất khẩu sang thị trường Mỹ, ước tính chiếm khoảng 30% – có khả năng sẽ dần bị cắt giảm tại Việt Nam. Thay vào đó, các doanh nghiệp có xu hướng chuyển dịch phần công suất này sang những quốc gia khác có mức thuế quan thấp hơn.

Dòng vốn FDI giải ngân có thể phục hồi và được bù đắp bởi các doanh nghiệp FDI có thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ, nhờ Việt Nam vẫn duy trì lợi thế về lực lượng nhân công giá rẻ, vị trí thuận lợi cho việc giao thương, các chính sách thu hút vốn FDI… Một số doanh nghiệp FDI có thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ tương đối lớn tại Việt nam như Samsung, LG, Intel.

Mặc dù vậy trong ngắn hạn (1–2 năm tới), các doanh nghiệp này có thể tạm thời ngừng mở rộng đầu tư tại Việt Nam, do công suất dư thừa từ phần sản lượng phục vụ cho Thị trường Mỹ và cần thêm thời gian để dịch chuyển đơn hàng sang thị trường khác.

Ngày 9/4 là hạn chót để Mỹ áp thuế đối ứng. Dựa trên những hành động trước đây của ông Donald Trump, KBSV tin rằng những nỗ lực đàm phán của Việt Nam có thể giúp giảm thuế đối ứng xuống mức thấp hơn. Đồng thời, Việt Nam cũng có thể tận dụng cơ hội này, thuyết phục Mỹ giảm thuế đối với các mặt hàng nguyên liệu và phụ trợ quan trọng cho ngành sản xuất của Mỹ, bao gồm, linh kiện điện tử, thiết bị điện, điện tử và các sản phẩm hỗ trợ sản xuất chip bán dẫn. Từ đó tiếp tục thu hút FDI ngành này trong dài hạn.

KBSV HẠ DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG GDP

Chính sách thuế quan 46% của Mỹ dưới thời Trump sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, do ảnh hưởng lên các thành phần của GDP. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, đóng góp khoảng 28% GDP (biến số
X); Khu vực đầu tư bị ảnh hưởng do FDI không còn được hưởng lợi như Trade
War I; Tiêu dùng trong nước bị ảnh hưởng gián tiếp khi thu nhập của người dân và doanh nghiệp trong các ngành xuất khẩu dự kiến suy giảm.

Dù vậy, Chính phủ sẽ nỗ lực giải ngân đầu tư công trong khi các doanh nghiệp sẽ tích cực đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, điều này sẽ bù đắp phần nào sự ảnh hưởng tiêu cực của chính sách thuế quan lên tăng trưởng kinh tế. KBSV điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 xuống 5-6% so với dự phóng 7% trước đó sau khi cân nhắc ảnh hưởng từ chính sách thuế đối ứng.

Áp lực tỷ giá hiện hữu do thiếu hụt nguồn cung ngoại tệ từ xuất khẩu và suy
giảm dòng vốn FDI. Việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% lên các mặt hàng xuất khẩu
của Việt Nam là một yếu tố “chưa được lường trước”, vì vậy Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải gia tăng mức độ chấp nhận về ngưỡng giảm giá của VNĐ
lên mức 5%.

Mặc dù vậy, sức ép về tỷ giá trong năm 2025 có thể sẽ phần nào được trung hòa bởi diễn biến thuận lợi hơn của Dollar index khi chỉ số này tính đến thời điểm hiện tại đã giảm 5,1% so với mức tăng 7,1% của năm ngoái.

Nhìn chung, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ, giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng khi tỷ giá vẫn biến động trong biên độ cho phép.

Tuy nhiên, trong trường hợp VNĐ giảm giá quá mạnh (trên 5%), Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ có biện pháp can thiệp thông qua bán dự trữ ngoại hối; điều chỉnh tăng lãi suất tái chiết khấu và hút tiền đồng trên OMO.

Cùng với áp lực tỷ giá khi đó, việc giữ mặt bằng lãi suất thấp trong cả năm 2025 trở thành thách thức. Dự báo lãi suất huy động có thể tăng 1-2%, lãi suất cho vay tăng nhẹ và chậm hơn lãi suất huy động (0.5-1%). Mặc dù vậy, lãi suất vẫn được duy trì ở vùng thấp tương đối và sẽ tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước.