15:32 23/06/2008

Khi hàng hiệu “made in châu Á”

Kiều Oanh

Nhiều khách hàng thường không thấy thoải mái khi thấy mác đề “made in China” trên một chiếc váy giá 1.000 USD

Một cửa hàng đồ hiệu ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
Một cửa hàng đồ hiệu ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
Cách đây một năm, khi cửa hàng Armani đầu tiên mở cửa tại Trung Quốc, một khách hàng giận dữ bước vào và ném lên mặt quầy thanh toán hai chiếc áo sơ mi hiệu Armani.

Vị khách hàng đó muốn biết tại sao chiếc áo mà ông mua tại cửa hiệu này được gắn mác “made in China”, trong khi chiếc áo kia, có giá rẻ hơn lại được gắn mác “made in Italy”. Dĩ nhiên, chiếc áo thứ hai là hàng giả. Sự thật là áo sơ mi hiệu Armani không còn được sản xuất tại Italy nữa.

Ưu thế hàng “made in China”

Hiện nay, nhiều tín đồ thời trang đôi khi vẫn không rõ đâu là hàng thật, đâu là hàng giả, và liệu xuất xứ của một sản phẩm thời trang có nói lên điều gì về chất lượng của sản phẩm đó hay không.

Trong nhiều trường hợp, nhãn hiệu “made in Italy” không đảm bảo rằng một chiếc túi hay một đôi giày được sản xuất thủ công bởi các nghệ nhân ở Italy. Thay vào đó, chiếc túi có thể được sản xuất bởi những công nhân bất hợp pháp tại một nhà máy ở Ấn Độ, và đôi giày có thể được làm từ đế nhựa và da nhập khẩu từ Trung Quốc. Và “nguồn gốc châu Á” vẫn được coi là một điều “cấm kỵ” trong thế giới hàng xa xỉ, nơi hình ảnh chiếm vị trí hàng đầu.

Đương đầu với thực tế khách hàng lo ngại về chất lượng sản phẩm, các tiêu chuẩn môi trường và điều kiện làm việc ở châu Á, nhiều hãng sản xuất hàng cao cấp châu Âu luôn lên tiếng “thề thốt” rằng nhà máy của họ được đặt ở một nơi gần “mẫu quốc”.

Nhưng một số hãng sản xuất khác vẫn có bước tiến ngược lại, lên tiếng khẳng định việc đặt cơ sở sản xuất ở những vị trí mới thực sự có thể làm tăng chất lượng và tính sáng tạo của sản phẩm.

“Chẳng có lý do gì mà chúng tôi không thể sản xuất ra những sản phẩm chất lượng tốt tại bất kỳ nơi nào trên thế giới. Chỉ cần chúng tôi có thợ lành nghề và chú trọng vấn đề chất lượng”, Phó giám đốc điều hành của Giorgio Armani, ông John Hooks, nói. Ông Hook tỏ ra rất thích thú với những cơ hội mà việc đặt cơ sở sản xuất khắp nơi trên thế giới đem lại.

Ông cho biết, chi phí sản xuất lao động thấp ở châu Á cho phép các nhà thiết kế sử dụng các loại chất liệu và kỹ thuật đắt tiền hơn, do đó sản phẩm cuối cùng có thể thậm chí còn tinh xảo và có chất lượng tuyệt vời hơn so với sản xuất ở những nước có chi phí sản xuất cao.

“Mặt tiêu cực của việc khách cứ bị ám ảnh bởi những sản phẩm làm ở Italy hay ở Pháp là chính họ sẽ bị thiệt. Quan điểm “nô lệ” đối với những sản phẩm dán mác “made in Italy” khiến họ phải trả những mức giá cực đắt cho những sản phẩm này”, ông nói.

Ông Hook cho rằng, sản xuất ở châu Phi hoặc châu Á có thể được coi là một lợi thế. Như Armani chẳng hạn, hãng đang xem xét việc sản xuất dòng sản phẩm thương hiệu Emporio Armani RED tại một vài nước châu Phi. Đây là một phần trong chiến dịch nhằm gây quỹ cho bệnh nhân AIDS của hãng.

Với truyền thống lâu đời trong việc sản xuất hàng tơ lụa và hàng thêu, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước châu Á khác về mặt lý thuyết có thể là những địa điểm lý tưởng để sản xuất các mặt hàng thời trang và phụ kiện cao cấp.

