06:00 29/05/2021

Kê khai, đề xuất phương án sắp xếp lại hơn 37.000 cơ sở nhà đất

Nhĩ Anh

Đến cuối năm 2020, các bộ, cơ quan ở Trung ương đã thực hiện báo cáo kê khai, đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý 37.468 cơ sở nhà đất. Trong đó, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án đối với 28.182 cơ sở nhà, đất...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020 của Bộ Tài chính ghi nhận đến năm 2020, hệ thống văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng đã được ban hành tương đối đồng bộ, giúp cho việc quản lý, mua sắm, sử dụng tài sản công tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Riêng với công tác sắp xếp trụ sở, nhà, đất công tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện và cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng nhà, đất hiệu quả, tiết kiệm và đúng mục đích; tạo quỹ đất để đầu tư xây dựng, phát triển các công trình công cộng, nhà ở xã hội… 

 
Chính phủ đặt chỉ tiêu trong thời gian tới sẽ quản lý chặt chẽ việc sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết; thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, hết thời gian sử dụng nhà công vụ theo quy định; thực hiện mua sắm tài sản theo đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ quy định.

Trong năm 2020, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 1.427 cơ sở nhà, đất và một phần diện tích của 1 cơ sở nhà, đất do 11 doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý; phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý 1.503 cơ sở nhà, đất, phê duyệt điều chỉnh phương án đối với 149 cơ sở nhà, đất của khối đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc các bộ, cơ quan ở trung ương.

Đến cuối năm 2020, các bộ, cơ quan ở Trung ương đã thực hiện báo cáo kê khai, đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý 37.468 cơ sở nhà đất. Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án đối với 28.182 cơ sở nhà, đất.

Tuy nhiên, do nguồn gốc nhà, đất công được hình thành qua nhiều giai đoạn, việc lưu giữ hồ sơ không đầy đủ, chưa được quan tâm nên bị thất lạc, ảnh hưởng đến tiến độ sắp xếp nhà, đất...

Bên cạnh đó, một số quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chưa cụ thể hoặc không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Công tác triển khai phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất được phê duyệt còn chậm, do phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính tại địa phương.