19:11 07/11/2022

“Khát” nhiên liệu, doanh nghiệp vận tải điêu đứng

Anh Nhi

Sau đợt lao đao vì Covid-19 và đà leo thang giá xăng dầu, các doanh nghiệp vận tải tiếp tục “điêu đứng” vì phải đối mặt với những khó khăn mới do tình trạng khan hiếm nhiên liệu…

Ô tô xếp hàng dài chờ mua xăng.
Ô tô xếp hàng dài chờ mua xăng.

Tình trạng xăng dầu khan hiếm những ngày qua đang khiến các công ty vận tải “điêu đứng”. “Giờ chúng tôi chỉ biết hy vọng các đầu mối xăng dầu cung cấp đủ hàng để doanh nghiệp có thể vận hành như trước kia”, ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta bày tỏ.

“VÒNG” QUA ĐỊA PHƯƠNG KHÁC “SĂN LÙNG” DẦU

Ông Nghĩa cho biết với hơn 200 đầu xe đang hoạt động trên các tuyến vận tải đường dài, hàng tháng, Delta phải trả hơn 4 tỷ đồng tiền dầu để có đủ nhiên liệu vận hành.

“Dù là đối tác lớn của nhiều doanh nghiệp xăng dầu, nhưng vài ngày gần đây, họ cũng không có hàng để cung cấp cho chúng tôi. Do vậy, các lái xe buộc phải “vòng” qua địa phương khác để “săn lùng” dầu”, ông Nghĩa nói.

Dù trước mắt, nguồn cung xăng dầu của doanh nghiệp “tạm ổn” nhưng theo ông Nghĩa, khó khăn mới lại nảy sinh. Đó là chi phí bị đội lên do phải đi vòng để mua dầu và các thủ tục hóa đơn, chứng từ mới gây lằng nhằng cho cánh lái xe.

Tương tự, theo chia sẻ của một doanh nghiệp vận tải chuyên tuyến Hải Phòng – Hà Nội – Thanh Hóa – Nghệ An, với nguồn cung hạn chế như hiện nay, các xe chỉ mua được 100 lít/lần. Mức này chỉ đủ nhiên liệu cho tuyến gần trong khi để đi tuyến xa, các lái xe phải dừng mua dầu nhiều lần và gây nên cảnh tắc nghẽn ở một số cây xăng.

“Việc phải dừng lại nhiều lần và chờ đợi tới lượt mua không chỉ làm tăng thời gian vận chuyển hàng hóa mà còn ảnh hưởng tới tâm lý lái xe”, doanh nghiệp cho biết.

Hơn nữa, theo doanh nghiệp này, trước kia thời gian thanh toán công nợ thường diễn ra từ 30-40 ngày sau ngày mua hàng thì nay doanh nghiệp phải trả ngay cho các đối tác xăng dầu. Cùng với đó, chi phí mua 01 téc dầu cũng tăng lên đáng kể, khoảng vài nghìn đồng/lít.

Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta.
Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta.

“Nói chi phí mua téc dầu tăng thêm là do cộng thêm chi phí vận chuyển nhưng thực chất là do khan hiếm nguồn cung nên doanh nghiệp xăng dầu tăng giá”, đại diện doanh nghiệp vận tải chia sẻ.

Dù không quá thiếu hụt nguồn cung như một số doanh nghiệp vải tải khác do có cây xăng nội bộ và có mối quan hệ hợp tác với đầu mối xăng dầu lớn song ông Lê Huy Phương, Giám đốc Công ty TNHH Logistics XNK cũng lo lắng về tình hình khan hiếm xăng dầu hiện nay.

“Nếu sắp tới tình hình không được cải thiện, các doanh nghiệp sẽ rất khó hoạt động. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động của bản thân doanh nghiệp vận tải mà còn có nguy cơ đứt gãy chuỗi vận tải hàng hóa, làm đình trệ sản xuất”, ông Phương nhấn mạnh.

CẦN GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC NHANH CHÓNG

Do vậy, ông Phương đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có chính sách phù hợp, đảm bảo nguồn cung, tránh nguy cơ rối loạn thị trường vận tải vô cùng nghiêm trọng.

“Cầu thị trường xăng dầu đang rất lớn nhưng tại sao các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lại không có lượng để cung cấp ra thị trường? Đây là câu hỏi mà cơ quan quản lý cần phải giải quyết để sớm bình ổn thị trường”, ông Phương khuyến nghị.

Cùng quan điểm, đại diện Delta cũng kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước nhanh chóng đưa ra giải pháp để doanh nghiệp vận tải an tâm hoạt động. Đặc biệt, sau giai đoạn “điêu đứng” vì đà leo thang của giá xăng dầu đợt trước, sức chống chịu của doanh nghiệp sẽ tiếp tục bị “bào mòn” bởi những khó khăn do khan hiếm nguồn cung hiện nay.

“Sau hơn 2 năm chống chịu với Covid-19, đà leo thang giá xăng dầu, doanh nghiệp giờ đây phải chịu thêm áp lực từ khan hiếm nguồn cung và lãi suất gia tăng. Nếu không có giải pháp kịp thời, các doanh nghiệp vận tải sẽ không thể chống đỡ tiếp”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

 

Ngày 7/11, Bộ Công thương đã gửi văn bản "cầu cứu" các bộ Tài chính, Giao thông Vận tải, Công An, Uỷ ban nhân dân các tỉnh; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) góp sức đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường nội địa.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giải quyết cụ thể đối với từng doanh nghiệp đang khó khăn trong việc tiếp cận vốn bảo lãnh và thanh khoản.

Liên quan đến vấn đề chiết khấu, định mức lợi nhuận, chiều ngày 04/11/2022, Bộ Tài chính đã chính thức có dự kiến phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để lấy ý kiến của Bộ Công Thương. Ngay trong chiều 04/11, Bộ Công Thương đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính. Nếu không có gì thay đổi lớn thì trong kỳ điều hành ngày 11/11 thì những chi phí phát sinh sẽ được cập nhật để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.