08:00 20/07/2023

Khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng, thủ tục phức tạp gây chậm tiến độ xây cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2

Anh Tú

Sau chuyến công tác dồn dập với các địa phương có dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 đi qua vào đầu tháng 7/2023, hai Tổ công tác của Bộ Giao thông vận tải nhận thấy nhiều vướng mắc về cung ứng, khai thác mỏ vật liệu khiến dự án chậm tiến độ khoảng 5% trong nửa đầu năm 2023...

Nhiều chủ đất yêu cầu mức giá cao hơn nhiều lần mức giá đền bù, dẫn đến việc đàm phán, thỏa thuận không thành công. Khi đó, nhà thầu phải chủ động khảo sát các mỏ mới, gây ảnh hưởng tiến độ.
Nhiều chủ đất yêu cầu mức giá cao hơn nhiều lần mức giá đền bù, dẫn đến việc đàm phán, thỏa thuận không thành công. Khi đó, nhà thầu phải chủ động khảo sát các mỏ mới, gây ảnh hưởng tiến độ.

Bộ Giao thông vận tải vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình cung ứng vật liệu cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

THI CÔNG CHẬM TIẾN ĐỘ RÕ RỆT SO VỚI KẾ HOẠCH

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội, Chính phủ ban hành các Nghị quyết triển khai với nhiều cơ chế đặc thù, đặc biệt trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện. 

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của Bộ Giao thông vận tải, sự phối hợp có trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương, toàn bộ 12 dự án thành phần đã được khởi công từ ngày 1/1/2023.

Ngay sau khi khởi công, Bộ Giao thông vận tải quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tập trung tối đa nguồn lực để tổ chức thi công với mục tiêu năm 2023 sẽ hoàn thành 35% giá trị hợp đồng.

 

Tuy nhiên, "do khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng, giá trị sản lượng sau nửa năm thi công chỉ đạt khoảng 5% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 5%. Theo kế hoạch 6 tháng đầu năm phải đạt 10%", Bộ Giao thông vận tải thông tin.

Do đó, để đảm bảo nguồn vật liệu cho dự án, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà hết sức quan tâm, trực tiếp kiểm tra hiện trường, ban hành các văn bản, công điện, chỉ thị để chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương hướng dẫn và triển khai thủ tục cấp phép, nâng công suất mỏ bảo đảm nguồn vật liệu cho dự án.

Đồng thời, lãnh đạo Chính phủ cũng giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thành lập Tổ công tác kiểm tra, làm việc với các tỉnh, thành phố thuộc khu vực dự án để kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thành lập 2 Tổ công tác do 2 đồng chí Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải là Tổ trưởng, Tổ phó là đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, các thành viên là đại diện các Bộ: Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công an.

Trong các ngày từ 3-7/7/2023, Tổ công tác kiểm tra hiện trường khu vực mỏ, làm việc trực tiếp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh tới Khánh Hòa và các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long để nắm bắt tình hình cung ứng vật liệu xây dựng phục vụ thi công các dự án thành phần và các khó khăn, vướng mắc để giải quyết theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ.

NHIỀU THỦ TỤC PHỨC TẠP, GÂY TỐN THỜI GIAN

Bộ Giao thông vận tải cho biết sau khi khởi công từ đầu năm 2023, các chủ đầu tư, nhà thầu phối hợp với các cấp chính quyền và cơ quan chức năng của địa phương chủ động lập hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại văn bản số 1441/BTNMT-ĐCKS ngày 18/3/2022.

Tuy nhiên, sau chuyến công tác, làm việc với địa phương ngay đầu tháng 7, Bộ Giao thông vận tải nhận thấy thời gian đầu, hầu hết các địa phương còn lúng túng và chưa kịp thời có văn bản hướng dẫn các nhà thầu trình tự thủ tục.

"Thời gian thực hiện công tác lập, thẩm định, xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác còn kéo dài, một số địa phương vẫn có các yêu cầu khác với hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường như: thăm dò, xác định trữ lượng khoáng sản, yêu cầu đánh giá tác động môi trường, đấu giá quyền khai thác khu vực đất công… làm phát sinh thủ tục hành chính", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Sau nhiều văn bản chỉ đạo gỡ khó, các địa phương quyết liệt vào cuộc, tích cực phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu trong việc hoàn thiện thủ tục khai thác vật liệu phục vụ các dự án. Đến nay, trình tự thủ tục cơ bản không còn vướng mắc, tình hình cung ứng vật liệu xây dựng cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 bước đầu đạt được một số kết quả tích cực nhưng còn chậm so với yêu cầu, đặc biệt là các thủ tục về đất đai làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Các vướng mắc trong quá trình thực hiện được Bộ Giao thông vận tải chỉ rõ.

