11:42 30/10/2023

Khi bánh mì và cơm nắm xuất hiện trên sàn diễn xa xỉ

Băng Sơn

Holiday/Resort/Cruise đều là những danh từ nhắc đến những kỳ nghỉ. Đây cũng là các từ chỉ những bộ sưu tập ra mắt cuối tháng 10 hàng năm. Thời trang phản ánh văn hóa, và đã có không ít giám đốc sáng tạo đem văn hóa ẩm thực vào ngôn ngữ thiết kế của nhà mốt...

Ảnh: Fashionista
Ảnh: Fashionista

Năm 1997, Silvia Venturini, cháu gái của người sáng lập nên nhà mốt Fendi - bậc thầy về da và lông thú, đã tạo ra chiếc túi cắp nách Baguette trứ danh mà bất kỳ tín đồ thời trang nào cũng biết. Mẫu túi này gắn liền với câu nói nổi tiếng của Sarah Jessica Parker trong series Sex And The City: "Đây không phải là một chiếc túi - nó là một chiếc bánh mì".

Hình ảnh và phong cách linh hoạt, lịch lãm mà không kém phần sang trọng của người dân Paris, bước trên đường phố cùng một chiếc bánh mì dài mới nướng, luôn để lại một ân tượng khó phai trong Venturini. Vì thế, bà đã quyết định tạo ra một chiếc túi thời trang có kiểu dáng tương tự như một ổ bánh mì, phù hợp với hình dạng và kích thước của nó. Khi đó, ắt hẳn bà cũng không nghĩ rằng một thiết kế lấy cảm hứng từ ổ bánh mì Pháp lại có thể khiến thương hiệu Ý thành công rực rỡ như vậy.

Khi bánh mì Baguette là một biểu tượng trong văn hóa Pháp, được UNESCO chính thức công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia vào năm ngoái, Silvia Venturini – giám đốc sáng tạo dòng phụ kiện cho thời trang menswear ở Fendi, đã một lần nữa quyết định tái tạo lại sáng tạo mang tính biểu tượng của mình sau hơn một phần tư thế kỷ được “ra lò”.

Mẫu túi Baguette dành cho nam giới làm bằng lông cừu của Fendi trong mùa Thu - Đông 2023
Mẫu túi Baguette dành cho nam giới làm bằng lông cừu của Fendi trong mùa Thu - Đông 2023

Trong buổi trình diễn thời trang Fendi dành cho nam giới Thu -  Đông 2023 diễn ra đầu năm nay, nhà mốt đã diễn giải lại hình ảnh chiếc bánh mì Baguette nổi tiếng của Pháp theo một cách khác, lần này được làm bằng lông cừu. Khác biệt hoàn toàn với nguyên bản 1997, chiếc túi “bánh mì” Baguette mới của Fendi được chế tác có dáng giống hệt với chiếc bánh mì Baguette trong lò nướng theo đúng nghĩa đen. Ổ bánh mì Baguette được Venturini đặt để một cách hóm hỉnh và đầy chân thật khi được nhét trong chiếc túi cầm tay, để trong túi tote hoặc được đeo sau lưng như một chiếc dù.

Thời trang vốn luôn phức tạp, nhưng các kiểu dáng trang phục thì không nhất thiết phải như vậy. Định hướng của Silvia Fendi là tinh thần thoải mái và vui tươi như bà đã bày tỏ trong buổi trình diễn: “Tôi đã nghĩ về việc có một khoảng thời gian vui vẻ để cảm thấy thật tuyệt vời với thời trang, vào cả ban ngày lẫn ban đêm”.

Ẩm thực và thời trang vốn dĩ là những phạm trù khác biệt nhau hoàn toàn, song hai vũ trụ đối lập này cũng đã gặp gỡ rất nhiều lần. Sau bánh quy, có thêm sự xuất hiện của bánh mì, được tạo ra từ nhiều nhà mốt khác nhau khiến thời trang trở nên vui nhộn và hài hước hơn. Làng mốt cũng xuất hiện thêm nhiều “lò nướng” bánh Baguette hơn. Chiếc túi mang hình đồ ăn giờ đây không chỉ được tìm thấy ở Fendi mà còn xuất hiện tại nhiều thương hiệu thời trang khác, với cách mô phỏng độc đáo hơn gấp bội.

