09:00 07/07/2023

Các dự án cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long gặp khó vì thiếu vật liệu cát san lấp

Xuân Nghi

Vấn đề thiếu hụt nguồn cát san lấp phục vụ thi công các dự án cao tốc ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, một lần nữa đặt ra yêu cầu làm thế nào để nhanh chóng tháo gỡ, trong đó có việc tăng công suất khai thác các mỏ cát vật liệu cát, tránh để vỡ tiến độ các dự án đã khởi công…

Thiếu hụt trầm trọng nguồn cát san lấp là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thiếu mặt bằng thi công, từ đó các dự án cao tốc ở ĐBSCL có khả năng đối diện nguy cơ vỡ tiến độ.
Thiếu hụt trầm trọng nguồn cát san lấp là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thiếu mặt bằng thi công, từ đó các dự án cao tốc ở ĐBSCL có khả năng đối diện nguy cơ vỡ tiến độ.

Vừa qua, tại các buổi làm việc với các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long về tiến độ thi công và nguồn cát san lấp phục vụ cho các dự án cao tốc Bắc Nam, cao tốc trục ngang của tổ công tác Bộ Giao thông vận tải, lãnh đạo Bộ đã đặt ra yêu cầu sớm nâng công suất các mỏ khai thác, gỡ khó cho các dự án cao tốc ở đây.

THI CÔNG CẦM CHỪNG VÌ KHÔNG CÓ MẶT BẰNG

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết hiện khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã khởi công hai dự án cao tốc là cao tốc Bắc Nam phía đông đoạn Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau và cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Riêng dự án cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau hiện đang gặp khó khăn rất lớn do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết, vừa qua Quốc hội và Chính phủ đã ban hành các nghị quyết cho phép áp dụng cơ chế đặc thù nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi công, triển khai dự án đồng thời cũng đã có các công điện gửi các bộ, địa phương dự án tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến khai thác vật liệu cát san lấp.

Báo cáo với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và tổ công tác của Bộ vào chiều ngày 5/7/2023, ông Trần Anh Thi, Giám đốc Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (Ban Mỹ Thuận) - chủ đầu tư – cho biết, tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường của dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau vào khoảng 18,5 triệu m3, tập trung chủ yếu vào năm 2023 – 2024, giai đoạn cao điểm thi công dự án. Tuy nhiên, đến nay mặc dù dự án đã khởi công được 6 tháng nhưng khối lượng công việc đã thực hiện được chỉ đạt khoảng 5% mà nguyên nhân chủ yếu là do khâu san lấp.

Giai đoạn đầu triển khai dự án là các gói thầu về thi công san lấp, làm mặt đường. Việc thiếu hụt trầm trọng nguồn cát san lấp là nguyên nhân khiến các nhà thầu thời gian qua chỉ có thể triển khai các hạng mục cầu trên tuyến, cầu tạm, đường công vụ đối với những nơi đã có được mặt bằng…

Ông Thi cũng nói rằng, Ban Mỹ Thuận thời gian qua đã làm việc với các địa phương nhằm thúc đẩy các thủ tục tăng khai thác cát ở các mỏ vật liệu hiện hữu, tìm kiếm nguồn vật liệu đắp đường tránh cho dự án bị gián đoạn, chậm tiến độ.

Các tỉnh An Giang và Đồng Tháp đến nay đã cam kết bố trí được 1,471 triệu m3 cát để cung cấp cho dự án; trong đó, An Giang bố trí được khoảng 1,1 triệu m3 và Đồng Tháp khoảng 0,37 triệu m3. Tỉnh Vĩnh Long đang hoàn thiện các thủ tục liên quan để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất giao mỏ cho nhà thầu tiến hành khai thác.

GỠ VƯỚNG KHAI THÁC CÁT BẰNG NHỮNG HƯỚNG DẪN CỤ THỂ

Vào giữa tháng 5/2023, Cục quản lý Đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông vận tải có văn bản gửi Cục Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị ưu tiên phân bổ 10 triệu m3 cát trong năm 2023 từ ba tỉnh trong khu vực là Vĩnh Long, An Giang và Đồng Tháp cho hai dự án thành phần Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau của dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, nhằm bảo đảm dự án thi công đúng tiến độ.

Tổng lượng cát san lấp dùng cho các dự án cao tốc qua vùng ĐBSCL lên đến hàng chục triệu m3, trong khi nguồn cát phục vụ cho thi công đang thiếu hụt trầm trọng.
Tổng lượng cát san lấp dùng cho các dự án cao tốc qua vùng ĐBSCL lên đến hàng chục triệu m3, trong khi nguồn cát phục vụ cho thi công đang thiếu hụt trầm trọng.

Cục quản lý Đầu tư xây dựng cho biết, trong tổng khối lượng 18 triệu m3 cát dành cho hai dự án thành phần, riêng trong năm 2023 nhu cầu cát đắp nền cần cho dự án vào khoảng 9 triệu m3.

Trước đó, đầu tháng 02/2023, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Đồng Tháp đề nghị ba địa phương này bố trí nguồn vật liệu cát cho dự án. Cụ thể: Bộ Giao thông vận tải đề nghị tỉnh An Giang bố trí khoảng 7 triệu m3, tỉnh Đồng Tháp khoảng 7 triệu m3, và tỉnh Vĩnh Long khoảng 5 triệu m3 cát. Riêng trong năm 2023, tỉnh An Giang sẽ bố trí 3,3 triệu m3, tỉnh Đồng Tháp là 3,3 triệu m3 và tỉnh Vĩnh Long là 2,5 triệu m3.

Đến giữa tháng 4/2023, Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ thông báo, cho hay trong tổng số khoảng 5 triệu m3 cát san lấp cho các công trình thuộc hai dự án đi qua địa phận Cần Thơ (dự án thành phần Cần Thơ – Hậu Giang và cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng), địa phương này đã thu xếp và tìm đủ 3,5 triệu m3 cát.

Cũng tại buổi làm việc với tổ công tác của Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, để bảo đảm đủ khối lượng cát theo chỉ tiêu phân bổ còn lại (gần 3 triệu m3), tỉnh sẽ bố trí 6 mỏ cát, nâng thêm công suất mỏ đang khai thác để phục vụ cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Đối với An Giang, khối lượng 2,2 triệu m3 còn lại (đã bố trí 1,1 triệu m3), tỉnh đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy.

Riêng tỉnh Vĩnh Long, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long thống nhất giao mỏ cát NTSH.7 bên nhánh trái sông Hậu và sông Trà Ôn thuộc hai xã Thiện Mỹ và Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn.

Tuy vậy, cái khó chung mà các địa phương dự án gặp phải trong việc tăng công suất khai thác các mỏ cát vật liệu, là vấn đề thủ tục, gồm thủ tục mở mỏ mới. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Giao thông vận tải cần có các hướng dẫn cụ thể các quy định cũng như vận dụng các quy định pháp luật, trong đó có báo cáo đánh giá tác động môi trường (Báo cáo ĐTM), trở ngại chính trong vấn đề thủ tục. Các địa phương, trên cơ sở các hướng dẫn, quy định chung đó, sẽ áp dụng nhanh chóng và thuận lợi vào điều kiện của địa phương mình.