07:39 29/02/2024

Kết nối thanh toán khu vực Nam - Đông Nam Á: Một mục tiêu "đáng đồng tiền bát gạo"

Như Thùy

Chính phủ các nước đang nỗ lực thúc đẩy kết nối song phương xuyên biên giới nhưng cần nhắm tới những mục tiêu xa hơn nữa…

Bà Đỗ Thụy Như Thùy, Giám đốc toàn quốc Khối Quản lý thanh toán và tiền tệ toàn cầu, HSBC Việt Nam.
Bà Đỗ Thụy Như Thùy, Giám đốc toàn quốc Khối Quản lý thanh toán và tiền tệ toàn cầu, HSBC Việt Nam.

Năm 2023, tổng giá trị giao dịch điện tử trên toàn cầu được xử lý trên hệ thống của HSBC lên tới 500 nghìn tỷ USD. Thanh toán nhanh chóng và hiệu quả hơn sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí đồng thời tạo điều kiện cho người tiêu dùng mua sắm một cách tự tin và thuận tiện.

Theo bà Đỗ Thụy Như Thùy, Giám đốc toàn quốc Khối Quản lý thanh toán và tiền tệ toàn cầu, HSBC Việt Nam, nhìn ở góc độ của một quốc gia, thanh toán theo thời gian thực có thể tạo ra cú hích lên toàn bộ hoạt động kinh tế. “Một mạng lưới thanh toán theo thời gian thực kết nối tất cả các nền kinh tế lớn ở khu vực Nam và Đông Nam Á lại với nhau có thể gia tăng hiệu quả cho cú hích đó trên phạm vi toàn khu vực. Chúng tôi kỳ vọng mạng lưới thanh toán thời gian thực của Ấn Độ và ít nhất năm nước Đông Nam Á sẽ được kết nối lại với nhau trong vòng năm năm tới”, bà Như Thùy cho biết.

Cũng theo Giám đốc toàn quốc Khối Quản lý thanh toán và tiền tệ toàn cầu của HSBC, khu vực Nam và Đông Nam Á đã xây dựng thành công những hệ thống thanh toán theo thời gian thực thuộc hàng tốt nhất thế giới. Giờ đây, những hệ thống này đã bắt đầu liên kết với nhau. Tháng 6/2023, Malaysia và Indonesia cho phép người dân đi lại giữa hai quốc gia có thể thanh toán bằng đồng nội tệ sử dụng mã QR. Tháng 11/2023, Indonesia và Singapore chính thức ra mắt liên kết thanh toán QR xuyên biên giới.

Tháng 9/2023, Việt Nam, Brunei và Philippines xác nhận tham gia sáng kiến Kết nối Thanh toán Khu vực (Regional Payment Connectivity – RPC) nhằm liên kết tất cả các quốc gia ASEAN vào một hệ thống thanh toán xuyên biên giới dùng mã QR thống nhất.

NHIỀU LỢI ÍCH…

Tháng 2/2023, Singapore và Ấn Độ đã thiết lập một kết nối mang tính đột phá giữa hai hệ thống PayNow và UPI. Khi có thêm nhiều kết nối như vậy, một mạng lưới liên khu vực cũng bắt đầu hình thành.

Lượng thanh toán theo thời gian thực đang tăng mạnh ở châu Á. Lượng giao dịch đi qua hệ thống của HSBC cho thấy xu hướng thanh toán theo thời gian thực đang phổ biến nhất tại 5 thị trường Singapore, Thái Lan, Hồng Kông, Malaysia bên cạnh Ấn Độ. Những sáng kiến của chính phủ nhằm giảm việc sử dụng tiền mặt và số hóa thanh toán trong thời gian đại dịch chính là chất xúc tác quan trọng. Các ví điện tử cũng là một nguyên nhân thúc đẩy sự chuyển đổi này.

UPI đã gặt hái thành công rực rỡ với gần 300 triệu người dân và 50 triệu thương nhân ở Ấn Độ sử dụng nền tảng này. Tháng 6/2023, lượng thanh toán đạt 180 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước và gấp hơn 10 lần lượng giao dịch được xử lý vào tháng 6/2019.

Ở Singapore, PayNow cũng đạt mức tăng trưởng hoành tráng không kém. Thanh toán thông qua nền tảng Fast and Secure Transactions (Giao dịch Nhanh và Đảm bảo) mà PayNow sử dụng đạt 287 tỷ USD trong năm 2022, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn gấp đôi so với năm 2019.

