07:07 16/11/2015

Khó khăn vẫn đeo bám Eximbank

Hải Vân

Khó khăn kéo dài đang đẩy Eximbank từ quy mô một “ông lớn” xuống tầm trung bình trong hệ thống

Hai chỉ tiêu quan trọng trong hoạt động là cho vay và huy động của 
Eximbank cũng trượt đi - xu hướng thể hiện ở những kỳ báo cáo gần đây, 
ngược với diễn biến chung khá thuận lợi của hệ thống ngân hàng từ đầu 
năm đến nay.
Hai chỉ tiêu quan trọng trong hoạt động là cho vay và huy động của Eximbank cũng trượt đi - xu hướng thể hiện ở những kỳ báo cáo gần đây, ngược với diễn biến chung khá thuận lợi của hệ thống ngân hàng từ đầu năm đến nay.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2015 vừa công bố, khó khăn vẫn thể hiện rõ trong hoạt động của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).

Trên báo cáo tài chính hợp nhất, cho đến 30/9/2015, gần như ngoài chỉ tiêu chi phí hoạt động và nhân sự tăng lên, nợ xấu giảm mạnh (chủ yếu do bán cho VAMC), còn lại hầu hết các chỉ tiêu quan trọng khác đều sụt giảm so với cuối năm 2014.

Như thể hiện những năm gần đây, sự sụt giảm chóng mặt về tổng tài sản của Eximbank đã đẩy quy mô “ông lớn” khối ngân hàng thương mại cổ phần một thời về nhóm ngân hàng trung bình trong hệ thống.

Cao điểm cuối năm 2011, tổng tài sản của Eximbank từng lên tới 183.000 tỷ đồng, nhưng đến 30/9/2015 chỉ còn gần 127.000 tỷ đồng (giảm từ mức 161.000 tỷ đồng cuối 2014).

Hai chỉ tiêu quan trọng trong hoạt động là cho vay và huy động của Eximbank cũng trượt đi - xu hướng thể hiện ở những kỳ báo cáo gần đây, ngược với diễn biến chung khá thuận lợi của hệ thống ngân hàng từ đầu năm đến nay.

Cụ thể, cho vay khách hàng giảm về còn 84,4 nghìn tỷ đồng, so với mức 86,1 nghìn tỷ đồng cuối 2014. Ở chỉ tiêu này, việc phát triển khách hàng và dư nợ của Eximbank ngược hẳn với xu hướng tăng khá mạnh tại hầu hết các ngân hàng thương mại 9 tháng đầu năm nay.

Ở nguồn tiền gửi, Eximbank cũng giảm đi hơn 1.300 tỷ đồng, còn hơn 100 nghìn tỷ đồng so với 101,3 nghìn tỷ đồng cuối 2014. Lượng tiền gửi khách hàng không chỉ là nguồn để hoạt động, mà còn phản ánh giá trị niềm tin, thương hiệu và vị thế của ngân hàng trong cạnh tranh.

Lượng tiền gửi khách hàng giảm đi liệu có gắn với những xáo trộn có trong 9 tháng đầu năm nay, khi Eximbank từng phải lên tiếng phủ nhận không bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt? Còn gần đây, ngân hàng này đã có chính sách nâng lãi suất lên cao hơn để cải thiện huy động vốn ở các kỳ hạn dài.

Về hiệu quả kinh doanh, trong quý 3/2015, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Eximbank chỉ đạt 110,9 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 282 tỷ đồng cùng kỳ năm trước; lũy kế 9 tháng đầu năm nay đạt 677,9 tỷ đồng, cũng giảm mạnh so với 946,8 tỷ đồng năm trước.

Trực tiếp nhất, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng đột biến là nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm. Quý 3/2015, Eximbank phải trích lập chi phí này tới 332 tỷ đồng, trong khi quý 3/2014 chỉ hơn 84 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng 2015, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đã lên tới 498,5 tỷ đồng.

Điểm cải thiện rõ nét nhất trong tình hình hoạt động Eximbank 9 tháng đầu năm nay là tỷ lệ nợ xấu đã giảm mạnh, từ 2,46% xuống còn 1,65%. Dễ nhận thấy, Eximbank tiếp tục dồn và bán lượng lớn nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), lượng trích lập dự phòng liên quan cũng ở mức lớn.

Tính theo mệnh giá trái phiếu đặc biệt mà Eximbank đã bán cho VAMC, quy mô đến cuối quý 3/2015 đã lên đến 6.375 tỷ đồng, lượng dự phòng đã lên 450,3 tỷ đồng. Eximbank cho biết, dự kiến số dự phòng trái phiếu đặc biệt phải trích thêm trong quý 4/2015 là 572,2 tỷ đồng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Ở một diễn biến khác, dự kiến ngày 15/12 tới, Eximbank sẽ tiến hành đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu thành viên Hội đồng Quản trị, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2015-2020.

Với những thông tin gợi mở thời gian qua, có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ cử người tham gia cơ cấu nhân sự cao cấp của Eximbank, định hình sau đại hội cổ đông bất thường nói trên.