Kế hoạch hành động vì một Việt Nam xanh và thịnh vượng
184 tỷ USD tính theo giá trị hiện tại - đó là mức đầu tư tối thiểu cần huy động từ khu vực tư nhân từ nay đến năm 2040 để giúp Việt Nam nâng cao khả năng chống chịu với các tác động của biến đổi khí hậu và theo đuổi lộ trình tăng trưởng kinh tế với mức phát thải ròng bằng 0...
Ước tính chi phí đầu tư này nằm trong “Báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam (CCDR)” vừa được Nhóm Ngân hàng Thế giới công bố. Đây là một trong những báo cáo đầu tiên trong chuỗi các đánh giá cấp độ quốc gia, đề xuất một lộ trình mới giúp dung hòa các khát vọng về tăng trưởng và khí hậu của Việt Nam.
BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU LÀM MẤT 14,5% GDP/NĂM
Việt Nam đã đặt ra mục tiêu kép là trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt được trạng thái trung hòa carbon vào năm 2050. Nhưng như đã được nêu rõ trong báo cáo CCDR, Việt Nam là một quốc gia đang phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn về khí hậu, ảnh hưởng đến nền kinh tế và phúc lợi quốc gia. Thiệt hại đã bắt đầu làm suy yếu tăng trưởng, chỉ tính riêng năm 2020, Việt Nam đã mất 10 tỷ USD, tương đương 3,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), do tác động của biến đổi khí hậu.
Và để nhấn mạnh tính cấp thiết của việc cần giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, báo cáo CCDR cho biết tuy Việt Nam đã từng là quốc gia phát thải khí nhà kính rất thấp nhưng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam đã tăng với tốc độ nhanh nhất thế giới trong hai thập kỷ qua. Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế phát thải khí nhà kính nhiều nhất ở khu vực Đông Á.
Nếu không làm gì, thì theo kịch bản phát triển như bình thường với rất ít những nỗ lực giảm thiểu trên phạm vi toàn cầu, biến đổi khí hậu có thể khiến Việt Nam mất tới 14,5% GDP mỗi năm trong khoảng 30 năm tới. Và nếu không có các biện pháp nâng cao sức chống chịu một cách toàn diện, tác động của biến đổi khí hậu có thể đẩy một triệu người vào cảnh nghèo cùng cực trong vòng chưa đầy một thập kỷ.
Để cân bằng khát vọng tăng trưởng trong tương lai và giảm thiểu mức độ dễ bị tổn thương trước các rủi ro khí hậu, báo cáo CCDR khuyến nghị Việt Nam chuyển đổi mô hình phát triển bằng cách triển khai hai lộ trình song song - một là xây dựng khả năng chống chịu và hai là giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu bằng cách giảm phát thải carbon trong quá trình tăng trưởng.
Báo cáo CCDR cũng cho biết quá trình chuyển đổi năng lượng cần là xương sống trong chương trình phát triển của đất nước và nhiều quyết định đầu tư sẽ phải được tính toán trước để đảm bảo hiệu quả về chi phí. Khi kết hợp các chính sách và chiến lược phù hợp, Việt Nam có thể tận dụng chính những nỗ lực giảm phát thải carbon của mình để thúc đẩy các mục tiêu phát triển, sao cho việc đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 không làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP.
Chi phí để đạt những mục tiêu này sẽ không hề rẻ. Lộ trình kép vừa thích ứng vừa giảm thiểu sẽ yêu cầu đầu tư khoảng 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm, tính theo giá trị hiện tại. Chỉ riêng nguồn lực của chính phủ sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu tài chính này. Do đó, khả năng huy động một lượng lớn vốn đầu tư tư nhân sẽ mang tính then chốt.
Báo cáo CCDR cho thấy khu vực tư nhân của Việt Nam đang chịu nhiều áp lực. Hiện khoảng 300 tỷ USD tài sản trong các ngành thương mại và công nghiệp dễ bị ảnh hưởng bởi những thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu. Nhiều doanh nghiệp cho biết biến đổi khí hậu ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập do gián đoạn hoạt động kinh doanh hoặc giảm năng suất lao động.
Một phân tích năm 2020 cho thấy thiệt hại liên quan đến khí hậu hàng năm có thể lên tới 70-80% tổng doanh thu của một số doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Để thay đổi điều này, khu vực tư nhân sẽ phải đầu tư một lượng vốn lớn—228 tỷ USD từ nay đến năm 2050—chỉ để nâng cấp tài sản nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.
