11:34 16/12/2015

Khoan thai từng bước lụa là…

PV

Khoan thai từng bước lụa là… - Ảnh 1

Học cách thư giãn chân Cũng như các bộ phận khác của cơ thể, đôi chân cũng rất cần được thư giãn sau một ngày dài làm việc. Trái với hình dung của mọi người, việc thư giãn đôi chân thực tế không hề đòi hỏi một liệu trình phức tạp và tốn thời gian. Và như thế, bạn hoàn toàn có thể áp dụng chúng hàng ngày một cách hết sức dễ dàng. - Hãy cởi bỏ đôi dày, dép bó chặt chân vào bất cứ lúc nào có thể trong ngày. Khi về nhà bạn cũng nên ngay lập tức cởi bỏ giày dép, đi chân trần hoặc chọn dùng loại dày dép dành riêng để đi trong nhà. Vào mùa đông, bạn cũng nên cởi bỏ giày đi ngoài đường khi về đến nhà, thay tất mới và đi dép vải để chống trượt chân. Chỉ cần vậy thôi cũng đã đem lại sự thư giãn phần nào cho đôi chân của bạn. - Chỉ cần một chậu nước ấm hoà với 1 dúm muối rồi ngâm chân vào đó, bạn sẽ thấy đôi chân và toàn bộ cơ thể bạn thư thái hơn rất nhiều. - Sau khi ngâm chân vào nước ấm, thấm khô chân và dành thêm khoảng 3 – 5 phút để massage chân. Không cần tới những động tác massage chuyên nghiệp cầu kì, bạn chỉ cần dùng tay xoa bóp nhẹ nhàng ôm theo đường cong của đôi bàn chân, từ gót cho tới ngón chân. Dùng ngón cái và lòng bàn tay ấn nhẹ 1 lần, giữ khoảng vài giây lên những vùng cơ căng, nhức mỏi. Hoặc bạn cũng có thể mua các loại dụng cụ massage chân (hiện đã có bán nhiều tại các siêu thị) rồi ấn nhẹ phần hột mềm lên chân để tăng hiệu quả thư giãn. - Trước khi đi ngủ, bạn có thể tập một vài động tác giãn cơ nhẹ nhàng cho chân như sau: Nằm thẳng, hai tay đặt song song cơ thể, thả lỏng người, thở nhẹ nhàng. Tưởng tượng như bạn đang đặt bàn chân lên một bức tường, từ từ ấn nhẹ ngón chân vào không khí tạo cảm giác như bạn đang đứng kiễng chân rồi làm ngược hướng lại. Mỗi động tác giữ tư thế vài giây rồi thả lỏng. Sau đó, tự do uốn duỗi, ngọ ngậy ngón chân, bàn chân cho đến khi không còn thấy cảm giác đau mỏi ở chân. Liệu pháp… làm điệu cho chân Hiện nay vẫn có không ít phụ nữ cho rằng việc tỉa móng và sơn màu cho móng tay, móng chân là sự phù phiếm và không cần thiết. Song thực tế không phải vậy. Trái lại, đây thực ra cũng là một liệu trình chăm sóc sức khoẻ đôi bàn chân. Bởi liệu pháp làm đẹp này có khả năng giúp cải thiện tuần hoàn máu, nuôi dưỡng da và kích thích thư giãn cơ, giảm thiểu cơ hội mắc các chứng bệnh về chân.  - Việc cắt tỉa móng chân sẽ làm giảm thiểu nguy cơ móng mọc ngược, với điều kiện bạn không được cắt tỉa móng quá sát, quá sâu. Đường cong của móng chỉ nên vừa bằng đầu ngón tay và cạnh móng không nên cắt sâu, nên để ngang bằng đỉnh móng. - Việc ngâm châm trước khi làm đẹp móng chính là một biện pháp thư giãn, giúp diệt khuẩn cho chân và góp phần dưỡng ẩm cho da chân nếu bạn bổ sung tinh dầu dưỡng vào nước ngâm chân. Để đạt hiệu quả ngâm chất tốt nhất, bạn cần giữ vệ sinh sạch chậu ngâm (để tránh gây nhiễm trùng, nhiễm khuẩn cho chân); ngâm chân trong nước ngập bàn chân, nếu có điều kiện, ngâm trong chậu nước ngập đến mắt cá chân là tốt nhất; ngâm chân tối thiểu 10 phút, tốt nhất nên ngâm khoảng 30 phút; không