09:25 19/01/2021

Kết quả bất ngờ từ cuộc điều tra đánh giá hiệu quả chính sách hỗ trợ chống Covid

Tuyết Nhi

Đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ khu vực doanh nghiệp chống chọi với Covid tại 380 doanh nghiệp, kết quả bất ngờ là chỉ có 22,25% các doanh nghiệp nhận được hỗ trợ

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ khu vực doanh nghiệp chống chọi với đại dịch Covid, Nhóm nghiên cứu đến từ Trường đại học Kinh tế quốc dân và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) đã thực hiện điều tra doanh nghiệp. 

Theo đó, 380 doanh nghiệp tại Hà Nội, Tp.HCM và Thanh Hóa thuộc 6 ngành sản xuất khác nhau, gồm logistic; du lịch, lưu trú, ăn uống; dệt may; bất động sản; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và công nghệ thông tin, đã được chọn để phục vụ cho điều tra. 

Và một kết quả khá bất ngờ cho nhóm nghiên cứu khi chỉ có 22,25% các doanh nghiệp nhận được hỗ trợ.

VẪN KHÓ ĐÁP ỨNG ĐIỀU KIỆN 

Đại diện nhóm nghiên cứu, PGS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường đại học Kinh tế quốc dân cho biết: "trong các lý do doanh nghiệp không nhận được các hỗ trợ thì có 54,67% doanh nghiệp cho rằng, là vì họ không đáp ứng được điều kiện để nhận được hỗ trợ; có tới 25,95% doanh nghiệp không biết đến các chính sách hỗ trợ, có 14,88% doanh nghiệp trả lời: quy trình, thủ tục hỗ trợ còn quá phức tạp nên doanh nghiệp không muốn tiếp cận các hỗ trợ".

Trong số 22,25% doanh nghiệp được hỗ trợ, nhóm nhận được hỗ trợ nhiều nhất là thuộc lĩnh vực du lịch; lưu trú, ăn uống (chiếm 36,36%), tiếp đến là doanh nghiệp dệt may (chiếm 24,66%), logistics (chiếm 24,59%), bất động sản (24,19%). Các lĩnh vực còn lại có tỷ lệ được hỗ trợ thấp hơn so với mức trung bình chung, trong đó thấp nhất là nhóm công nghệ, chỉ có 6,67% doanh nghiệp được hỗ trợ.

Nếu xét theo quy mô, doanh nghiệp có quy mô vừa trở lên được hỗ trợ nhiều, doanh nghiệp có quy mô từ 50 đến dưới 200 người có tỷ lệ được hỗ trợ cao nhất, chiếm 37,74%, tiếp đến là doanh nghiệp có quy mô lớn, từ 200 người trở lên, chiếm 34,04%. doanh nghiệp có dưới 10 người có tỷ lệ được hỗ trợ chỉ khoảng 13%.

CẦN GÓI HỖ TRỢ KÈM CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI ĐẶC BIỆT 

Đánh giá về tác động của các chính sách hỗ trợ, theo ông Tô Trung Thành, các doanh nghiệp đều cho rằng các chính sách hỗ trợ có tác động tích cực. Đặc biệt, các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử; vay không cần tài sản thế chấp đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động... thì 100% ý kiến của các doanh nghiệp cho rằng có tác động tích cực. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát cũng cho rằng, một số số chính sách khác có tác động không đáng kể, ví dụ như chính sách hỗ trợ chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt...; hay chính sách rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn...

Cụ thể, chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tổng doanh thu không quá 200 tỷ đồng ban hành theo Nghị quyết 116/2020/QH14 (19/6/2020) và quy định chi tiết thi hành Nghị định số 114/2020/NĐ-CP (25/9/2020) của Chính phủ. Theo Nhóm nghiên cứu, đối tượng thụ hưởng của chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là những doanh nghiệp làm ăn có lãi, tức là các doanh nghiệp đang hưởng lợi hoặc ít chịu ảnh hưởng chứ không phải những doanh nghiệp đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Do vậy, "việc ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp chưa thực sự hướng đến các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch", báo cáo đánh giá.

