09:03 07/02/2022

Khách du Xuân chật cứng tại các điểm du lịch, tín hiệu cho bất động sản nghỉ dưỡng tăng nhiệt

Mộc Minh

Bất động sản nghỉ dưỡng được dự báo sẽ sôi động trở lại cùng với tiến độ kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và mở cửa đón khách du lịch quốc tế của Việt Nam…

Chính phủ đang phấn đấu mở cửa du lịch trên phạm vi toàn quốc trước ngày 30/3/2022, chậm nhất là ngày 30/4/2022. Đây là một trong những nội dung được nêu tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2022.

NGUỒN CUNG SẼ TĂNG NHẸ

Những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã chứng kiến dòng người đông đúc như nêm tại các địa điểm du lịch nổi tiếng. Tình trạng ùn tắc giao thông, người kẹt cứng trên các bãi biển, nhà nghỉ “cháy phòng”… tại nhiều tỉnh, thành phố như: Đà Lạt, Nha Trang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Quốc, Sapa, TP. Đà Nẵng, Hội An… Đây là tín hiệu vui cho ngành du lịch “hồi sinh” cũng như bất động sản nghỉ dưỡng và du lịch sôi động trở lại.

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), năm 2022 với sự mở cửa du lịch trở lại sẽ giúp cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và bất động sản du lịch là điểm sáng hấp dẫn đầu tư.

Đặc biệt, các sản phẩm có pháp lý đầy đủ, rõ ràng, đáp ứng được các điều kiện và tiêu chuẩn về môi trường du lịch, nghỉ dưỡng, được đầu tư tốt về hạ tầng, vị trí giao thông thuận lợi và được đầu tư bởi các chủ đầu tư có uy tín cao trên thị trường sẽ có tỷ lệ hấp thụ tương đối tốt.

Tín hiệu tốt này được dự báo trên cơ sở trong bối cảnh đại dịch năm 2021 vừa qua vẫn xuất hiện một số dự án nhà ở được sử dụng theo hình thức du lịch - nghỉ dưỡng có tỷ lệ hấp thụ ổn định (khoảng 30-40%) mỗi đợt chào bán.

Theo DKRA, năm 2022, nguồn cung mới bất động sản nghỉ dưỡng đều tăng nhẹ ở các loại hình sản phẩm so với năm 2021. Ở condotel dao động khoảng 5.000 căn. Các dự án tập trung ở Bình Thuận, Bình Định và Bà Rịa -Vũng Tàu.

Nguồn cung mới biệt thự nghỉ dưỡng ở mức 4.700 căn, tập trung ở Bà Rịa -Vũng Tàu, Thanh Hóa và Bình Thuận.

Nguồn cung nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng dao động ở mức 5.000 căn, tập trung ở Bình Thuận, Phú Quốc và Bà Rịa -Vũng Tàu.

Sức cầu chung toàn thị trường chưa có nhiều dấu hiệu tích cực để có những thay đổi đột biến. Giao dịch tập trung ở những dự án mới mở bán, được phát triển bởi chủ đầu tư lớn, uy tín và đã xây dựng được hệ sinh thái.

Mô hình khu nghỉ dưỡng phức hợp (Integrated Resort) tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng.

Xu hướng dịch chuyển sang chương trình ủy thác cho thuê theo dạng chia sẻ lợi nhuận tiếp tục được nhiều chủ đầu tư áp dụng.

“HOT” LÊN NÚI, XUỐNG BIỂN NGHỈ DƯỠNG

Thông tin về bất động sản nghỉ dưỡng tại thành phố biển Nha Trang, ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký VARS tỉnh Khánh Hòa, cho biết trong năm qua, các sản phẩm bất động sản phân lô, bán nền tại các huyện, thị vùng ven tại thành phố này là “điểm sáng” của thị trường.

Đã có hàng trăm khu đất phân lô, bán nền với quy mô lên đến hàng nghìn lô đất đã được tung ra thị trường có giá bình quân từ 300 triệu - 01 tỷ đồng/lô đất và sức hấp thụ của nhà đầu tư F0 đạt 95% mỗi giỏ hàng.

Dự báo trong năm 2022, bất động sản nghỉ dưỡng du lịch tại Khánh Hoà sẽ ấm dần trở lại khi hoạt động du lịch tại địa phương đang dần phục hồi, hiệu suất khai thác của các tổ hợp dự án nghĩ dưỡng đã được nâng lên rất nhiều ngay từ những tháng cuối năm 2021.

Ông Hoàng cũng cảnh báo thực tế trong quá trình “sốt đất”, nhiều hoạt động kinh doanh biến tướng có nguy cơ gây “sốt đất” ảo ảnh làm hưởng đến thị trường chung, nên chính quyền địa phương đã ban hành nhiều biện pháp kiểm soát chặt tình trạng này trong năm 2022.

