12:07 20/02/2024

Kering và Hermès: Những lộ trình doanh thu trái ngược

Minh Nguyệt

Năm ngoái, thị trường xa xỉ toàn cầu đạt 1,6 nghìn tỷ USD, tăng trưởng từ 8% lên đến 10% ở tất cả các hạng mục. Nhưng không ai có thể đảm bảo mức tăng này sẽ được duy trì trong 12 tháng tới, khi các chuyên gia dự đoán rằng người dân sẽ tiết kiệm hơn trong chi tiêu…

Doanh số bán hàng xa xỉ của Trung Quốc đang phục hồi và mặc dù vẫn chưa quay trở lại mức năm 2021. Ảnh: SCMP
Doanh số bán hàng xa xỉ của Trung Quốc đang phục hồi và mặc dù vẫn chưa quay trở lại mức năm 2021. Ảnh: SCMP

Lần đầu tiên sau 7 năm, cổ phiếu xa xỉ không còn là điểm sáng trên thị trường chứng khoán nói chung. Du lịch quốc tế - vốn là một trong những động lực lớn thúc đẩy chi tiêu của người Trung Quốc - chưa phục hồi so với năm 2019. Một lý do khác đã khiến ngành xa xỉ năm 2023 hoạt động kém là bởi nền kinh tế toàn cầu xấu đi, với lạm phát cao và thị trường bất động sản suy yếu. Năm 2024 có lẽ sẽ còn khó khăn hơn, với các nhà phân tích tại Bain và Citi đều dự báo mức tăng trưởng trung bình chỉ từ 4 đến 6%.

KERING: MỘT NĂM MỚI KHÓ KHĂN

Theo RTL Today, “gã khổng lồ” ngành xa xỉ Pháp Kering đã thông báo doanh thu và lợi nhuận ròng giảm mạnh trong năm 2023. Cụ thể, Kering ghi nhận doanh số giảm 4% trong năm ngoái, xuống còn 19,57 tỷ euro (khoảng 21 tỷ USD) và lợi nhuận ròng giảm 17% xuống còn 2,98 tỷ euro (khoảng 3,2 tỷ USD).

Trong đó, thương hiệu Gucci ghi nhận doanh số giảm 6% xuống còn 9,9 tỷ euro (gần 11 tỷ USD), đóng góp gần 50% doanh thu năm vừa qua của Kering. Doanh số các thương hiệu còn lại như Yves Saint Laurent cũng lần lượt giảm 4% xuống 3,18 tỷ euro (hơn 3 tỷ USD) và Bottega Veneta giảm 5% xuống 1,6 tỷ euro (gần 2 tỷ USD).

“Đây là một năm đầy thử thách của tập đoàn. Chúng tôi đã sắp xếp cơ cấu tổ chức và tiến hành các bước quan trọng nằm nâng cao hơn nữa mức độ phổ biến và tính độc nhất của các thương hiệu xa xỉ. Trong đó, thương hiệu Gucci sẽ là ưu tiên hàng đầu của năm 2024”, Giám đốc điều hành Kering Francois Henri Pinault nói. Giám đốc tài chính của Tập đoàn Kering Armelle Poulou cung cho biết trong vài tuần tới, bộ sưu tập của Giám đốc sáng tạo Gucci Sabato de Sarno - người mới được bổ nhiệm vào tháng 1/2023 - sẽ bắt đầu mở bán trên thị trường.

Gucci ghi nhận doanh số giảm 6% xuống còn 9,9 tỷ euro (gần 11 tỷ USD), đóng góp gần 50% doanh thu năm vừa qua của Kering.
Gucci ghi nhận doanh số giảm 6% xuống còn 9,9 tỷ euro (gần 11 tỷ USD), đóng góp gần 50% doanh thu năm vừa qua của Kering.

Mặc dù gã khổng lồ hàng xa xỉ của Pháp không chia nhỏ doanh thu theo khu vực, nhưng các thương hiệu chủ chốt đã báo cáo những cải thiện ở châu Á-Thái Bình Dương, trong đó Bottega Veneta nhận thấy “những dấu hiệu đáng khích lệ”, đặc biệt là ở Trung Quốc đại lục. Trung Quốc là thị trường then chốt của tập đoàn xa xỉ Pháp. Trong số 10 thành phố hàng đầu của Kering về doanh số bán hàng trên toàn cầu, có 5 thành phố ở Trung Quốc. Do đó, tập đoàn có kế hoạch đầy tham vọng là mở ít nhất 10 cửa hàng với danh mục thương hiệu đa dạng trên thị trường mỗi năm.

Tuy nhiên, Gucci cũng là nguồn gốc của nhiều mối lo ngại đối với công ty. Giám đốc sáng tạo De Sarno đang áp dụng một cách tiếp cận thực tế và nhẹ nhàng hơn đối với sự sang trọng. Điều này đã gây ra những phản ứng trái chiều ở Trung Quốc. Các nhà phân tích của Barclays viết trong một báo cáo nghiên cứu rằng những thách thức khác đối với Kering bao gồm đà suy yếu Saint Laurent và sức mạnh thương hiệu giảm sút của Bottega Veneta ở Trung Quốc.

