Kéo giật trụ đợt ATC, VN-Index xanh
Phiên đáo hạn phái sinh hôm nay xuất hiện một đợt kéo giá ATC, nhưng hiệu quả đối với VN30 khá hạn chế. Bất ngờ là VN-Index hưởng lợi, bật tăng vượt tham chiếu thành công...
Phiên đáo hạn phái sinh hôm nay xuất hiện một đợt kéo giá ATC, nhưng hiệu quả đối với VN30 khá hạn chế. Bất ngờ là VN-Index hưởng lợi, bật tăng vượt tham chiếu thành công.
Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đáo hạn thì giá thanh toán là điểm số của VN30-Index. Đợt kéo giật cuối cùng khá nhiều trụ tăng tốt, nhưng nhiều trụ quá nặng nên chỉ số này chỉ nảy lên hơn 3 điểm. VN30-Index kết phiên vẫn giảm 0,61% so với tham chiếu tương đương 9,25 điểm.
Những trụ được giật lên bất ngờ nhất là VIC, đang từ 98.600 đồng kéo về tham chiếu 100.000 đồng, tương đương tăng 1,42%. VHM từ 81.900 đồng kéo lên 82.300 đồng, tăng 0,49%. VNM từ 86.000 đồng lên 86.600 đồng, tăng 0,7%. GAS từ 97.500 đồng lên 98.600 đồng, tăng 1,13%. CTG từ tham chiếu 32.250 đồng lên 32.500 đồng, tăng 0,78%...
Có thể thấy các trụ này rất lớn trong VN-Index nhưng một số mã hạn chế trong VN30-Index. Mặt khác VPB hay HPG, TCB, ACB, FPT là các trụ của VN30 lại tăng không đáng kể hoặc giảm sâu hơn. Điều này khiến tác động điểm số cuối ngày đối với VN30-Index hạn chế nhiều.
Phiên đáo hạn hôm nay bộc lộ rõ hơn sự yếu ớt của rổ blue-chips. Độ rộng cuối ngày chỉ là 9 mã tăng/18 mã giảm. POW kịch trần, PDR tăng 3,94% là hai mã mạnh nhất thì chỉ là cổ phiếu nhỏ (trong rổ VN30). GAS tăng 0,92% là mã mạnh nhất trong nhóm trụ, còn CTG, GVR, STB tuy đột ngột được kéo lên đợt ATC nhưng cũng tăng rất nhẹ.
VN30-Index lao dốc mạnh buổi chiều và tạo đáy ngay trước khi kết thúc đợt khớp lệnh liên tục, giảm 1,19% so với tham chiếu, trước khi nảy lên. Phiên đáo hạn chỉ số này thường nhảy giật cục nên cũng không rõ nhu cầu mua có thực ở đợt cuối hay không.
Ngược lại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đang có tín hiệu hút dòng tiền trở lại. Rổ Midcap duy trì tỷ trọng 38% trong tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE, tiếp tục vượt VN30 (31,8%). Midcap-Index cũng tăng 1,39% với 41 mã tăng/27 mã giảm. 7 cổ phiếu trong rổ kịch trần là DIG, VGC, CII, AGG, SAM, ITA và FLC. 20 cổ phiếu khác tăng trên 1%. Nhóm smallcap cũng tăng 1,1% với 10 mã kịch trần và 52 mã tăng trên 1%. Rổ smallcap có LDG và ROS lọt vào Top 20 mã giá trị giao dịch lớn nhất thị trường. Midcap có 3 mã lọt Top 10 là NLG, FLC và DIG.
Đợt ATC cuối phiên có một số cổ phiếu thanh khoản rất cao như STB, VIC, VHM, VNM, TCB, CTG, SSI... Riêng rổ VN30 đợt ATC giao dịch 696 tỷ đồng. Các giao dịch lớn này giúp thanh khoản VN30 cả phiên tăng 21% so với hôm qua, đạt 7.995 tỷ đồng. HoSE giao dịch tăng 7%, đạt gần 25.139 tỷ đồng. Tính chung hai sàn khớp lệnh thanh khoản tăng 7%, đạt 28.341 tỷ đồng, cao nhất 8 phiên.
Khối ngoại bắt đầu giao dịch mạnh lên buổi chiều. Cả phiên HoSE ghi nhận mức giải ngân 1.348 tỷ đồng, bán ra 1.505,6 tỷ đồng. Mức bán ròng tương đối nhỏ với 157 tỷ đồng. Như vậy tỷ trọng mua của khối này đã tăng lên xấp xỉ 5% sàn HoSE, bán ra chiếm 5,6%.
Tuần này cũng là tuần cả hai quỹ ETF ngoại sẽ tái cơ cấu. Thông thường lực bán sẽ dồn vào phiên ngày thứ Sáu, nhưng không nhất thiết các quỹ chỉ được mua bán trong phiên đó. Tuy vậy các cổ phiếu được mua bán đáng chú ý hôm nay cũng không tương thích với danh mục dự kiến giao dịch. VPB bị bán ròng lớn nhất với 316 tỷ đồng, TCH khoảng 63 tỷ, DXG hơn 51 tỷ, NLG gần 30 tỷ, MSN xấp xỉ 28 tỷ, NT2 gần 24 tỷ. Phía mua ròng có VIC gần 83 tỷ, STB hơn 63 tỷ, VNM xấp xỉ 63 tỷ, HPG khoảng 60 tỷ...