Kéo giật trụ đỡ điểm số cuối phiên, cổ phiếu vẫn bị bán tháo ồ ạt
VN-Index đóng cửa đã bớt xấu khi chỉ còn giảm 1,1% tương đương mất 11,6 điểm. Vấn đề là vẫn có tới 367 cổ phiếu lao dốc, 43 mã giảm sàn và hơn 150 mã khác giảm trên 2%. Tính chung 3 sàn, có 75 cổ phiếu giảm hết biên độ...
VN-Index đóng cửa đã bớt xấu khi chỉ còn giảm 1,1% tương đương mất 11,6 điểm. Vấn đề là vẫn có tới 367 cổ phiếu lao dốc, 43 mã giảm sàn và hơn 150 mã khác giảm trên 2%. Tính chung 3 sàn, có 75 cổ phiếu giảm hết biên độ.
VN-Index cuối đợt khớp lệnh liên tục giảm 21,45 điểm, nhưng đóng cửa chỉ còn giảm 11,6 điểm. Như vậy tính riêng ATC chỉ số hồi lại gần 10 điểm. Một số mã lớn đã được giật giá lên khá mạnh, giúp nâng đỡ chỉ số bớt xấu.
Tuy vẫn còn đỏ, nhưng những mã lớn như VIC, VHM, VCB có tác động tích cực. VCB từ giá 92.200 đồng nhảu lên 93.500 đồng tức là tăng 1,4% ở đợt ATC. Đóng cửa VCB còn giảm 1,06% so với tham chiếu. VIC từ 52.800 đồng hồi lên 53.400 đồng, tức tăng 1,14%, chốt giảm 1,11% so với tham chiếu. VHM nhảy 1,6% ở đợt cuối, còn giảm 2,2% chung cuộc.
Nhóm khác đảo chiều thành công hoặc tăng mạnh hơn như VRE, SAB, MSN, BID, STB... VN30-Index cũng thu hẹp mức giảm khá nhiều, còn dưới tham chiếu 0,8% và riêng đợt ATC hồi tới 11,6 điểm. Độ rộng của rổ này ghi nhận 8 mã tăng/21 mã giảm.
Việc VN-Index được nâng đỡ và nhóm blue-chips giảm chậm hơn mặt bằng chung là điều không bất ngờ. Tuy nhiên điều này có thể “ru ngủ” nhà đầu tư, vì thói quen nhìn chỉ số. Phiên này cổ phiếu nói chung vẫn bị bán tháo rất mạnh. HoSE ghi nhận 43 mã giảm hết biên độ với nhiều mã bị bán tháo cả trăm tỷ đồng thanh khoản như VIX, EIB, HAG, NVL, DXG, DIG, PDR... Chỉ tính riêng nhóm cổ phiếu lao dốc từ 4% trở lên tới mức sàn cũng đã chiếm 47% tổng giá trị khớp lệnh của sàn này. Thanh khoản chung ở HoSE cũng tăng 34% so với phiên trước với 8.918 tỷ đồng, xác nhận trạng thái bán tháo áp đảo.
Dĩ nhiên khi nhà đầu tư bán đổ bán tháo cổ phiếu, thanh khoản sẽ tăng lên. Vẫn có một bộ phận nhà đầu tư canh mua giá thấp và lệnh mua được chạm tới. Đây là những người sẽ san sẻ mức lỗ ngắn hạn cho nhau. Tổng giá trị giao dịch 3 sàn bao gồm cả thỏa thuận đạt 11.975 tỷ đồng, tăng 31% và cao nhất 4 phiên.
Nhóm cổ phiếu đi ngược dòng phiên này có gần 40 mã chốt trên tham chiếu từ 1% trở lên. HT1, NT2, STB, BID, LCG, MSN, DPM, PVD là những cổ phiếu có thanh khoản tốt. Khoảng 130 cổ phiếu ghi nhận có cầu bắt đáy và đẩy giá hồi lên trên mức 2%. Chỉ 30 mã trong số này được đẩy đủ mạnh để vượt trở lại lên trên tham chiếu.
Điểm tích cực hôm nay là thị trường có biểu hiện tăng tốc giảm. Chưa thể xác nhận đà giảm đã kết thúc hay chưa, nhưng đây là điều kiện tốt để dò đoán lực cầu bắt đáy. Thanh khoản trong những ngày trồi sụt vừa qua đều rất nhỏ, nghĩa là nhà đầu tư đứng ngoài chờ đợi. Lòng tham sẽ nổi lên nếu cổ phiếu bắt đầu rơi vào cảnh bán tháo với mức chiết khấu cao hơn.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay lại hành động ngược, khi bán ra nhiều hơn mua vào. Tổng giá trị bán trên sàn HoSE là 1.015,6 tỷ đồng, thực ra là nhỏ hơn các phiên tuần trước. Tuy nhiên dòng tiền mua lại giảm nhanh hơn, hôm nay chỉ còn 933,6 tỷ đồng. Suốt 3 tuần trở lại đây, chưa ngày nào khối ngoại mua dưới 1.000 tỷ đồng ở HoSE. Giá trị bán ròng hơn 82 tỷ phiên này cũng không lớn. Dù vậy việc giảm mua là điều cần quan tâm.
VN-Index kết từ đỉnh ngày 27/1 đến nay giảm gần 6,6%, hoàn toàn bình thường, nhưng cổ phiếu đnag điều chỉnh khá lớn. Riêng VN30 cũng có tới 8 mã giảm trên 10%. Mức giảm ở cổ phiếu quá ngưỡng 10% thường dẫn tới áp lực cắt lỗ gia tăng.