Kế hoạch 5 năm của Trung Quốc lấy đô thị hóa làm giải pháp tăng trưởng
Mô tả công cuộc đô thị hóa là “một giải pháp quan trọng để thúc đầy nhu cầu nội địa và nâng cấp ngành công nghiệp”, kế hoạch hành động khuyến kích người dân nông thôn di cư tới các thành phố...
Theo kế hoạch hành động 5 năm vừa công bố, Trung Quốc đặt mục tiêu tới năm 2029 có 70% dân số sống tại các khu vực đô thị, khai phóng động lực mới của nền kinh tế. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng làm dấy lên hoài nghi về khả năng thực sự kích thích tăng trưởng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
MỤC TIÊU DỄ THỰC HIỆN NHẤT
Theo đăng ký thường trú, hiện khoảng gần 50% trong dân số 1,4 tỷ người Trung Quốc có hộ khẩu các khu vực nông thôn. Với kế hoạch hành động mới được Bắc Kinh công bố ngày 31/7, cư dân nông thôn sẽ không gặp rào cản về hành chính nào nếu họ muốn chuyển tới sống tại những thành phố có dân số dưới 5 triệu người.
Mô tả công cuộc đô thị hóa là “một giải pháp quan trọng để thúc đẩy nhu cầu nội địa và nâng cấp ngành công nghiệp”, kế hoạch hành động trên khuyến kích người dân nông thôn di cư tới các thành phố, đồng thời cam kết họ sẽ được hưởng những đặc quyền tương tự như dân thành thị. Hiện tại, hàng triệu người lao động di cư từ nông thôn lên thành thị ít được tiếp cận các quyền lợi như người dân thành phố do rào quản của hệ thống hộ khẩu.
Kế hoạch hành động 5 năm mới khẳng định cam kết của các nhà lãnh đạo Trung Quốc tại Hội nghị Trung ương 3 cách đây hai tuần về việc cấp thường trú thành thị cho người di cư từ nông thôn. Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chật vật với tình trạng dư thừa công suất do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và khủng hoảng bất động sản kéo dài.
“Đây là phần lớn nhất của miếng bánh với nền kinh tế Trung Quốc ở thời điểm hiện tại và là mục tiêu dễ đạt được nhất trong bối cảnh hiện tại”, ông Wang Huiyao, người sáng lập kiêm chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa có trụ sở tại Bắc Kinh, nhận xét với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.
Ông Wang là một trong nhiều chuyên gia kêu gọi Bắc Kinh cải cách hội nhập nông thôn và thành thị ở Trung Quốc nhiều năm qua.
Theo số liệu chính thức, tính tới cuối năm ngoái, hơn 66% dân số Trung Quốc sống tại các khu vực đô thị nhưng chỉ 48,3% có hộ khẩu thành phố. Điều này đồng nghĩa hàng trăm triệu người đang sống ở các thành phố nhưng không được hưởng các quyền lợi dành cho cư dân thành thị.
Với kế hoạch hành động mới của Chính phủ, những người này giờ đây có thể tự do đăng ký hộ khẩu tại những thành phố có dưới 3 triệu dân. Ở các thành phố có từ 3-5 triệu dân, các yêu cầu để đăng ký hộ khẩu cũng được “nới lỏng toàn diện”.
Với các thành phố có quy mô dân số lớn hơn, chủ yếu là các thành phố trực thuộc trung ương và thành phố cấp tỉnh, hệ thống đánh giá để cấp hộ khẩu sẽ tiếp tục được duy trì nhưng các chính quyền được khuyến khích bỏ mức trần về số lượng đăng ký hộ khẩu hằng năm.
XUNG LỰC CHO THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN?
“Là một trong những chính sách lớn được công bố sau Hội nghị Trung ương 3, kế hoạch hành động này cho thấy sự nhận thức sâu sắc của nhà các nhà lãnh đạo Trung Quốc về những lợi ích mà người lao động di cư và công cuộc đô thị hóa mang lại trong những thập kỷ qua”, ông Wang nhận xét. “Kế hoạch này ít nhiều mang lại xung lực cho thị trường bất động sản”.
Theo ông Wang, nhà chức trách Trung Quốc có thể sẽ triển khai hành động trên một cách thận trọng, tùy thuộc vào mức độ hiệu quả của chính sách, nhưng “đây là hướng đi đúng đắn”.
Kế hoạch nêu rõ, để đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa, các biện pháp hỗ trợ sẽ được thực hiện bao gồm cho phép người lao động di cư và gia đình họ được tiếp cận giáo dục và nhà ở tốt hơn. Bên cạnh đó, hỗ trợ về tài chính cho các chương trình nhà ở cho thuê giá rẻ cũng được tăng lên, cùng với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các đô thị.
“Trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản kéo dài và căng thẳng kinh tế với phương Tây gia tăng, Trung Quốc đang ngày càng chú trọng hơn vào thị trường nội địa. Đây chính là động lực thúc đẩy Bắc Kinh đưa ra kế hoạch hành động này”, ông Liu Zhiqin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận xét.
Tuy nhiên, ông Liu cho rằng kế hoạch hành động mới này là một quyết định “hấp tấp và bốc đồng”, khiến nhiều học giả và quan chức cảm thấy “hoang mang”, “thiếu sự chuẩn bị” trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt áp lực suy giảm.
“Thay vì đặt hy vọng vào việc người dân nông thôn di cư lên thành thị để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bắc Kinh nên tập trung hơn vào việc nâng cao chất lược sống tại nông thôn và nâng lên mức độ giống như ở các thành phố”, ông khuyến nghị. “Mặt khác, các thành phố cần đa dạng hóa các ngành công nghiệp để tạo đủ việc làm cho lao động nhập cư, nếu không sẽ rất khó để thu hút họ”.
Đánh giá về kế hoạch hành động mới, giáo sư Xiong Wansheng chuyên về đô thị hóa tại Đại học Khoa học và Công nghệ phía Đông Trung Quốc hoan nghênh chủ trương này. Ông cho rằng kế hoạch phản ánh quyết tâm thu hẹp chênh lệch giữa các khu vực và bình đẳng hóa quyền lợi của người dân. Tuy nhiên, ông cho rằng kế hoạch sẽ không giúp ích nhiều trong việc giải quyết tồn kho nhà ở trên thị trường bất động sản.
“Nhiều người trẻ sinh ra tại các khu vực nông thôn hiện đã đang làm việc ở các đô thị rồi. Còn nhóm người cao tuổi ở nông thôn có thể sẽ không phản ứng với chính sách mới bởi họ không có quyền lợi an sinh xã hội tại thành phố và cũng không có ý định sống với con cái ở đó. Điều này diễn ra trong bối cảnh các gia đình ở Trung Quốc đang có xu hướng thu hẹp quy mô bởi người trẻ ngại kết hôn và sinh con”, ông Liui phân tích. “Hiện tại, bất động ở Trung Quốc ngày càng trở thành một kênh đầu tư kém hấp dẫn. Do đó, việc mua nhà đang trở thành một quyết định mang tính cá nhân, ít bị ảnh hưởng bởi các chính sách của chính phủ”.