Nhà thiết kế người Pháp Amélie Pichard đã cho ra mắt túi Michard vào năm 2019. Đó là một chiếc túi cầm tay, có hình dáng giống như bánh mì dài của Pháp, được làm bằng gỗ keo và có thể đeo trên vai nhờ dây xích kim loại vàng. Trong show diễn giới thiệu bộ sưu tập Thu - Đông 2020, Moschino cũng từng khiến làng mốt thích thú với chiếc túi clutch dài và có hình dáng giống hệt một chiếc bánh mì Baguette vừa được lấy ra từ lò nướng chỉ có điều nó có mức giá gấp 800 lần ổ bánh thực.

Khi bánh mì và cơm nắm xuất hiện trên sàn diễn xa xỉ - Ảnh 1
Khi bánh mì và cơm nắm xuất hiện trên sàn diễn xa xỉ - Ảnh 2
 
Khi bánh mì và cơm nắm xuất hiện trên sàn diễn xa xỉ - Ảnh 3
Khi bánh mì và cơm nắm xuất hiện trên sàn diễn xa xỉ - Ảnh 4
 
Khi bánh mì và cơm nắm xuất hiện trên sàn diễn xa xỉ - Ảnh 5
Khi bánh mì và cơm nắm xuất hiện trên sàn diễn xa xỉ - Ảnh 6
 

Gần đây, thế giới thời trang cũng được khuấy động bởi chiếc túi Baguette được diễn giải mang đậm chất Punk, bước ra từ thương hiệu vốn nổi tiếng vì các món phụ kiện “điên rồ” Dauphinette. Trên tài khoản Instagram chính thức của thương hiệu, Dauphinette đã khiến khách hàng của mình đứng ngồi không yên với loạt phiên bản bất ngờ của túi Baguette được bao phủ bởi lớp đá và hạt charm đính kết tỉ mỉ, sau đó là đinh tán và cả gắn thêm một chiếc ví nhỏ phía sau.

Giống như 25 năm trước, khi Fendi đã biến bánh mì Baguette trở thành một ký tự quan trọng trong ngôn ngữ thiết kế của nhà mốt, giờ đây, bàn tiệc thời trang của nhà mốt xa xỉ này đã tìm cảm hứng ở châu Á. Đối với người Nhật, khi nói đến các kỳ nghỉ, onigiri - cơm nắm là thứ họ nghĩ tới đầu tiên. Tên gọi onigiri bắt đầu từ thời kỳ Nara, khi người ta mang những nắm cơm này trong các chuyến đi chơi dã ngoại. Cho tới tận hôm nay, onigiri vẫn là một thành tố không thể thiếu bóng trong giỏ đồ của người Nhật trong những chuyến “xê dịch”, dã ngoại, ngắm cảnh xa gần.

Khi bánh mì và cơm nắm xuất hiện trên sàn diễn xa xỉ - Ảnh 7
Khi bánh mì và cơm nắm xuất hiện trên sàn diễn xa xỉ - Ảnh 8
 
Khi bánh mì và cơm nắm xuất hiện trên sàn diễn xa xỉ - Ảnh 9
Khi bánh mì và cơm nắm xuất hiện trên sàn diễn xa xỉ - Ảnh 10
 

Trong khi đó, mẫu túi xách “cơm nắm” của Fendi có hai phiên bản túi đeo chéo và ví đựng chìa khoá dễ dàng gắn theo túi du lịch loại lớn. Đối với người Nhật, cơm hay gạo trắng là một trong những nguyên liệu rất quý giá. Đối với Fendi, nhãn hàng cũng đã lựa chọn những chất liệu da cừu quý giá, cao cấp để tạo thành những sản phẩm túi “cơm nắm” 2023.

Cũng như Kimchi của Hàn Quốc, Onigiri là biểu trưng cho tình mẹ, là mối liên kết bền chặt với những người phụ nữ trong gia đình, cũng là thứ thể hiện sức quyến rũ, sự khéo léo của những món đồ được làm thủ công trực tiếp từ những đôi tay Fendi đã gợi câu chuyện về những người phụ nữ đấy truyền cảm.

Đương nhiên, mức giá của túi “cơm nắm” không dễ để so sánh với món cơm nắm trong đời thực. Người tiêu dùng phải trả 590 euro cho một chiếc ví size bé nhất, theo website của thương hiệu Fendi.