15:21 16/07/2022

Khẩn trương xử lý hai dự án yếu kém của ngành công thương

Huyền Vy

Các bên liên quan sớm bàn bạc để thống nhất trình phương án cơ cấu dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy gang thép Lào Cai (dự án VTM). Đối với dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP-2 Lào Cai, thống nhất tinh thần thực hiện phương án tái cơ cấu nợ vay đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và ngân hàng thương mại…

 Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp về phương án cơ cấu lại hai dự án yếu kém ngành công thương.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp về phương án cơ cấu lại hai dự án yếu kém ngành công thương.

Chủ trì cuộc họp cho ý kiến về phương án cơ cấu lại hai dự án yếu kém ngành công thương là dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP-2 Lào Cai và dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy gang thép Lào Cai (dự án VTM), ngày 15/7, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, lưu ý rằng hai dự án này trước đây đã có phương án xử lý nhưng chưa có sự thống nhất, tình hình hiện nay có thay đổi và hoạt động sản xuất kinh doanh của các dự án cũng chưa hiệu quả nên cần phải xem xét lại.

TRÌNH PHƯƠNG ÁN TÁI CƠ CẤU VTM TRONG THÁNG 10 TỚI

Liên quan đến dự án VTM, theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất, kinh doanh của dự án gặp nhiều khó khăn, lỗ 115,58 tỷ đồng, đã dừng sản xuất từ ngày 14/5/2022. Dự kiến khôi phục sản xuất trở lại từ ngày 1/8 tới, ước 5 tháng cuối năm lỗ 11,5 tỷ đồng. Trường hợp không thể khôi phục lại sản xuất, dự kiến cả năm 2022 lỗ khoảng 430,58 tỷ đồng.

Đại diện Tổng Công ty Thép Việt Nam, cho biết đã nhiều lần họp với các đối tác trong liên doanh để thống nhất các nội dung liên quan đến việc xây dựng và hoàn thiện Đề án tái cơ cấu VTM nhưng đến nay vẫn chưa thông qua được, do quan điểm về việc xin khai thác quặng sắt khác nhau.

Dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy gang thép Lào Cai.
Dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy gang thép Lào Cai.

Tổng Công ty đề xuất 3 phương án xử lý: Một là, Tổng Công ty mua lại phần vốn góp của đối tác liên doanh Trung Quốc (Công ty trách nhiệm hữu hạn Khống chế cổ phần gang thép Côn Minh - KISC); Hai là Tổng Công ty chuyển nhượng phần vốn góp cho các bên liên doanh; Ba là Công ty VTM buộc phải dừng hoạt động hoặc phá sản.

Khó khăn nhất là vấn đề xác định sản lượng khai thác của mỏ Quý Xa sau khi được gia hạn thời gian khai thác. Tổng Công ty đề xuất phương án khai thác từ 800.000 – 1 triệu tấn/năm để phù hợp với sản lượng luyện kim của Nhà máy, không dùng để bán dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, Công ty khoáng sản Lào Cai (Lamico) và phía đối tác Trung Quốc đề nghị khai thác với công suất 3 triệu tấn/năm, trong đó 1 triệu tấn phục vụ sản xuất của nhà máy, 2 triệu tấn tiêu thụ trên thị trường trong nước.

Về Đề án tái cơ cấu VTM, đại diện phía đối tác KISC - Trung Quốc đề nghị xây dựng đề án tái cơ cấu theo quy định giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp. Về giấy phép khai thác mỏ quặng sắt Quý Xa, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét gia hạn hoặc cấp lại cho dự án. Trường hợp Việt Nam không đồng ý giao phía đối tác liên doanh toàn quyền vận hành dự án thì đối tác này cũng đồng ý chuyển nhượng phần vốn góp để tạo điều kiện cho VTM phát triển.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, doanh nghiệp cổ phần phải hoạt động theo luật, Chính phủ chỉ hỗ trợ phần nào. Trong các phương án xử lý đặt ra, nếu thực hiện được phương án 1, tức Tổng Công ty Thép Việt Nam mua lại phần vốn góp của đối tác liên doanh Trung Quốc là tốt nhất, nếu không được thì dự án phải dừng hoạt động. Thứ trưởng cũng đề nghị có phương án xử lý cụ thể hơn.