Đối với khu vực bất động sản nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng, theo bà Lê Thắm, Phòng Nghiên cứu thị trường bất động sản VARS khu vực Tây Nguyên, các giao dịch sôi động ở mức giá 04-20 tỷ đồng, đặc biệt là các khách sạn, villa, biệt thự được “sang tay” nhiều tại thời điểm cuối năm 2021.

Dự báo năm 2022, nếu biến số Covid-19 không quá lớn, bất động sản Lâm Đồng tại các khu vực trọng điểm như: Đà Lạt hay Bảo Lộc giá nhà vẫn sẽ tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, sức mua chưa quá mạnh. Vì các dự án nghỉ dưỡng chưa hoàn thiện, nhiều dự án còn vướng rắc rối về pháp lý nên khách hàng còn đang dè chừng và thận trọng.

Với cơ chế mở cửa của tỉnh Lâm Đồng, năm 2022 hứa hẹn một năm sôi động của thị trường cho thuê, đa dạng về loại hình thuê và cả phương thức thuê.

Về giá, đối với thị trường đất nền (nghỉ dưỡng) tại các huyện lân cận như: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà (những huyện có thông tin quy hoạch sáp nhập vào TP. Đà Lạt) đang thật sự thu hút các nhà đầu tư.

Giá đất tại các khu vực vùng ven TP. Đà Lạt khoảng 300.000 đồng – 6 triệu đồng/m2 dành cho đất không thổ cư, có sổ hồng, đường bê tông, xe hơi. Đất thổ cư, giá từ 5 – 15 triệu đồng/m2, vào cuối năm 2021.

Tại địa bàn TP. Đà Lạt, nhà đất tại các trục đường bao quanh trung tâm thành phố được rao bán ở mức 90-280 triệu đồng/m2 tại khu vực đường Trần Phú, Phan Đình Phùng, Hai Bà Trưng.

Giá nhà đất có vị trí đắc địa ngay khu trung tâm TP. Đà Lạt từ 300-450 triệu đồng/m2 tại khu vực đường Nguyễn Chí Thanh, Phan Bội Châu, Nam Kỳ Khởi nghĩa, Bùi Thị Xuân...

Đối với các tuyến đường trong vòng bán kính 5km thì giá dao động từ 50-150 triệu đồng/m2.

Đối với bán kính từ 5-10 km thì giá dao động từ 30-100 triệu đồng/m2. Vị trí hẻm ô tô giá sẽ bằng 50%-60% giá mặt tiền đường.

Đối với đất nông nghiệp vùng ven, không chuyển đổi xây dựng được, bán kính cách TP. Đà Lạt từ 10-20km giá giao động từ 300.000 đồng/m2 đến 05 triệu đồng/m2.

Bà Lê Thắm cho rằng thị trường bất động sản Lâm Đồng có nhiều đặc thù riêng, nhà đầu tư cần tìm hiểu và kiểm tra tính pháp lý: nhà đất giao dịch phải có sổ đỏ, các giấy tờ pháp lý đầy đủ.

Đặc biệt, ít thành phố nào ở Việt Nam có kiểu quy hoạch “lạ” như TP. Đà Lạt. Đó là đất sản xuất nông nghiệp xen lẫn với đất ở đô thị. Chỉ cách nhau vài mét nhưng một bên có thể xây biệt thự, còn bên kia thì không. Các quy hoạch liên tục thay đổi, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn lẫn nhau. Việc tìm hiểu về pháp lý là tối quan trọng trước khi tiến hành mua bán. Hợp đồng mua bán nhà đất và các khoản chi phí phải rõ ràng…

Khu vực tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, số liệu từ Phòng nghiên cứu thị trường bất động sản VARS tại địa phương này cho biết giá bất động sản nghỉ dưỡng vẫn tăng 3-7% vì sự quan tâm của các tập đoàn lớn, cũng như người mua có nhu cầu mua căn hộ để ở và cho thuê du lịch.

Tại khu vực Trung du, miền núi phía Bắc, theo ông Lê Đình Chung, Phó Tổng giám đốc Hải Phát Land, bất động sản nghỉ dưỡng tập trung chính ở tỉnh Hòa Bình, nhưng số lượng còn rất hạn chế và tốc độ tiêu thụ còn chậm. Theo khảo sát trong năm 2022, Hòa Bình sẽ ra mắt 3-4 dự án mới với quy mô quanh 100ha, chủ yếu tập trung khu vực Hồ Hòa Bình.

Ông Chung cho biết thêm, những dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn và được đầu tư bài bản đang nhận được sự quan tâm nhiều của các nhà đầu tư, vì đây vừa là kênh đầu tư an toàn và là nơi trú ẩn trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay.