09:18 04/06/2007

Kết thúc hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ

Thùy Trang

Hội nhập kinh tế và chương trình đổi mới khi đã hội nhập WTO là những chủ đề chính tại cuộc họp lần này

Các nhà tài trợ nhấn mạnh rằng tư tưởng tự do là quan trọng để đảm bảo một xã hội có tính sáng tạo, và ngược lại, điều này sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế - Ảnh: VNN.
Các nhà tài trợ nhấn mạnh rằng tư tưởng tự do là quan trọng để đảm bảo một xã hội có tính sáng tạo, và ngược lại, điều này sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế - Ảnh: VNN.
Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam đã kết thúc ngày 1/6/2007 tại Hạ Long, với cam kết của các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và đánh giá cao về quản lý kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt Nam.

Hội nghị thảo luận một loạt các vấn đề trong quá trình phát triển kinh tế gần đây của Việt Nam, cũng như viễn cảnh tương lai của Việt Nam, khung giám sát và đánh giá cho bản Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2006-2010; kết quả của các nỗ lực mới nhất trong cuộc chiến chống tham nhũng, bao gồm cả kế hoạch hành động của Chính phủ; thực hiện các cam kết WTO; và các biện pháp để đảm bảo sử dụng nhanh chóng và hiệu quả viện trợ phát triển Chính thức. Hội nghị cũng thảo luận ba thử thách phát triển đối với Việt Nam là cung cấp dịch vụ nước sạch và vệ sinh môi trường, HIV/AIDS và an toàn giao thông.

Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, ông James Adams, lần đầu tiên đồng chủ tọa hội nghị CG giữa kỳ năm nay, nhận xét rằng Việt Nam đang có những bước tiến nhanh trong phát triển kinh tế và xã hội, và đang vững bước trên con đường trở thành nước có thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng cùng với những thành công này là những thử thách mới, từ đảm bảo ổn định khu vực tài chính đến thu hút đầu tư tư nhân cho cơ sở hạ tầng, đến giảm thiểu những ảnh hưởng xã hội tiêu cực từ quá trình hội nhập toàn cầu.

“Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam cho năm 2007 nhìn chung là tốt, chủ yếu nhờ xuất khẩu và đầu tư tăng. Tuy nhiên, không phải là không có rủi ro. Lạm phát vẫn còn cao và dòng vốn chảy vào làm việc quản lý tiền tệ phức tạp hơn. Quy mô của thị trường chứng khoán đang tăng nhanh và việc lưu chuyển dòng vốn đòi hỏi phải theo dõi cẩn thận các thể chế tài chính ngân hàng và tài chính phi ngân hàng.” Ông Il Houng Lee, đại diện của IMF phát biểu.

Các nhà tài trợ cũng chúc mừng Việt Nam về thành tựu tăng trưởng kinh tế và cam kết giảm nghèo. Họ nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải có những thể chế mạnh hơn để tiếp tục thành công và khuyến khích Chính phủ Việt Nam tạo ra môi trường cho những quan điểm và ý tưởng khác nhau. Họ nhấn mạnh rằng tư tưởng tự do là quan trọng để đảm bảo một xã hội có tính sáng tạo, và ngược lại, điều này sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế.

Hội nhập kinh tế và chương trình đổi mới khi đã hội nhập WTO là những chủ đề chính tại cuộc họp lần này. Đại sứ Úc Bill Tweddell chúc mừng Việt Nam gia nhập WTO và nêu rõ cần phải nhìn đổi mới trong tương lai từ quan điểm phát triển chứ không phải chỉ là tuân thủ.

“Đối với Việt Nam, điều này có nghĩa là phải thực hiện các cam kết một cách đầy đủ, kịp thời và chú trọng đúng mức vào các lợi ích xã hội lớn hơn do tự do hóa và mở cửa đem lại. Điều này có nghĩa là phải duy trì tăng trưởng bền vững và toàn diện. Điều này cũng có nghĩa là tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp - nhân tố quan trọng của thành công – được thông tin đầy đủ, giúp họ có thể nắm bắt tốt các cơ hội mới. Điều này cũng còn có nghĩa là xây dựng một cơ chế “cảnh báo sớm” nhằm thích ứng với các tác động của chính sách mới về môi trường và xã hội”, ông nói.

Nỗ lực chống tham nhũng cũng là một chủ đề được các đại biểu thảo luận sôi nổi. Các nhà tài trợ hoan nghênh các biện pháp gần đây của Chính phủ, cụ thể là việc đưa ra một chiến lược toàn diện về chống tham nhũng và các quy định về kê khai tài sản đối với các cán bộ nhà nước và gia đình họ, việc tiến hành các cuộc họp báo hàng tháng và các cuộc đối thoại bán thường niên với các đối tác phát triển.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh nhu cầu cải cách hành chính công vì đó là công cụ hạn chế tệ tham nhũng. “Hệ thống hành chính của Việt Nam cần phải đơn giản hóa để cải thiện tính minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình, chuyển từ việc quản lý đầu vào sang quản lý dựa trên kết quả”, ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á nhấn mạnh.

Các đại biểu nghe báo cáo của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, tổ chức hai ngày trước hội nghị này tại Hà Nội. Diễn đàn doanh nghiệp có sự tham gia của 500 đại diện từ Chính phủ, các nhà tài trợ, khối tư nhân và báo chí. Diễn đàn đã thảo luận việc làm thế nào Việt Nam có thể tận dụng việc gia nhập vào WTO, bao gồm những cải cách ngành ngân hàng và thị trường vốn, thực hiện các Luật Đầu tư và Doanh nghiệp, cũng như giải quyết những hạn chế về cơ sở hạ tầng.

Các đại biểu cho rằng Việt Nam cần vượt qua những thử thách lớn để đạt được những mục tiêu phát triển thiên niên kỉ về nước và vệ sinh. Đặc biệt, vệ sinh nông thôn cần phải cải thiện hơn nữa. Các đại biểu cũng thảo luận tính cấp thiết phải tập trung vào cuộc chiến chống HIV – AIDS, trong khi cũng ghi nhận rằng trong sáu tháng qua, mặc dù có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực này nhưng cũng vẫn còn nhiều thách thức lớn.

An toàn giao thông là một mối lo ngại đối với Việt Nam. Các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực cải thiện tình hình, và đề nghị được chia sẻ kinh nghiệm trong vấn đề này. “Khái niệm bốn chữ E: Engineering, Enforcement, Education và Emergency (cơ khí, thực thi luật, giáo dục, và cứu trợ khẩn cấp) là rất quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến an toàn giao thông. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cần đẩy mạnh vai trò điều phối của mình trong Chính phủ. Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong việc giảm 60% số ca tử vong từ giao thông trong vòng 30 năm”, ông Daisuke Matsunaga, Phó đại sứ Nhật Bản nói.

Các nhà tài trợ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện khuôn khổ luật pháp và quản lý trong việc cải thiện quản lý dự án ODA trong sáu tháng qua. Tuy nhiên, nhận xét về quá trình thực hiện dự án phát triển còn chậm trong thời gian qua, các nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh nhu cầu cần cải thiện hiệu quả viện trợ.

Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm nói: “Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc hài hòa hóa thủ tục giữa các nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam với quan điểm rút ngắn thời gian chuẩn bị và thực hiện dự án và chương trình ODA.”