Khoảng cách nhập siêu từ Thái Lan đã được thu hẹp
Điểm sáng trong trao đổi thương mại song phương 6 tháng đầu năm 2024 là mức độ thâm hụt thương mại của Việt Nam với Thái Lan giảm so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, mức giảm này chưa mang tính bền vững...
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, tính đến hết tháng 5/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Thái Lan đạt 7,78 tỷ USD, giảm 1,67% so với cùng kỳ năm 2023 (7,91 tỷ USD).
Thâm hụt thương mại của Việt Nam với Thái Lan trong 5 tháng đầu năm 2024 là 1,32 tỷ USD, giảm đáng kể so với mức 1,81 tỷ USD cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,23 tỷ USD tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2023. Các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam gồm: điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, phương tiện vận tải và phụ tùng, dầu thô, sản phẩm hóa chất…
Các mặt hàng ghi nhận tỷ lệ xuất khẩu tăng trưởng mạnh gồm xăng dầu các loại (tăng hơn 1107%), thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh (tăng hơn 962,3%), than đá (tăng 665,4% ), sản phẩm hóa chất (tăng 231,7%), quặng và khoáng sản khác (tăng 206%), sản phẩm từ chất dẻo (tăng 158,1%)...
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan 5 tháng đầu năm 2024 đạt 4,55 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2023. Các sản phẩm nhập khẩu chính là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng điện gia dụng và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, ô tô nguyên chiếc các loại, linh kiện, phụ tùng ô tô, kim loại thường khác, chất dẻo nguyên liệu.
So với 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã tăng nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu (tăng 100,4%), quặng và khoáng sản khác (tăng 88,5%), khí đốt hóa lỏng (tăng 51,8%), dược phẩm (tăng 47,5%), kim loại thường khác (44,9%); trong khi giảm nhập khẩu xăng dầu các loại (giảm 61,9%), phân bón các loại (giảm 43,4%), ô tô nguyên chiếc các loại (giảm 41,9%)…
Tham tán Thương mại Việt Nam Lê Hữu Phúc nhận định, trong năm 2024, quan hệ thương mại Việt Nam – Thái Lan vẫn tiếp tục chịu tác động mạnh của tình hình kinh tế thế giới và có sự chững lại trong bối cảnh chung khi nhiều thị trường lớn đối mặt với nguy cơ suy thoái khiến sức mua giảm và hoạt động kinh tế, sản xuất đình trệ.
Điểm sáng trong trao đổi thương mại song phương 6 tháng đầu năm 2024 là mức độ thâm hụt thương mại của Việt Nam với Thái Lan giảm so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, mức giảm này chưa mang tính bền vững.
Để xuất khẩu bền vững sang thị trường Thái Lan, ông Lê Hữu Phúc cho rằng cần đôn đốc việc triển khai các thỏa thuận, cam kết đã ký, đặc biệt là những thỏa thuận trong Phiên họp lần thứ 4 của Ủy ban hỗn hợp Thương mại (JTC).
Chú trọng tới những cam kết về mở cửa thị trường, từng bước xóa bỏ các rào cản thương mại liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật và các biện pháp kiểm dịch.
Tăng cường trao đổi các cấp để rà soát và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc và khó khăn, rào cản thương mại trong hoạt động xuất-nhập khẩu giữa 2 nước, thuận lợi hóa quy trình và tạo điều kiện giúp doanh nghiệp kinh doanh.
Cần thúc đẩy phía bạn mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm của Việt Nam đặc biệt là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như thực phẩm và đồ uống, hàng tiêu dùng và hàng công nghiệp.
Theo dõi, thu thập thông tin, đánh giá về chính sách phát triển kinh tế của nước bạn, đặc biệt liên quan đến các lĩnh vực thương mại, công nghiệp năng lượng, đầu tư, chuẩn bị nội dung hỗ trợ cho việc tổ chức Phiên họp Nội các chung giữa Việt Nam và Thái Lan, dự kiến vào tháng 8/2024. Chuẩn bị nội dung cho Phiên họp Ủy ban thương mại hỗn hợp song phương (JTC) lần thứ 5 giữa hai nước, dự kiến tổ chức trong quý III/2024.
Đặc biệt, đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu theo các định hướng kết nối các chuỗi cung ứng bao gồm: hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm và xây dựng đại lý; giới thiệu và tiếp cận việc đưa hàng Việt Nam tiêu thụ tại các siêu thị của Thái Lan.
Đẩy mạnh hợp tác kinh tế địa phương, nhất là các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, nơi tập trung đông đảo kiều bào sinh sống, với các tỉnh miền Trung Việt Nam. Tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường của các sản phẩm địa phương theo chương trình OTOP của Thái Lan và chương trình OCOP của Việt Nam.
Mặt khác, tìm kiếm các cơ hội kết nối doanh nghiệp hai bên trong các lĩnh vực như phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo.