07:41 27/07/2007

Khó giải bài toán chất lượng lao động Việt Nam

Lĩnh vực thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng nhất là công nghệ thông tin, tài chính, kiểm toán, luật và hầu hết các ngành công nghiệp

Người đi tìm việc đang ghi chép thông tin về nhà tuyển dụng tại một hội chợ việc làm vừa được tổ chức ở Tp.HCM.
Người đi tìm việc đang ghi chép thông tin về nhà tuyển dụng tại một hội chợ việc làm vừa được tổ chức ở Tp.HCM.
Trong các báo cáo chính thức, Việt Nam vẫn luôn khẳng định mình là một quốc gia có nguồn nhân lực dồi dào, có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trên thực tế chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đang là một bài toán khó giải.

Thiếu lao động trình độ cao

Tính đến cuối năm 2006, Việt Nam có tổng cộng 45,3 triệu lao động, trong đó ba phần tư là lao động ở nông thôn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đại Đồng, Vụ trưởng Vụ Lao động và việc làm thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sau nhiều năm phát triển, thị trường lao động Việt Nam vẫn “chưa tương xứng với yêu cầu về nguồn lao động cho thị trường”.

Theo ông Đồng, hiện mới chỉ có 32% số lao động là đã qua đào tạo và tỷ lệ lao động đã có chứng chỉ đào tạo ngắn hạn là 14,4%. Báo cáo về tình hình thị trường lao động Việt Nam do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội soạn thảo đã khẳng định: “Việt Nam thiếu trầm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp trong các ngành tài chính, ngân hàng, du lịch, bán hàng... nên nhiều nghề và công việc phải thuê lao động nước ngoài trong khi lao động xuất khẩu đa phần có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp hoặc mới chỉ qua giáo dục định hướng”.

Trong khi đó, nhu cầu lao động đang có xu hướng tăng cả về số lượng và chất lượng, chủ yếu do nền kinh tế tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây, đặc biệt là số doanh nghiệp mới thành lập ngày càng nhiều.

Chất lượng lao động cũng đã trở thành chủ đề nóng tại nhiều diễn đàn. Tại hội nghị tổng kết của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hồi đầu năm nay, trước thông tin Thái Lan dự báo trong vòng 8-10 năm nữa sẽ đưa lao động sang Việt Nam làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng đã bày tỏ sự lo ngại khi nói rằng lao động Việt Nam có thể sẽ thua ngay trên sân nhà.

“Chúng ta có thể sẽ phải xuất khẩu lao động phổ thông và nhập khẩu lao động có tay nghề, thu nhập cao, tức là bỏ qua chính thị trường tiềm năng của mình”, bà Hằng nói.

Chất lượng lao động thấp cũng kéo theo nhiều khó khăn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Mặt khác, chất lượng lao động thấp cũng khiến cho tiền lương đối với nhóm nhân công cao cấp có xu hướng tăng vọt trong thời gian gần đây do nhà tuyển dụng không có nhiều sự lựa chọn.

Điều tra chi phí đầu tư hàng năm của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố cuối tháng 5 vừa qua cho thấy lương của cán bộ bậc trung trở lên đang tăng đột biến, đặc biệt là ở Tp.HCM.

“Trong khi mức tăng lương trung bình đối với cán bộ bậc trung trở lên ở các nước khác là 7% thì tại Việt Nam mức tăng là 40%. Đây có thể coi là một trong những yếu tố kém cạnh tranh nhất của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài”, báo cáo của JETRO viết.

Theo đánh giá của một số chuyên gia về lao động, lĩnh vực thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng nhất là công nghệ thông tin, tài chính, kiểm toán, luật và hầu hết các ngành công nghiệp. Ngoài ra, nhiều người lao động chưa có trình độ ngoại ngữ đủ để làm việc, dù rằng trên thực tế tình trạng này đang được cải thiện nhờ ngày càng có nhiều người nước ngoài đến Việt Nam cũng như một số người Việt được đào tạo ở nước ngoài quay về nước làm việc.

Giải pháp nào?

Trước thực tế khó khăn, Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề ra những kế hoạch đào tạo nghề khá quy mô nhằm cải thiện tình hình.

Theo ông Nguyễn Đại Đồng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất một kế hoạch gồm năm nhóm giải pháp liên quan đến phát triển thị trường lao động trình Chính phủ, bao gồm: phát triển nguồn cung lao động, phát triển nhu cầu về lao động, thúc đẩy giao dịch trên thị trường, cải cách hệ thống tiền lương tiền công và hoàn thiện thể chế về thị trường lao động. Trong đó, quan trọng nhất là việc phát triển đào tạo nghề trên quy mô toàn quốc.

Tại hội nghị về dạy nghề, việc làm và xuất khẩu lao động toàn quốc hồi tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ sự lo ngại khi Việt Nam được xếp thứ 77 thế giới về năng suất lao động và cả nước đang có khoảng 10 triệu người không có việc làm.

Chương trình quốc gia về việc làm đến năm 2010

Mới đây nhất, Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm đến năm 2010, theo đó sẽ dành khoảng 6.000 tỉ đồng để đào tạo nghề trong bốn năm tới.

Theo đó, từ năm 2006-2010, chương trình này sẽ giúp tạo việc làm cho 2-2,2 triệu lao động; nâng cao năng lực và hiện đại hóa cho 30-40 trung tâm giới thiệu việc làm và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; đồng thời tập huấn nghiệp vụ cho 75.000 cán bộ làm công tác lao động – việc làm từ trung ương đến địa phương.

Cụ thể, nội dung chương trình sẽ bao gồm ba dự án chính là dự án vay vốn tạo việc làm, dự án hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và dự án hỗ trợ phát triển thị trường lao động. Bên cạnh đó, chương trình còn bao gồm cả hoạt động nâng cao năng lực quản lý lao động - việc làm và giám sát, đánh giá các dự án nói trên.

Điểm đáng chú ý trong dự án vay vốn tạo việc làm là các hộ sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các trang trại, làng nghề có khả năng tạo nhiều việc làm mới sẽ được cho vay ưu đãi với lãi suất thấp. Cùng được hưởng ưu đãi như vậy còn có những người thất nghiệp, người thiếu việc làm, thanh niên chưa có việc làm. Mục tiêu mà dự án này đặt ra là nhằm giải quyết việc làm cho 1,7-1,8 triệu lao động thông qua hoạt động vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm.

Riêng đối với lĩnh vực xuất khẩu lao động, chương trình này sẽ đưa 40.000-50.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Số lao động này sẽ được Chính phủ hỗ trợ về đào tạo nghề. Ngoài ra đối tượng chính sách vay vốn đi xuất khẩu lao động còn được Chính phủ hỗ trợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay.

Cũng theo Quyết định 101 nói trên, tổng nguồn vốn để thực hiện chương trình là 5.985 tỉ đồng (không kể nguồn vốn hỗ trợ việc làm ngoài nước). Trong đó, vốn từ ngân sách trung ương là 4.895 tỉ đồng (gồm 2.600 tỉ đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của năm 2005 chuyển sang và 2.295 tỉ đồng là vốn mới); vốn từ ngân sách địa phương là 560 tỉ đồng (trong đó 164 tỉ là vốn vay giải quyết việc làm của năm 2005 chuyển sang); huy động từ cộng đồng là 500 tỉ và huy động quốc tế khoảng 30 tỉ đồng.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được Chính phủ giao làm Trưởng ban chỉ đạo thực hiện chương trình này.