Khánh Hòa muốn đưa Cam Ranh thành thủ phủ du lịch mới của miền Nam
10 tháng năm 2024, tỉnh Khánh Hòa đón 9,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 3,8 triệu lượt, tăng 134% so với cùng kỳ năm ngoái…
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến trong và ngoài khu vực như hiện nay, Khánh Hoà vẫn khẳng định là một trong những lựa chọn hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Minh chứng rõ nhất khi xứ Trầm Hương là 1 trong những tỉnh thành có doanh thu du lịch cao nhất cả nước trong 10 tháng năm 2024 - với hơn 47.000 tỷ đồng.
CHUẨN BỊ CHO MÙA DU LỊCH TẾT
Chuẩn bị cho mùa du lịch Tết 2025, 130 đơn vị lữ hành, nhà cung cấp dịch vụ du lịch đã vừa tham gia chương trình Talk Show "Who Am I" lần thứ 7 do Chi hội Lữ hành Khánh Hòa tổ chức. Theo ông Trần Minh Đức, Chi Hội trưởng Chi hội Lữ hành Khánh Hòa, 20 nhà cung cấp du lịch dịch vụ tại Khánh Hòa và các tỉnh lân cận sẽ giới thiệu đến đông đảo các doanh nghiệp lữ hành cập nhật các sản phẩm du lịch mới, điểm đến mới.
Thời gian nghỉ Tết năm 2025 dài ngày là điều kiện lý tưởng để du khách đến Khánh Hòa trải nghiệm các dịch vụ du lịch sinh thái. Một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng hiện nay của Khánh Hòa là tour "Theo dấu chân bác sĩ Yersin". Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Việt Promotion (Viet Promotion) - đơn vị đang khai thác tour du lịch danh nhân văn hóa từ Nha Trang đến Hòn Bà này, cho biết chỉ cần từ 2 du khách, đơn vị sẵn sàng nhận với mong muốn mang đến cho du khách thêm một sản phẩm du lịch không chỉ là biển đảo mà còn là di sản mà danh nhân để lại.
Mùa xuân Nha Trang cũng là thời gian lý tưởng để du khách cùng du ngoạn Vịnh Nha Trang trên những du thuyền cao cấp do Sealife Group cung cấp. Sở hữu các thương hiệu du thuyền nổi tiếng như Sealife Legend, Sea Octopus, Sea Aroma, và Sea Coral, Sealife Group cung cấp các dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng như câu lạc bộ trên tàu, chèo thuyền kayak, ngắm hoàng hôn trên Vịnh...
Ngoài ra, trong định hướng phát triển lâu dài, tỉnh Khánh Hòa sẽ chú trọng khai thác đa dạng các thị trường khách du lịch quốc tế. Trong đó đặc biệt chú trọng đến các dòng khách chi tiêu cao, có thời gian lưu trú dài ngày. Để đạt được mục tiêu này, du lịch Khánh Hòa sẽ tập trung thu hút du khách quốc tế bằng chất lượng dịch vụ, các sản phẩm mới. Hiện nay, các khu nghỉ dưỡng đang dần được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, chú trọng các sản phẩm du lịch xanh, bảo vệ thiên nhiên và ứng dụng công nghệ số.
Theo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa có 80% các điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch được dán nhãn xanh. 80% cơ sở kinh doanh du lịch phát sinh nước thải từ 10m3/ngày trở lên có công trình, thiết bị, hệ thống xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường. 80% cơ sở kinh doanh du lịch cam kết không sử dụng sản phẩm nhựa một lần, túi ni lông khó phân hủy. 95% cơ sở kinh doanh du lịch đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo. 4 tuyến điểm du lịch kết nối các khu/điểm đến du lịch xanh trong toàn tỉnh; 4 sản phẩm du lịch xanh được đưa vào khai thác tại mỗi khu/điểm du lịch.
HƯỞNG LỢI TỪ CƠ SỞ HẠ TẦNG
Là cửa ngõ đón hơn 80% khách quốc tế đến Việt Nam, hạ tầng hàng không hoàn thiện đã giúp du lịch Khánh Hòa phát triển mạnh mẽ. Sân bay quốc tế Cam Ranh, một trong bốn sân bay hiện đại nhất Việt Nam, tọa lạc ngay tại Khánh Hòa. Hiện nay, sân bay này đã hợp tác với 22 hãng hàng không, kết nối 50 tuyến bay, phục vụ khoảng 300.000 chuyến bay, đón gần 60 triệu lượt hành khách và vận chuyển 145.000 tấn hàng hóa.