Nhật Bản là một ví dụ. Nước này đã “qua mặt” châu Âu trong việc sản xuất một số mặt hàng phụ kiện thời trang và hàng dệt, trong đó đặc biệt là vải denim cao cấp. Hãng sản xuất hàng thời trang cấp cao Luxottica, nhà sản xuất các thương hiệu Prada và kính Chanel, có một nhà máy tại Nhật Bản chuyên sản xuất những chiếc kính gọng vàng độc đáo dành riêng cho thị trường quý tộc Nhật.

“Made in Italy” có thật là “xịn”?

Tuy nhiên, nhiều khách hàng thường không thấy thoải mái khi thấy mác đề “made in China” trên một chiếc váy giá 1.000 USD. Người tiêu dùng châu Á đặc biệt chú trọng chuyện nhãn mác và coi hàng cao cấp của Pháp và Italy là biểu tượng quan trọng cho thấy địa vị của họ. Và cách nhìn này của họ càng có tác động nhiều hơn đến các hãng sản xuất hàng hiệu khi mà tốc độ tăng trưởng của các thị trường lâu năm đang chậm lại.

“Tại những phân khúc thị trường nhất định ở châu Á, chúng tôi không thể đưa ra một sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc hoặc một nước châu Á khác”, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Patrizio di Marco của hãng Bottega Veneta cho biết. Ông nói: “Khách hàng ở đây rất đề cao xuất xứ sản phẩm”.

Các chuyên gia trong lĩnh vực thời trang cao cấp cho rằng, thái độ quan tâm đến xuất xứ này có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia khác nhau. Chẳng hạn, các khách hàng Mỹ ít quan tâm hơn đến việc quần áo của họ mặc được sản xuất ở đâu. “Vấn đề chính là liệu có nên đánh liều với giá trị thương hiệu để mà thu được vài ích lợi trong việc sản xuất hàng. Tôi cho rằng câu trả lời ở đây là không. Do đó, chúng tôi sẽ không sản xuất hàng ở châu Á”, ông di Marco cho biết.

Giá sản phẩm càng đắt, khách hàng càng “kén cá chọn canh” hơn. Một chiếc túi da hiệu Bottega Veneta rẻ nhất ở Tokyo cũng có giá tới 1.857 USD, và chiếc túi này được sản xuất thủ công ở miền nam Italy. Dòng sản phẩm siêu sang của Armani với thương hiệu Giorgio Armani được sản xuất riêng biệt tại Italy.

Còn đối với những sản phẩm ít cao cấp hơn, người tiêu dùng ít chú trọng hơn đến vấn đề xuất xứ. Tại một cửa hàng phía sau cửa hiệu sang trong của Bottega Veneta ở khu vực trung tâm Tokyo, nhiều phụ nữ Nhật bản đang thử những chiếc váy lụa của Diane von Furstenberg với giá khoảng 557 USD/chiếc. Không ai trong số những khách hàng này để ý đến chiếc mác đề “Made in China” của những sản phẩm này.

Khách hàng cũng ngày càng nhận thức rõ rằng, quy trình sản xuất một sản phẩm dệt may phức tạp hơn nhiều so với những gì đề trên mác sản phẩm. Thị trấn Prato của vùng Tuscany, Italy là trung tâm thủ đô thời trang của châu Âu. Nơi đây tập trung vô số những thợ thủ công lành nghề lương cao, những công nhân nhập cư lương thấp, và cả người bán hàng rong những sản phẩm túi xách nhái hàng thiết kế.

Năm 2007, cảnh sát thuế ở Prato bắt giữ hơn 8 triệu sản phẩm nhái, bao gồm túi xách, hàng dệt may hiệu Gucci. Đây đều là hàng sản xuất ở châu Á hay tại những nhà máy “ngầm” ở Italy. Thậm chí, tháng 12 năm ngoái, một đài truyền hình ở Italy đã phát đi hình ảnh những nhà máy ở Tuscan nơi các công nhân người Trung Quốc ăn ngủ và sản xuất quần áo, giày dép với mức giá thấp. Những nhà máy này là nhà máy của các hãng gia công cho một số thương hiệu thời trang lớn.

(Theo New York Times)