ngâm chân khi chân có vết thương hở. - Trước khi kết thúc quá trình ngâm chân, bạn nên chà và làm sạch cho phần da thừa ở gót chân, đệm chân, phần bề mặt trên, bề mặt dưới và cạnh móng. Điều này sẽ giúp loại bỏ sạch các loại vi khuẩn bám vào móng và da chân, giảm thiểm nguy cơ gây viêm nhiễm móng và chai chân. Nếu không có bàn chải chuyên dụng cho bàn chân, bạn có thể sử dụng bàn chải đánh răng để thay thế. - Tẩy da chết cũng là một công đoạn cần thiết giúp ngăn ngừa hiện tượng chai chân. Khi thoa các sản phẩm tẩy tế bào chết lên chân, bạn cũng đã góp phần kích tuần hoàn máu dưới da giúp chân được thư giãn. - Công đoạn dưỡng ẩm cho da chân và móng là cực kì cần thiết. Chúng sẽ giúp phục hồi sức khoẻ cả cho móng và da chân, đồng thời đem lại cho đôi bàn chân dáng vẻ mềm mịn, tươi xinh hơn. - Sơn móng với sơn dưỡng và sơn tạo kiểu cho móng sẽ giúp duy trì độ ẩm tự nhiên của móng, đồng thời góp phần bảo vệ móng trước những tác hại từ môi trường bên ngoài. Đôi chân cần được nâng niu Việc chăm sóc cho đôi chân thực ra không chỉ đơn giản là những thao tác thư giãn, massage chân tại nhà mà chúng đòi hỏi bạn phải lưu ý cẩn trọng đến cả những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày của mình. - Hãy tập cho mình thói quen chú ý đến đôi bàn chân của mình nhiều hơn trong cuộc sống hàng ngày. Trong khi ngồi làm việc, bạn có thể kết hợp tập thư giãn cơ và tăng tuần hoàn máu cho chân bằng cách thường xuyên nhón mũi chân. Nếu phải ngồi làm việc liên tục trong thời gian dài, bạn nên nhớ đứng dậy và bước dạo vài bước mỗi nửa tiếng một lần để thư giãn chân. Bạn không nên ngồi vắt chéo chân, nếu không, bạn cần thay đổi tư thế chân thường xuyên. - Chọn giầy đúng cách để bảo vệ đôi chân: + Bạn cần biết rằng, cỡ chân bạn không chỉ thay đổi vào các thời điểm trong ngày mà chúng còn thay đổi theo… tuổi tác của bạn. Vì thế, tốt nhất bạn không nên chọn giày theo một cỡ nhất định. + Nhìn chung mọi người đều có hai bàn chân khác nhau về kích cỡ. Do đó, bạn nên lưu ý chọn giày vừa với bàn chân lớn nhất của mình. + Bạn cần luôn thử giày trước mỗi lần mua mới vì cỡ giày thực ra cũng có sự khác biệt nhất định tuỳ theo dáng giày, chất liệu giày và cơ sở đóng giày. Thời gian thử cỡ giày tốt nhất vẫn là vào cuối ngày, khi chân bạn đạt kích cỡ lớn nhất. + Khi thử giày mới, bạn nên đứng lên đi dạo vài vòng để biết chân có thực sự thoải mái với giày hay không. Khi đi lại, gót giày phải tạo cảm giác vững vàng, không gây ra cảm giác tròng trành cho mỗi bước đi. Khi đứng thẳng, phần mũi chân phải cách mũi giày một khoảng cỡ hơn 1cm một chút. Bề rộng của bản giày phải đảm bảo thoải mái cho phần đệm chân của bạn. + Nên chọn giày có chất liệu phần mũi mềm, linh hoạt để tạo cảm giác thoải mái cho chân. Phần đế giày lại nên chọn loại cứng, chắc giúp hạn chế trẹo, trượt chân. Phần đế có độ dày lớn sẽ giúp hỗ trợ tốt hơn cho chân bạn, đặc biệt là trong trường hợp bạn phải đi trên những bề mặt cứng. + Không chọn giày chật với hy vọng đi một thời gian chúng sẽ giãn ra vì chúng có thể gây ra những tổn thương trầm trọng cho chân bạn.

Tâm An