Cụ thể, một số mỏ giao cho nhà thầu khai thác phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chuyển mục đích sử dụng đất và phải thông qua Hội đồng nhân dân dự kiến họp từ ngày 12-21/7. Để thực hiện việc này mất rất nhiều thời gian, thường nhà thầu không chủ động được.

Hay một số mỏ qua khu vực rừng trồng, cần phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nhưng địa phương không có quỹ đất trồng rừng thay thế (như tỉnh Bình Định) phải nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam.

Theo quy định, thủ tục này rất phức tạp qua các bước như sau: (1) UBND tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; (2) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các tỉnh khác trên cả nước có nhu cầu; (3) Yêu cầu tỉnh có nhu cầu lập dự toán kinh phí trồng rừng và phê duyệt; (4) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác nhận cho địa phương cần nộp tiền về Quỹ; (5) UBND tỉnh thực hiện công việc nộp tiền về Quỹ; (6) Quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

 

"Thực tế, tỉnh Bình Định đã gửi hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ tháng 3/2023 nhưng đến nay (khoảng 96 ngày) chưa xong thủ tục thông báo số tiền trồng rừng thay thế phải nộp do phụ thuộc rất lớn vào các tỉnh có quỹ đất đăng ký trồng rừng thay thế", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ bất cập.

Bên cạnh đó, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ chưa cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong việc nâng công suất các mỏ cát đang khai thác khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, vì vậy, các địa phương chưa triển khai các thủ tục nâng công suất để bảo đảm nguồn vật liệu cát cho các dự án.

Đối với các mỏ mới giao nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù, Nghị quyết của Quốc hội và các Nghị quyết của Chính phủ đều yêu cầu nhà thầu thi công thực hiện đánh giá tác động môi trường nhưng theo các hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhà thầu không phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, chỉ thực hiện cam kết bảo vệ môi trường và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường.

Vì vậy, "các địa phương có tâm lý e ngại, cho rằng các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường không đủ căn cứ pháp lý để thực hiện", Bộ Giao thông vận tải chỉ rõ vướng mắc.

Cùng với đó, sau khi UBND các tỉnh xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác, các nhà thầu còn phải tiếp tục thực hiện các thủ tục về đất đai như thương thảo với chủ đất về phương án, giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất…

Tuy nhiên, trong quá trình thương thảo, nhiều chủ đất yêu cầu mức giá cao hơn nhiều lần mức giá đền bù, hỗ trợ theo quy định, dẫn đến việc đàm phán, thỏa thuận không thành công. Nhiều nhà thầu phải chủ động khảo sát các mỏ mới không nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án làm ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ do phải hoàn thiện hồ sơ, thủ tục.

Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, các nhà thầu thi công lập hồ sơ còn chậm, phải bổ sung, hoàn thiện trong quá trình các địa phương rà soát, thẩm định.

Hay các khu vực mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã được các địa phương quy hoạch, đưa vào Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án, tuy nhiên một số địa phương chưa chủ động thực hiện điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, nên sau khi được giao mỏ phải mất thêm nhiều thời gian các nhà thầu mới có thể khai thác được.

"Các sở, ban, ngành của địa phương chưa chủ động hướng dẫn nhà thầu xử lý kịp thời các tình huống phát sinh và linh hoạt khi thực hiện các thủ tục nên một số mỏ sau khi hoàn thành các thủ tục không đủ điều kiện để UBND tỉnh xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác, một số mỏ có thể cho phép khai thác từng phần nhưng chưa được xử lý như tại: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa", Bộ Giao thông vận tải thông tin.

Một số địa phương khi xây dựng các khu tái định cư phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam, khả năng cung ứng từ các mỏ đang khai thác không đảm bảo nhưng chưa được áp dụng cơ chế đặc thù đối với các mỏ chưa khai thác mà phải thực hiện theo Luật khoáng sản và Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ, mất nhiều thời gian và không hoàn thành các khu tái định cư trước 30/6/2023 theo yêu cầu của Chính phủ.

Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù trữ lượng đủ đáp ứng nhu cầu nhưng các địa phương đã dành phần lớn các mỏ để phục vụ cho nhu cầu đầu tư các dự án của địa phương như: cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Cao Lãnh - An Hữu; Mỹ An - Cao Lãnh, do đó, chưa ưu tiên ngay cho 2 dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.

Vì vậy, việc cung ứng vật liệu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo còn chậm, kéo dài. Khi thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường đối với các mỏ cát giao nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù nếu không thực hiện song song với quá trình hoàn thiện hồ sơ, khai thác sẽ khó đảm bảo có đủ vật liệu phục vụ thi công các dự án trong năm 2023.