Mặc dù Bottega Veneta đã giành được chiến thắng lớn với buổi trình diễn tại Bắc Kinh vào tháng 7 năm ngoái - buổi trình diễn thực tế đầu tiên ở Trung Quốc - nhưng thương hiệu hiện chỉ có 73.000 người theo dõi trên Weibo, so với 4 triệu lượt theo dõi của Gucci.

Giá cổ phiếu của Kering đã giảm khoảng 33% trong 12 tháng qua. Cổ phiếu sụt giảm vào tháng 1 sau khi Burberry cắt giảm kỳ vọng vào năm 2024, báo hiệu một chặng đường đầy chông gai phía trước đối với các thương hiệu đang trong quá trình thay đổi. Trong bối cảnh “tăng trưởng của ngành đã bình thường hóa” và các khoản đầu tư liên tục vào các thương hiệu chủ chốt, Kering dự đoán thu nhập hoạt động định kỳ cả năm sẽ giảm, đặc biệt là trong nửa đầu năm nay.

Không phải tất cả các tập đoàn đều có chung số phận với Kering. LVMH đạt mức tăng trưởng hữu cơ 13% năm 2023 so với năm 2022.
Không phải tất cả các tập đoàn đều có chung số phận với Kering. LVMH đạt mức tăng trưởng hữu cơ 13% năm 2023 so với năm 2022.

HERMÈS: LẠC QUAN VỀ CHẶNG ĐƯỜNG SẮP TỚI

Trong khi đó, ngày 9/2, hãng hàng xa xỉ khổng lồ của Pháp Hermès đã báo cáo lợi nhuận cho năm 2023 tốt hơn mong đợi là 4,3 tỷ EUR (4,6 tỷ USD), tăng 28% so với năm 2022, nhờ doanh thu tăng 16% theo tỷ giá hối đoái hiện tại lên 13,4 tỷ EUR. Chủ tịch điều hành Axel Dumas cho biết trong một báo cáo thu nhập: “Vào năm 2023, Hermès một lần nữa phát huy được điểm đặc biệt của mình và đạt được thành tích xuất sắc ở tất cả các phân khúc và trên tất cả các khu vực”.

Theo trang Retail Insight Network, Hermès đã trở thành một trong những hãng có thành tích ổn định nhất trong ngành hàng xa xỉ, kể cả khi điều kiện kinh tế xấu đi, nhờ vào thiết kế cổ điển và quản lý sản xuất cũng như tồn kho cẩn thận, giúp duy trì hào quang độc quyền của nhãn hiệu. Những chiếc túi xách như mẫu Birkin trị giá khoảng 10.000 USD được cho là một khoản chi phải chăng với những khách hàng giàu có - những người thường ít bị ảnh hưởng bởi các điều kiện kinh tế không thuận lợi.

Hermès đã tăng giá túi xách từ 8% đến 9% trong tháng 1 để đối phó với lạm phát gia tăng – khiến chi phí sản xuất tăng 6% và biến động tiêu cực của tiền tệ. Nhưng giám đốc điều hành Axel Dumas không tin rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến quỹ đạo bán hàng đang biểu hiện rất xuất sắc của công ty. “Đây là chiến lược của chúng tôi và tôi tin rằng khách hàng của chúng tôi thấu hiểu chiến lược ấy, có lẽ còn rõ hơn cả các nhà phân tích tài chính,” Dumas nói sau khi công bố doanh thu Quý 4 và kết quả cả năm của công ty.

Hermès đã trở thành một trong những hãng có thành tích ổn định nhất trong ngành hàng xa xỉ.
Hermès đã trở thành một trong những hãng có thành tích ổn định nhất trong ngành hàng xa xỉ.

Trong khi những người khác nhìn thấy nhiều vấn đề ở Trung Quốc, Dumas vẫn giữ quan điểm lạc quan của mình. Ông nói: “Chúng tôi không phải là những người theo chủ nghĩa giảm phát”, đồng thời nhấn mạnh rằng bất kỳ sự suy thoái nào ở Trung Quốc đều được kiềm chế và bù đắp bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ ở các quốc gia còn lại ở châu Á, bao gồm Hàn Quốc, Indonesia và Thái Lan. Công ty đã đầu tư 250 triệu euro vào việc cải thiện hệ thống phân phối tại Châu Á, tập trung vào khu vực Bắc Kinh và Thành Đô ở Trung Quốc.

Ông Dumas cũng gạt bỏ mọi lo ngại về cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Mỹ và sự không chắc chắn về nền kinh tế. Ông cho biết, bất kỳ sự dao động nào từ phía người tiêu dùng xa xỉ thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Nhìn về phía trước, công ty nhận thấy mình vẫn ổn định bất chấp những trở ngại về địa chính trị và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại ở các hạng mục khác bởi người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn trong chi tiêu của họ.

Tập đoàn này cho biết 22.000 nhân viên của họ trên toàn thế giới sẽ nhận được khoản tiền thưởng trị giá 4.000 EUR (4.300 USD) vào đầu năm nay như một phần của "chính sách chia sẻ thành quả tăng trưởng với tất cả những người đóng góp cho nó hàng ngày". Được biết, Hermes cũng sẽ đề xuất tăng cổ tức cho các cổ đông.