Đối với chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP (8/4/2020), số doanh nghiệp thụ hưởng chính sách này không đáng kể. Các lý do dẫn đến chính sách này chưa lan tỏa đến các đối tượng chịu ảnh hưởng. Thứ nhất, do thời hạn giãn, hoãn thuế, phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp quá ngắn nên các doanh nghiệp không được hưởng lợi nhiều. Thứ hai, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc sản xuất kinh doanh không triển khai được nên nhiều doanh nghiệp không có phát sinh thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Thứ ba, nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đã hoàn thành việc nộp thuế cho năm 2019 trong quý I/2020, vì thế doanh nghiệp không làm giấy đề nghị gia hạn. Với tiền thuê đất, nhiều doanh nghiệp đã nộp một lần, do đó doanh nghiệp không xin gia hạn.

Chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Covid-19 cũng đang cho thấy một số bất cập ở khâu thực thi khi doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn hỗ trợ này phải đáp ứng các thủ tục phức tạp. Với các thủ tục này, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhóm cần hỗ trợ nhất có thể lại là nhóm khó tiếp cận chính sách nhất.

"Đa số các doanh nghiệp trả lời rằng, cần thiết có gói hỗ trợ tiếp theo của Chính phủ, đặc biệt là các chính sách như: vay không cần tài sản thế chấp đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động; miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử; giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020; tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn; hỗ trợ chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt", báo cáo nhấn mạnh.

TĂNG SỨC ĐỀ KHÁNG CỦA NỀN KINH TẾ 

Thời gian qua, Chính phủ đã có những bước đi kiên quyết và đúng đắn, kiềm chế sự lây lan bùng phát của đại dịch. PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân đánh giá, "đó là thành quả rất đáng tự hào. Tuy nhiên, để có thể chiến thắng dịch bệnh trên cả hai mặt trận y tế và kinh tế, ngay từ bây giờ, bên cạnh việc hạn chế dịch bệnh, cần có những chính sách hợp lý nhằm tăng cường sức đề kháng của nền kinh tế. Đồng thời, chuẩn bị đủ năng lực ứng phó khi dịch bệnh kéo dài. Từ đó, tăng cường tiềm lực để phục hồi kinh tế nhanh chóng ngay khi dịch bệnh được khống chế, không để nền kinh tế rơi vào suy thoái".

Để thực hiện các chính sách hỗ trợ bệnh dịch cũng như thiên tai, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, trong thời gian tới, "nguyên tắc cần được giữ vững khi đưa ra chính sách là phải luôn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Bất kể bệnh dịch kéo dài bao lâu, nhiều DN có thể sẽ phá sản, Chính phủ vẫn cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô". Cần giữ lạm phát và lãi suất ở mức thấp, tỷ giá ổn định, đầu tư công được thực hiện đúng mục đích và giám sát tốt, môi trường đầu tư được cải thiện, thì sau bệnh dịch, nền kinh tế mới hồi phục nhanh chóng. Ngược lại, sẽ mất nhiều năm tiếp theo để giải quyết các vấn đề không phải bệnh dịch, nền kinh tế sẽ đình trệ trong thời gian dài như giai đoạn hậu khủng hoảng 2007–2008.

Bên cạnh những giải pháp ngắn hạn mang tính ứng phó với Covid-19, báo cáo cho rằng, Chính phủ cần thực hiện các giải pháp mang tính dài hạn để phát triển bền vững sau đại dịch. Cụ thể, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ - đổi mới sáng tạo. Tận dụng và khai thác lợi thế của người đi sau, chuyển giao công nghệ từ FDI. Tiếp tục hoàn thiện thể chế; xây dựng nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính...

Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,9 triệu người trên thế giới một cách không thương tiếc. Chắc chắn, Việt Nam cần được hoan nghênh vì đảm bảo an toàn cho cuộc sống người dân, cơ bản kiểm soát được đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, thành công của việc ngăn chặn vi rút không nên trở thành lý do để bỏ lỡ những cơ hội thay đổi hệ thống kinh tế và xã hội của Việt Nam, vì một tương lai tốt đẹp hơn. Nếu không nắm bắt cơ hội đó, Việt Nam sẽ bị tụt hậu so với các quốc gia đang phát triển nhanh trên thế giới.
Ông Akira Shimizu, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam