11:06 26/10/2018

Khan hiếm nguồn cung cá tra giống ở Đồng bằng sông Cửu Long

Tuấn Hoàng

Bất chấp nước lũ dâng cao, người dân đua nhau đào ao thả cá giống

Nuôi thành phong trào, ao nuôi liền kề, thả giống mật độ dày đặc, nảy sinh dịch bệnh là điều không tránh khỏi.
Nuôi thành phong trào, ao nuôi liền kề, thả giống mật độ dày đặc, nảy sinh dịch bệnh là điều không tránh khỏi.

Xuất khẩu cá tra đạt con số kỷ lục, nguồn cung cá nguyên liệu và cá giống khan hiếm đã đẩy giá cá nguyên liệu và cá giống tăng cao. Bất chấp khuyến cáo và nước lũ đang tràn đồng, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đang đua nhau đào ao thả cá giống, họ tin chắc một năm thắng đậm.

Thắng lớn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, những tháng cuối năm 2018, thị trường thế giới đảo chiều rất nhanh theo hướng có lợi cho cá tra Việt Nam. Bộ khuyến cáo các doanh nghiệp tăng cường sản xuất mặt hàng cá tra để tranh thủ thời cơ xuất khẩu.

Những tháng đầu năm 2018, ngành hàng cá tra gặp nhiều khó khăn như chất lượng và giá cả con giống không ổn định, người nuôi cá thương phẩm tự phát ngoài quy hoạch, đặc biệt là áp lực từ chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ.

Sang quý 3/2018, xuất khẩu cá tra bắt đầu thuận lợi nhờ Nghị định 55 và Thông tư 07 về quản lý sản xuất cá tra phát huy hiệu quả, sản phẩm cá tra đã truy xuất được nguồn gốc. Đặc biệt là việc Mỹ giảm thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam xuống mức thấp nhất (0,41%), đồng thời công nhận hệ thống quản lý cá da trơn Việt Nam tương đương với Mỹ. Nhiều thị trường nhập khẩu cá tra khác cũng khởi sắc trở lại như EU...

Kết quả 9 tháng 2018, ngành hàng cá tra tăng trưởng kỷ lục, duy trì ở mức cao. So cùng kỳ 2017, tổng sản lượng thu hoạch khoảng 1 triệu tấn, tăng 9,3%; giá trị xuất khẩu đạt 1,68 tỷ USD, tăng 29,2%. Trong đó xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 368,4 triệu USD, tăng 41% so cùng kỳ 2017, chiếm tỷ trọng 23% (chỉ sau Trung Quốc) tổng sản lượng xuất khẩu cá tra Việt Nam.

Xuất khẩu tăng mạnh trong khi nguồn cung cá tra nguyên liệu không đủ cầu đã đẩy giá cá tra nguyên liệu tăng trung bình 3.000 đồng/kg so đầu năm lên 30.000 - 32.000 đồng/kg, người nuôi lãi đậm xấp xỉ 10.000 đồng/kg. Đặc biệt, cá tra quá lứa 4 - 5 kg/con cũng tăng giá bất ngờ, có lúc lên 40.000 - 45.000 đồng/kg do thương lái Trung Quốc lùng mua.

Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích nuôi cá tra khoảng 5.000 ha, sản lượng đạt khoảng 1,3 triệu tấn/năm. Toàn vùng hiện có 174 doanh nghiệp chế biến các mặt hàng cá tra xuất khẩu; trong đó 170 doanh nghiệp chế biến cá tra đông lạnh, 3 doanh nghiệp chế biến đầu cá và 1 doanh nghiệp chế biến sản phẩm collagen. Cá tra Việt Nam đã xuất khẩu sang 125 thị trường.

Ba tháng cuối năm là mùa xuất khẩu chính của cá tra trong năm vì dịp Noel, Tết Dương lịch, sau đó là Tết cổ truyền Việt Nam và Trung Quốc nên nhu cầu nhập khẩu cá tra của các nước sẽ tăng mạnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo xuất khẩu cá tra Việt Nam cả năm 2018 nhiều khả năng sẽ vượt 2 tỷ USD, một con số hơn cả trong mơ mà đầu năm không ai dám nghĩ tới.

Khủng hoảng con giống

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khó khăn lớn nhất của mặt hàng cá tra Việt Nam hiện nay là khủng hoảng con giống. Hoạt động sản xuất và xuất khẩu cá tra tăng trưởng mạnh 24% so cùng kỳ 2017 không chỉ nhờ giá cá tra nguyên liệu duy trì ở mức cao mà còn do giá cá giống tăng chóng mặt.

Hiện giá cá tra giống đã tăng kỷ lục, loại 30 con/kg có giá 65.000 - 70.000 đồng/kg, tăng gấp 4 - 5 lần so các tháng trước. Dự báo giá cá tra nguyên liệu và cá giống sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến hết năm 2018 và đầu năm 2019.

Giá cá tra giống tăng cao trong khi nguồn cung không đủ cầu. Từ 2 tháng nay, bất chấp mọi khuyến cáo của ngành nông nghiệp và nước lũ đang tràn đồng, mỗi ngày một dâng cao, nông dân các tỉnh có nuôi cá tra, nhất là khu vực Đồng Tháp Mười, đưa máy móc vào be bờ, đào ao thả ương nuôi cá giống. Tại các xã Hưng Điền, Hưng Điền B , Hưng Hà, Hưng Thạnh, Vĩnh Đại... thuộc huyện Tân Hưng của tỉnh Long An, nông dân rầm rộ đào ao nuôi cá giống.

Chỉ riêng xã Vĩnh Đại đã có khoảng 100 ha đất trồng lúa được nông dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đưa cơ giới vào đào ao nuôi cá giống, bất chấp việc sẽ bị chính quyền xử phạt. Các hộ ở đây cho biết, với 1 ha làm lúa chỉ đủ gạo ăn cho cả gia đình, nhưng với 1 ha ương cá giống thì chỉ sau 1 năm có thể đổi đời.

Bởi 1 ha ao ương nuôi cá giống, mỗi vụ cho thu hoạch bình quân 7 tấn cá giống, với giá cá giống cao ngất ngưởng như hiện nay, sau khi trừ chi phí người nuôi lãi khoảng 200 triệu đồng/vụ. Thời gian ương từ cá bột lên cá giống trung bình chỉ 2 tháng.

UBND huyện Tân Hưng cho biết, lợi nhuận từ ương cá tra giống cao gấp nhiều lần làm lúa nên chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn huyện đã có gần 1.100 ha đất lúa được nông dân tự ý chuyển đổi thành ao nuôi cá giống với 800 hộ tham gia.

Huyện đã xử phạt hàng chục trường hợp nhưng phong trào đào ao thả cá giống không giảm mà tiếp tục tăng. Trung tâm khuyến nông tỉnh Long An cũng cho hay, toàn tỉnh có trên 1.300 ha nuôi cá tra thương phẩm, nhu cầu con giống chỉ khoảng 600 ha.

Nuôi thành phong trào, ao nuôi liền kề, thả giống mật độ dày đặc, nảy sinh dịch bệnh là điều không tránh khỏi. Long An hiện có trên 600 hộ nuôi cá giống bị dịch bệnh chết phải xúc đổ bỏ. 80% trong số đó cá bị các bệnh mũ gan, xuất huyết, trắng mang... gây thiệt hại ở các mức độ khác nhau, trong đó 300 ha mất trắng.

Một số doanh nghiệp ngành này chia sẻ, trở ngại lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn con giống chất lượng cao vì ảnh hưởng đến nguồn cung cá nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu. Nhiều hộ nuôi cá phải chấp nhận mua cá giống chất lượng kém dẫn đến tỷ lệ cá chết rất cao, trên 40%. 

Các đơn vị làm ăn uy tín như hợp tác xã nuôi cá tra của huyện Châu Phú, An Giang do không mua được con giống đạt chuẩn nên vụ sản xuất cá năm nay phải... treo ao. Còn Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II cho biết, đã có 101.000 con cá tra bố mẹ và cá tra hậu bị được phát tán đàn cho các trại sản xuất giống Đồng bằng sông Cửu Long nhưng hiện chỉ còn 60.000 con nên nguồn con giống có chất lượng thiếu trầm trọng. Cuộc khủng hoảng giống cá tra cũng sẽ kéo dài không biết đến bao giờ.