Khánh Hòa: Huyện Cam Lâm sẽ quy hoạch thành đô thị sân bay, hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý chủ trương lập Quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm…
Mục tiêu của việc lập quy hoạch là phát triển huyện Cam Lâm thành đô thị sân bay, hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế. Từ đây sớm đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì tổ chức lập nhiệm vụ và Đồ án quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm song song với việc triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời lưu ý, việc xác định cụ thể phạm vi lập quy hoạch, tính chất, chức năng, quy mô dân số và các chỉ tiêu tương ứng với đô thị mới phải được nghiên cứu tính toán kỹ, căn cứ vào điều kiện tự nhiên, hiện trạng dân số, các tiềm năng phát triển trong quá trình lập nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị mới huyện Cam Lâm theo đúng quy định.
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của huyện Cam Lâm đến năm 2030. Theo đó, huyện có tổng diện tích đất tự nhiên gần 55.000 ha, với đất trồng cây lâu năm và cây hàng năm giảm mạnh lần lượt giảm hơn 1.200 ha và 1.561 ha. Còn đất phi nông nghiệp tăng mạnh từ 6.254 ha lên 11.141 ha (tăng 4.887ha) chiếm 20,35% diện tích huyện Cam Lâm.
Đáng chú ý đến năm 2030, đất thương mại dịch vụ ở huyện Cam Lâm tăng mạnh, từ 623 ha lên 1.815 ha (tăng 1.192 ha); đất ở nông thôn tăng gần 600 ha; đất vui chơi giải trí công cộng tăng hơn 400 ha; đất phát triển hạ tầng cũng tăng gần 1.400 ha trong đó đất giao thông tăng hơn 1.155 ha.
Ngoài ra, qua tìm hiểu, hiện tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Thủ tướng cho chủ trương lập quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm và một phần của TP Cam Ranh. Tỉnh xác định: huyện Cam Lâm sẽ quy hoạch thị trấn Cam Đức, khu vực Bãi Dài và khu vực phía đông đầm Thủy Triều trở thành đô thị du lịch. Mà cụ thể, đô thị Cam Đức là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, khoa học kỹ thuật của huyện; trung tâm du lịch, dịch vụ, thương mại, tiểu thủ công nghiệp phía nam tỉnh Khánh Hòa. Phấn đấu đến năm 2030, thị trấn Cam Đức đạt tiêu chí đô thị loại IV thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Bên cạnh đó còn định hướng huyện Cam Lâm tương lai sẽ phát triển thương mại dịch vụ hiện đại tại khu vực bắc bán đảo Cam Ranh để phục vụ giao dịch, mua sắm và phát triển du lịch; xây dựng chợ đầu mối Cam Hải Tây thành trung tâm mua bán, trao đổi và phát triển luồng hàng; triển khai xây dựng 3 trung tâm thương mại cụm xã là Cam Tân - Cam Hòa, Cam An Nam, Cam Hải Tây.
Liên quan đến việc đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, được biết vào tháng 1/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết này. Đây được xem là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh…
Cụ thể: tỉnh Khánh Hòa sẽ điều chỉnh không gian đô thị hợp lý, gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, miền, địa phương. Trong đó, ngoài huyện Cam Lâm được định hướng phát triển như trên thì TP Nha Trang sẽ là đô thị hạt nhân; TP Cam Ranh là đô thị du lịch – logistics.
Đồng thời, huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp, huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng; huyện Trường Sa là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.