16:04 11/04/2025

Khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

Như Nguyệt

Dự thảo luật thay thế Điều 22 quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương cấp xã để phù hợp với chủ trương đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp; khắc phục triệt để sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền địa phương…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sáng 11/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú làm việc với các đơn vị xây dựng pháp luật về Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Dự thảo luật tập trung sửa đổi, bổ sung thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã; bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm.

Ngoài ra, xây dựng chính sách, soạn thảo, thẩm định chính sách, dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; bảo đảm các yêu cầu về đổi mới, sáng tạo; lược bỏ các quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện; bỏ một số cụm từ để phù hợp với định hướng sửa đổi Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy; nội dung phân quyền, phân cấp...

Để bảo đảm thống nhất, phù hợp với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) về việc bỏ cấp trung gian, tinh gọn tổ chức bộ máy, bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật dự kiến sửa một số điều.

Theo đó, bổ sung khoản 12, 13 quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp xã để phù hợp với yêu cầu tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã hiện nay để hình thành các đơn vị hành chính cấp xã (mới) gồm: xã, phường và đặc khu ở hải đảo để phù hợp với mô hình tổ chức mới.

Đồng thời thay thế Điều 22 quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương cấp xã để phù hợp với chủ trương đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp; khắc phục triệt để sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền địa phương…

Dự thảo Luật còn bổ sung yêu cầu thẩm định về nội dung đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đồng thời quy định về trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc cho ý kiến đối với các nội dung liên quan đến đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số. Để cụ thể hóa các yêu cầu nêu trên, dự thảo luật sửa đổi một số khoản của Điều 29, 31, 34 và Điều 51.

Ngoài ra, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 21 để phù hợp với chủ trương tiếp tục đẩy mạnh phân quyền, phân cấp triệt để giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh cho chính quyền địa phương cấp xã theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” để phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương các cấp, nhằm khơi thông mọi nguồn lực để địa phương phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Dự thảo Luật quy định HĐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết để quy định về cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương; biện pháp khác có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp; chủ trương, biện pháp phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gồm 2 điều. Dự kiến Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Sau buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú yêu cầu Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hoàn thiện hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để khẩn trương trình Chính phủ đúng thời hạn.