Sau khi nghe các ý kiến báo cáo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, đối với dự án VTM, các bên liên doanh đánh giá tình hình, căn cứ vào khả năng để huy động được nguồn lực hợp lý, hợp pháp, đưa nhà máy hoạt động trở lại để giải quyết việc làm cho người lao động.

Về phía Việt Nam, Phó Thủ tướng đề nghị đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước căn cứ quy định pháp luật, tình hình tài chính, nguồn lực, mục tiêu sắp tới và khả năng trong đề án để tham gia xử lý trên tinh thần tích cực.

Về lâu dài, các bên liên quan sớm bàn bạc để thống nhất trình phương án cơ cấu VTM. Nếu thực hiện phương án tiếp tục duy trì hoạt động thì phải đảm bảo hoạt động có hiệu quả và thực hiện theo quy định pháp luật của Việt Nam về khai thác khoáng sản, quản lý đầu tư kinh doanh. Nếu các bên không thống nhất được thì phải chấp nhận xử lý theo quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung phối hợp với các bên sớm xây dựng đề án để trình Bộ Chính trị vào tháng 10 tới.

THỐNG NHẤT PHƯƠNG ÁN TÁI CƠ CẤU DỰ ÁN DAP-2 LÀO CAI

Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân bón DAP-2 Lào Cai, báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho thấy, 6 tháng đầu năm, nhà máy đạt doanh thu 1.521 tỷ đồng, lợi nhuận 75 tỷ đồng, trả nợ các ngân hàng được 130 tỷ đồng.

Phía Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đề xuất 4 phương án xử lý, tái cơ cấu. Phương án 1 là tái cơ cấu nợ vay đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và ngân hàng thương mại. Phương án 2, đấu giá cổ phần của Tập đoàn tại Công ty. Phương án 3, bổ sung vốn điều lệ cho Công ty cổ phần DAP-2 thông qua việc chuyển vốn vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam thành vốn góp. Phương án 4 là phá sản doanh nghiệp.

Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP-2 Lào Cai.
Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP-2 Lào Cai.

Tại cuộc họp, ý kiến từ các Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và đơn vị tài trợ đồng tình với việc lựa chọn phương án tái cơ cấu dự án (Phương án 1) nhưng cần phải gia cố, rà lại, phân tích sâu thêm phương án này để đủ cơ sở, trình cấp có thẩm quyền quyết định, trên cơ sở đảm bảo ngân sách không phát sinh, hài hòa lợi ích hai bên: Doanh nghiệp và ngân hàng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, dự án DAP-2 Lào Cai là dự án trọng điểm, cần được quan tâm hỗ trợ, khắc phục các khó khăn hiện nay. Các cơ quan, bộ, ngành đều có thiện chí hỗ trợ dự án, cần dựa vào điều kiện thực tế và quy định hiện hành để có giải pháp xử lý phù hợp. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải làm việc cụ thể với nhà tài trợ, đưa ra phương án tháo gỡ.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, cho rằng cả 4 phương án chưa có đề xuất chặt chẽ, phần thỏa thuận chưa rõ, chứng tỏ các điều kiện đưa ra chưa đủ tính khả thi. Cần nghiên cứu tiếp thu ý kiến để hoàn thiện đề án với các nội dung phù hợp, bỏ bớt phương án.

Thống nhất tinh thần thực hiện phương án 1 là tái cơ cấu nợ vay đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và ngân hàng thương mại, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, giải pháp đưa ra phải thống nhất với các ngân hàng, đồng thời đề nghị Vinachem nghiên cứu tiếp thu các ý kiến, bàn thảo, thống nhất các giải pháp với các ngân hàng thương mại để hoàn thiện đề án tái cơ cấu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Về lâu dài, các bên liên quan sớm bàn bạc thống nhất trình phương án cơ cấu. Nếu thực hiện phương án tiếp tục duy trì hoạt động dự án thì phải đảm bảo hoạt động có hiệu quả và thực hiện theo quy định pháp luật của Việt Nam về khai thác khoáng sản, quản lý đầu tư kinh doanh. Nếu không đạt mục tiêu này, cần có phương án khác xử lý dứt điểm, càng để lâu, càng mất vốn.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tăng cường trách nhiệm, chủ động báo cáo, xử lý công việc theo quy định.