Việc mở rộng sân bay quốc tế Cam Ranh là chiến lược quan trọng, tạo động lực để Khánh Hòa khai thác tối đa tiềm năng du lịch, trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Song song với đó, tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây - Khánh Hòa đã hoàn thiện, giúp việc kết nối giữa sân bay Long Thành và Khánh Hòa càng dễ dàng, tạo động lực thúc đẩy du lịch của tỉnh.
Hiện mỗi ngày có gần 35 chuyến bay từ các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Kazakhstan, Thái Lan và Malaysia đến sân bay Cam Ranh, tạo cơ sở vững chắc để ngành du lịch tỉnh đạt các mục tiêu tăng trưởng. Để thu hút thêm khách quốc tế, Khánh Hòa đang tích cực hợp tác với các quốc gia để mở rộng các đường bay thẳng đến Cam Ranh. Dự kiến đầu năm 2025, Khánh Hòa sẽ có đường bay trực tiếp từ Ba Lan đến sân bay Cam Ranh và đang tiếp tục xúc tiến mở thêm các đường bay thẳng khác.
Các chuyên gia nhận định, không chỉ đường hàng không, đà phát triển vượt bậc của Khánh Hòa còn đến từ 3 lợi thế sẵn có khác là đường thủy, đường sắt, đường bộ. Sau khi cao tốc TP.HCM - Khánh Hòa thông xe, thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Khánh Hòa chỉ còn hơn 4 giờ. Cùng với đó, cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa dự kiến đi vào hoạt động năm 2026, rút ngắn thời gian di chuyển còn 1,5 giờ, cao tốc Lâm Đồng - Khánh Hòa được triển khai giai đoạn 2024 - 2028 nhằm giảm thời gian di chuyển xuống dưới 2 giờ…
Nhờ đó, không chỉ Nha Trang mà TP. Cam Ranh cũng được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Hiện nhiều thương hiệu quản lý và vận hành khách sạn, khu nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới đã chọn Cam Ranh làm điểm đến, góp phần phát triển nơi đây thành trung tâm nghỉ dưỡng quốc tế. Theo ghi nhận thực tế, hiện tại Cam Ranh đã có 16 khu nghỉ dưỡng 4 - 5 sao đi vào hoạt động, trở thành điểm đến yêu thích của du khách quốc tế.
Cuối tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đang lấy ý kiến cộng đồng về Dự thảo Đề án Phát triển du lịch thành phố Cam Ranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với mục tiêu cụ thể, năm 2025 du lịch Cam Ranh sẽ đón khoảng 300.000 lượt khách du lịch, trong đó, khách quốc tế khoảng 90.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng trên 300 tỷ đồng.
Đến năm 2030, du lịch Cam Ranh đón khoảng 438.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đón khoảng 132.000 lượt khách. Cơ sở lưu trú: dự báo cần khoảng 3.500 buồng lưu trú (trong đó khoảng 50% đạt tiêu chuẩn 4,5 sao). Tầm nhìn đến năm 2045, Cam Ranh thực sự trở thành đô thị du lịch thông minh, điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu của khu vực duyên hải Nam Trung bộ của Việt Nam; là trung tâm kết nối, phát triển du lịch liên vùng, kinh tế liên vùng; có thương hiệu trong bản đồ du lịch khu vực và quốc tế.
Để thực hiện Đề án, địa phương dự trù đến năm 2030 cần khoảng 2.750 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí từ ngân sách khoảng 12 tỷ đồng và khoảng 2.734 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Đáng chú ý, Cam Ranh sẽ triển khai dự án Tổ hợp trung tâm thương mại dịch vụ du lịch quốc tế Cam Ranh (2.000 tỷ đồng); đầu tư khai thác du lịch sinh thái văn hóa – tâm linh gắn với bảo tồn thiên nhiên Núi Hòn Rồng (200 tỷ đồng); Đầu tư khai thác khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khoẻ dành cho người cao tuổi (500 tỷ đồng)...