15:13 10/08/2011

Khi Nokia xin được là doanh nghiệp “công nghệ cao”

Anh Minh

Nokia vừa đề xuất được hưởng các ưu đãi dành cho doanh nghiệp công nghệ cao đối với dự án đầu tư tại Bắc Ninh

Chính phủ đã có ý kiến chính thức là muốn Nokia tiến hành xây dựng nhà máy và sản xuất ra sản phẩm trước. Sau đó, khi nào doanh nghiệp đủ điều kiện công nghệ cao, thì sẽ đăng ký để cấp ưu đãi.
Chính phủ đã có ý kiến chính thức là muốn Nokia tiến hành xây dựng nhà máy và sản xuất ra sản phẩm trước. Sau đó, khi nào doanh nghiệp đủ điều kiện công nghệ cao, thì sẽ đăng ký để cấp ưu đãi.
Tập đoàn Nokia mới đây đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất được hưởng các ưu đãi dành cho doanh nghiệp công nghệ cao đối với dự án mà họ dự tính triển khai tại tỉnh này.

Động thái này diễn ra sau khi Chính phủ có thông báo chỉ dành những ưu đãi cho Nokia như là một doanh nghiệp chế xuất nếu đầu tư vào Bắc Ninh.

Văn bản nói trên của Nokia tiếp tục đề xuất việc hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp dành cho doanh nghiệp công nghệ cao là 10% trong 15 năm đầu hoạt động, trong đó miễn trong 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo (tức còn 5%).

Nhà đầu tư này cũng nhấn mạnh là nếu các quy định hiện hành của Việt Nam chưa “công nhận” dự án sắp tới của Nokia là “công nghệ cao”, thì họ sẽ xin gia hạn 3 năm để có thể đáp ứng các tiêu chí “công nghệ cao”; nếu sau 3 năm không đáp ứng được thì sẽ xin nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như doanh nghiệp FDI bình thường.

Nokia cũng đề xuất được hưởng quy chế “doanh nghiệp ưu tiên” về hải quan cho dự án của mình, theo đó sẽ được thực hiện thủ tục hải quan 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần theo các quy định hiện hành.

Ngay sau khi Nokia có văn bản gửi Bắc Ninh, tỉnh này cũng đã có báo cáo về vấn đề này gửi Chính phủ, theo đó ủng hộ hoàn toàn đề xuất của nhà đầu tư và nhấn mạnh rằng dự án này rất quan trọng đối với tỉnh.

Hồi đầu năm nay, Nokia đã công bố kế hoạch đầu tư dự án sản xuất điện thoại tại Bắc Ninh, theo đó sẽ đầu tư 200 triệu Euro để xây dựng một nhà máy rộng 80.000 m2 tại khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh.

Tuy nhiên, trong khi Nokia muốn được ưu đãi như một doanh nghiệp “công nghệ cao”, Chính phủ đã có ý kiến chính thức là muốn Nokia tiến hành xây dựng nhà máy và sản xuất ra sản phẩm trước. Sau đó, khi nào doanh nghiệp đủ điều kiện công nghệ cao, thì sẽ đăng ký để cấp ưu đãi.

Đáng nói là sau khi Chính phủ có ý kiến chính thức, Nokia hầu như chưa có động thái gì cụ thể trong việc hoàn tất các thủ tục cần thiết cho dự án, mặc dù tỉnh Bắc Ninh đã sẵn sàng cho việc cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Và với việc tiếp tục đề xuất được hưởng ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ cao, có vẻ Nokia vẫn đang muốn tiếp tục “mặc cả” với Chính phủ trước khi quyết định đầu tư.

Không khó hiểu khi tỉnh Bắc Ninh tỏ ra có thừa quyết tâm và thiện chí trong việc níu kéo nhà đầu tư này.

Nhưng sẽ rất khó hiểu nếu như các tỉnh thành đua nhau xin những ưu đãi mang tính “vượt rào” để lôi kéo nhà đầu tư, liên tiếp tạo ra các tiền lệ và phá vỡ khung ưu đãi chung mà hệ thống pháp luật về đầu tư hiện tại đang áp dụng.

Đàm phán hay chính xác hơn là mặc cả từng ưu đãi đang là xu hướng mà các nhà đầu tư nước ngoài áp dụng khi đề xuất các dự án đầu tư tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Đàm phán là quyền của nhà đầu tư, nhưng rất đáng suy nghĩ khi mà các điều kiện đưa ra đang được sự ủng hộ của những tiền lệ.