09:25 22/04/2008

Khi OPEC từ chối tăng sản lượng

Lê Hường

OPEC vừa từ chối lời kêu gọi từ Anh và Nhật Bản về việc tăng sản lượng dầu mỏ bất chấp giá dầu đang leo lên những đỉnh cao kỷ lục mới

Giá dầu liên tục xác lập những đỉnh cao kỷ lục mới trong tuần qua.
Giá dầu liên tục xác lập những đỉnh cao kỷ lục mới trong tuần qua.
Ngày 20/4, Tổ chức Các nước sản xuất dầu mỏ (OPEC) vừa từ chối lời kêu gọi từ Anh và Nhật Bản về việc tăng sản lượng dầu mỏ bất chấp giá dầu đang leo lên những đỉnh cao kỷ lục mới và cho rằng việc tăng nhu cầu dầu mỏ chỉ là giả tạo.

Giá dầu liên tục xác lập những đỉnh cao kỷ lục mới trong tuần qua. Tuần trước, giá dầu đã tăng tổng cộng 6%, mức tăng tuần cao nhất kể từ tháng 2/2007 và đã tăng 77% so với cách đây một năm. Ngày 20/4, đã có lúc giá dầu chạm đỉnh cao kỷ lục 117 USD/thùng ở New York do tác động từ một vụ tấn công đường ống dẫn dầu ở Nigeria, nước sản xuất dầu lớn nhất châu Phi với sản lượng đứng thứ 12, trữ lượng đứng thứ 10 và là thành viên sáng lập của OPEC.

Giá dầu đã quá cao và đang ảnh hưởng đến các nền kinh tế đang phát triển, Nobuo, giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), phát biểu tại Rome ngày 19/4. Tại đây, ông cũng kêu gọi OPEC cho phép xây dựng những kho chứa nhiên liệu.

Ngày 20/4, trả lời phỏng vấn báo chí tại Rome, trưởng ban dầu và gas tại Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Shin Hosaka nói: “Nhật Bản đề nghị Saudi Arabia hợp tác vì sự ổn định giá. Trước đó, hôm 15/4, Thủ tướng Anh, ông Gordon Brown phát biểu, các nước tiêu thụ dầu mỏ nên tiếp tục gây sức ép để các nhà sản xuất mặt hàng này tăng sản lượng.

Từ năm ngoái đến nay, các nhà đầu tư đã chuyển vốn từ chứng khoán sang hàng hóa, đặc biệt là năng lượng vì lợi nhuận thu được cao hơn hẳn cổ phiếu và trái phiếu. Con số tính toán của Merrill Lynch cho thấy, đầu tư vào dầu kiếm được 22% trong khi chỉ số chứng khoán S&P 500 mất 5,6% và lợi tức từ trái phiếu chính phủ là 12%.

Tại diễn đàn năng lượng tổ chức tại Rome, ngày 20/4, Bộ trưởng dầu mỏ của Kuwait, ông Mohammad al-Olaim phát biểu rằng cung và cầu không phải là những yếu tố gây ra việc tăng giá dầu. Trong bản báo cáo hàng tháng được công bố ngày 15/4, OPEC dự đoán, nhu cầu về dầu sẽ giảm trong quý 2 vì lo ngại về tình trạng chậm lại của nền kinh tế Mỹ và giá xăng tăng.

Các quốc gia vùng Vịnh, đặc biệt là Saudi Arabia nêu quan điểm là “không thích việc giá dầu tăng liên tục”, nhưng không ai đưa ra gợi ý về bất cứ biện pháp nào để làm giá dầu giảm xuống. Về phần mình, Khelil nhận định rằng đồng USD mất giá là thủ phạm chính của việc tăng giá dầu. Khi đồng USD mất giá 1%, giá dầu tăng khoảng 4 USD/thùng và bất cứ sự tăng sản lượng nào đều không ảnh hưởng đến giá, bởi vì có sự cân bằng giữa cung và cầu.

Tổng thư ký OPEC, ông Abdalla el-Badri nhận định rằng: “việc giá dầu tăng cao là do tình trạng đầu cơ chờ giá cao và nếu đưa thêm dầu vào thị trường, tôi tin chắc là điều này sẽ không giải quyết được vấn đề”. Chủ tịch OPEC, khối các nước cung cấp 40% sản lượng dầu mỏ cho cả thế giới, ông Chakib Khelil vừa có chuyến thăm Kuwait và cho biết rằng không cần thiết phải tăng sản lượng dầu mỏ ngay lập tức.

“Hiện nay, chúng ta không việc gì phải đưa thêm dầu ra thị trường, bởi vì nhu cầu về dầu của người tiêu dùng có thể bị điều khiển bởi các lý do chính trị. Năm ngoái chúng ta đã tăng sản lượng dầu mỏ và giá vẫn tiếp tục leo thang”, Ali-al Naimi, Bộ trưởng dầu mỏ của Saudi Arabia nói.

Bức xúc trước phản ứng của OPEC, phó chủ tịch Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) - tổ chức được thành lập trong cuộc khủng hoảng dầu năm 1973-1974 để bảo vệ nhu cầu năng lượng của 27 nước tiêu thụ chính-phát biểu, thật là vô lý khi 12 thành viên trong khối OPEC chốt chặt mức cung về dầu trong 30 năm nữa.

“Tôi nghĩ là giá dầu sẽ tiếp tục tăng” Chukri Ghanem, Bộ trưởng dầu mỏ của Lybia nhận định. Khi những lời kêu gọi OPEC tăng sản lượng dầu mỏ gần như đã bị bỏ qua, giá dầu tiếp tục đà tăng. Ngày 21/4, giá dầu giao tháng 5 tăng 36 cent (0,3%), lên mức kỷ lục 117,05 USD/thùng tại sàn giao dịch kỳ hạn New York.