Tốc độ phổ biến nhanh chóng này phản ánh lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Chi phí giảm, rút ngắn thời gian xử lý và cải thiện quản lý rủi ro đã khuyến khích đổi mới và tài chính toàn diện, từ đó thúc đẩy năng suất kinh tế.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh tại London, UPI đã khai mở một cơ hội tương đương nửa điểm phần trăm tổng sản lượng kinh tế cho Ấn Độ vào năm 2021.

Người ta hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng thanh toán xuyên biên giới cũng có thể thúc đẩy tiêu dùng và thương mại trên toàn khu vực. Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi một tham vọng lớn hơn đối với phạm vi kết nối.

Những kết nối hiện tại chủ yếu nhằm mục đích giúp khách du lịch thanh toán dễ dàng hơn. Để xây dựng một mạng lưới công nghệ cao hơn, kết nối rộng khắp hơn trên toàn khu vực Nam và Đông Nam Á đòi hỏi những kết nối này phải dùng được trong thanh toán xuyên biên giới đối với thương nhân ở nước ngoài.

Kết nối dạng này sẽ mở ra một trời cơ hội cho doanh nghiệp tiến ra quốc tế và mang lại lựa chọn mới cho người tiêu dùng.

Theo McKinsey & Co, thương mại điện tử chiếm 1/5 doanh số bán lẻ ở Đông Nam Á. Mạng lưới thanh toán xuyên biên giới sẽ cho phép các công ty tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng mới mà không cần thẻ tín dụng hoặc chuyển tiền qua ngân hàng.

Thanh toán xuyên biên giới nhanh chóng hơn sẽ thúc đẩy thương mại dọc các hành lang kinh tế Nam và Đông Nam Á. Với tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao, tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng và tổng khối lượng thương mại ở Đông Nam Á năm 2022 tăng trưởng ấn tượng ở mức 15%, thật khó lòng từ chối những cơ hội mở ra từ những kết nối số sâu rộng hơn.

… XEN LẪN THÁCH THỨC

Tất nhiên, thực tế triển khai kết nối các luồng thanh toán của nhiều quốc gia khác nhau là rất phức tạp. Trong một khu vực với nhiều khác biệt về kiểm soát vốn và quy định quản lý giao dịch ngoại hối, công việc xây dựng tỉ mỉ các kết nối sẽ đòi hỏi rất nhiều, không chỉ về công nghệ mà còn liên quan đến quan hệ ngoại giao giữa các nước.

Các nhà hoạch định chính sách cần xem lại các yêu cầu về kiểm soát vốn và giao dịch ngoại hối. Các định chế tài chính liên quan cần giải quyết vấn đề định dạng dữ liệu khác biệt và hệ thống công nghệ mang tính kế thừa. Bên cạnh đó còn có những vấn đề về dữ liệu cá nhân và kiểm tra thông tin để định danh khách hàng.

Chính phủ các nước đương nhiên phải đảm bảo việc tích hợp hệ thống thanh toán sẽ không dẫn đến những tác động tiêu cực ngoài ý muốn. Mặc dù chính sách phải có định hướng đối với liên kết hạ tầng cấp quốc gia, các ngân hàng cũng có vai trò quan trọng trong quá trình triển khai.

Các ngân hàng quốc tế có kinh nghiệm và năng lực trong thanh toán xuyên quốc gia có thể hỗ trợ chính phủ trong quá trình thí điểm và mở rộng mạng lưới các hệ thống thanh toán kết nối. Chẳng hạn như HSBC, nơi mà mỗi giây trôi qua, 142 giao dịch thanh toán cho khách hàng doanh nghiệp được xử lý.

Các công cụ mới chắc chắn sẽ giúp ích. Chẳng hạn, việc Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) ra mắt chương trình chuyển đổi áp dụng bộ tiêu chuẩn mới trong thanh toán và báo cáo xuyên biên giới sẽ giúp giải quyết sự phân mảnh trong định dạng thông điệp mà các ngân hàng đang sử dụng.

Xét cho cùng thì việc xây dựng một mạng lưới kết nối các hệ thống thanh toán theo thời gian thực sẽ đòi hỏi nỗ lực tiên phong ở cấp độ nhà nước giống như khi triển khai các liên kết song phương. Lợi ích kinh tế đủ hấp dẫn để thuyết phục các nhà làm chính sách hướng tới mục tiêu đó và các ngân hàng hưởng ứng hỗ trợ.