GIẢI PHÓNG KHU VỰC TƯ NHÂN
Một trong những giải pháp ban đầu hiệu quả có thể là đưa nguồn vốn ở dạng tiết kiệm của khu vực tư nhân trong nước sang đầu tư vào các dự án liên quan đến khí hậu.
Ngoài ra, những nỗ lực mạnh mẽ có thể giúp huy động nguồn vốn tư nhân tương đương khoảng 3,4% GDP mỗi năm. Theo báo cáo CCDR, điều này có thể đạt được bằng cách huy động tín dụng xanh từ các ngân hàng, phát triển công cụ dựa vào thị trường như cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh, cũng như áp dụng các công cụ giảm thiểu rủi ro. Mặc dù tài chính xanh ở Việt Nam đang trong giai đoạn sơ khai, thì chính sách công đúng đắn có thể giúp các ngân hàng vượt qua những nút thắt nhờ vào các cải cách quy định và ưu đãi dành cho cả bên cấp tín dụng và bên đi vay.
Trong bối cảnh này, chính phủ nên xem xét đánh giá những rủi ro liên quan đến khí hậu đối với khu vực tài chính ở Việt Nam, giúp nâng cao khả năng đoán định về các chính sách tài chính xanh trong thời gian tới. Khoảng 55% dư nợ cho vay của các ngân hàng hiện đang dành cho các doanh nghiệp và người dân ở những vùng dễ bị tổn thương về khí hậu, bao gồm các tỉnh Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh ven biển.
Ngoài ra, những giải pháp tập trung hơn vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng liên quan đến khí hậu, bao gồm điều chỉnh khung pháp lý hợp tác công-tư (PPP), có ý nghĩa rất quan trọng. Điều này sẽ khuyến khích khu vực tư nhân tích cực tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng thích ứng với khí hậu do cho phép họ chia sẻ rủi ro khi đầu tư. Hơn nữa, phương pháp quản lý vòng đời tài sản có thể đặc biệt hữu ích đối với Việt Nam, vì có thể huy động một phần lớn nguồn tài chính cần thiết từ khu vực tư nhân thông qua các hợp đồng quản lý hoặc PPP. Theo phương thức này, chính phủ giữ quyền kiểm soát tài sản nhưng chuyển giao các hoạt động quản lý hàng ngày cho khu vực tư nhân.
Báo cáo CCDR nhấn mạnh rằng những sáng kiến này cần được hỗ trợ bằng các cải cách cơ cấu và chính sách. Theo báo cáo, trong trung và dài hạn, Việt Nam cần cải cách doanh nghiệp nhà nước và mở cửa thị trường để thu hút sự tham gia tích cực hơn của khu vực tư nhân vào nền kinh tế nhằm đạt được phần lớn các mục tiêu của chương trình nghị sự về khí hậu.
Đối với khu vực tư nhân, các cơ hội đầu tư cũng đến từ những lĩnh vực phát thải chính của Việt Nam - đó là năng lượng, giao thông, nông nghiệp và các ngành công nghiệp. Tuy nhiên, nhu cầu tài chính lớn - 81,3 tỷ USD tính theo giá trị hiện tại - để giảm phát thải carbon trong bốn lĩnh vực này đòi hỏi phải đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư để tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân và huy động vốn vay ưu đãi. Ngoài ra, minh bạch hóa các thủ tục đấu thầu cạnh tranh có thể giúp đẩy nhanh tốc độ triển khai năng lượng tái tạo, từ đó khuyến khích sự tham gia tích cực hơn của khu vực tư nhân.
Điểm mấu chốt là nếu Việt Nam thực hiện toàn bộ lộ trình xây dựng khả năng chống chịu và giảm phát thải cacbon, thì con người, môi trường và các ngành công nghiệp đều được hưởng lợi. Thu hút sự tham gia tích cực hơn của khu vực tư nhân và xanh hóa nền kinh tế sẽ giúp tạo ra thêm nhiều việc làm và cơ hội thương mại mới. Và giải pháp này cũng sẽ giúp bảo vệ khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường toàn cầu – bởi theo kịch bản hiện tại, nhãn hiệu thương mại của Việt Nam đang gặp rủi ro do biến đổi khí hậu.
Do đó, khi Việt Nam từng bước dần đạt được các mục tiêu phát triển nhờ kết hợp các chính sách và chiến lược phù hợp, khu vực tư nhân cần phải đóng một vai trò quan trọng trong các hành động vì khí hậu. Điều này sẽ giúp Việt Nam cân bằng hơn giữa tăng trưởng với các rủi ro khí hậu ngày càng gia tăng, xoá tan mọi bóng mây về rủi ro khí hậu.
-----
(*) Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam, Campuchia và CHDCND Lào của IFC, một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới.