Khoanh vùng bảo vệ rạn san hô tại vườn quốc gia Cát Bà
Các rạn san hô tại vườn quốc gia Cát Bà nơi hải sản sinh sản và phát tán nguồn lợi trên biển. Tuy nhiên, các rạn san hô này đang bị suy giảm do chịu tác động bởi các hoạt động như nuôi trồng, khai thác thủy sản; dịch vụ du lịch sinh thái biển...
Ngày 29/11/2024, tại Cát Bà, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp với Vườn Quốc gia Cát Bà và Công ty Cổ phần Chuỗi thực phẩm TH (Tập đoàn TH) tổ chức thả phao bảo vệ rạn san hô.
Trước đó, vào chiều 28/11, IUCN đã tổ chức họp tổng kết “Thả phao khoanh vùng sinh thái bảo vệ rạn san hô tại vườn quốc gia Cát Bà” tại Hải Phòng. Đây là hoạt động do công ty Cổ phần Chuỗi thực phẩm TH (Tập đoàn TH) tài trợ trong khuôn khổ Liên minh Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam (VB4E) do IUCN thiết lập từ năm 2021-2024.
KHOANH VÙNG BẢO VỆ RẠN SAN HÔ TRÊN BIỂN
Ông Nguyễn Văn Thịu, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà, cho biết với tổng diện tích hơn 17.000 ha, Vườn quốc gia Cát Bà là nơi chứa đựng giá trị cao về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học và đa dạng hệ sinh thái. Đây cũng là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà và là vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà.
“Vườn quốc gia vừa có hệ sinh thái rừng, vừa có hệ sinh thái biển, đặc biệt có kho dự trữ nguồn gen sinh vật, là sinh sản tự nhiên, ương nuôi và phát tán nguồn giống thủy sản cho vùng biển phía Bắc Việt Nam”, ông Thịu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Thịu, các hệ sinh thái biển tại Cát Bà đang chịu tác động nặng nề do phát triển kinh tế, phát triển các dịch vụ du lịch, đặc biệt là hoạt động nuôi trồng thủy sản tràn lan, không theo quy hoạch đã và đang gây sức ép rất lớp đến môi trường. Tình trạng khai thác quá mức và bằng các hình thức hủy diệt như mìn, điện đã làm nguồn lợi tự nhiên suy giảm nhanh chóng.
“Tất cả những yếu tố trên đã dẫn đến tình trạng suy giảm liên tục các rạn san hô tại quần đảo Cát Bà cả về độ phủ, diện tích và số lượng loài trong khoảng 15 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, các các yếu tố tự nhiên cộng với khả năng tự phục hồi chậm của các rạn sạn hô đã và đang làm giảm diện tích phân bố của các rạn san hô tại quần đảo Cát Bà”, ông Thịu nêu thực tế.
Từ năm 2021 – 2022, trong khuôn khổ VB4E, IUCN và Vườn quốc gia Cát Bà đã thực hiện chương trình giám sát rạn san hô, nhằm đề xuất các biện pháp quản lý hiệu quả rạn san hô. Qua 2 năm thực hiện chương trình giám sát các rạn san hô tại 3 khu vực (Vạn Tà, Ba Đình, Giỏ Cùng), các kết quả cho thấy độ phủ trung bình của các rạn san hô đều tăng nhưng chậm, thành phần loài san hô có độ đa dạng thấp. Trong khu vực đã xác định được tổng số 37 loài san hô thuộc 9 họ, trong đó họ Faviidae chiếm ưu thế nhất với 9 loài, tiếp theo là họ Poritidae với 6 loài, còn các họ khác có từ 2-4 loài.
Dựa trên các kết quả giám sát, Vườn quốc gia Cát Bà đã đề xuất một số giải pháp quản lý và bảo tồn hiệu quả rạn san hô khu vực này, bao gồm: thiết lập hệ thống phao phân vùng bảo vệ, cảnh báo bảo vệ rạn san hô.
Trên cơ sở đó, từ năm 2023 - 2024, IUCN thông qua VB4E tiếp tục hỗ trợ Vườn quốc gia Cát Bà thiết lập hệ thống phao neo phân vùng sinh thái rạn san hô tại một số khu vực có phân bố rạn san hô còn tốt, cần được bảo vệ như khu vực Vạn Tà, Ba Đình, Giỏ Cùng và Cát Dứa. Trong hai năm, 23 quả phao đã được thả tại khu vực nói trên với với tổng diện tích gần 34 ha mặt biển được khoanh vùng quản lý bảo vệ.
Việc thả phao đã góp phần xác định rõ các khu vực phân bố của rạn san hô, giúp các phương tiện khai thác thủy sản, dịch vụ du lịch có thể xác định được ranh giới vùng bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô và tránh đi lại trong khu vực này. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuần tra, kiểm tra và tăng cường thực thi pháp luật, xử lý các vụ vi phạm.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi môi trường nước mặn và các loài hầu, hà, sinh vật ký sinh trên hệ thống dây và phao, nên hệ thống dây phao có thể bị đứt, nhiều quả phao bị thủng. Do đó, hệ thống phao nao cần được bảo dưỡng ít nhất 1 năm/1 lần.
Bên cạnh đó, hàng năm quần đảo Cát Bà phải hứng chịu rất nhiều đợt Bão và áp thấp nhiệt đới trên biển, làm mất và hư hỏng các quả phao. Cụ thể, trong cơn bão số 3 (Yagi) đầu tháng 9 vừa qua, Vườn quốc gia Cát Bà đã bị mất toàn bộ 40 quả phao neo trong hệ thống phao neo phân vùng sinh thái rạn san hô được lắp từ 2013 và mất 5 quả trong tổng số 12 quả được lắp năm 2023 được tài trợ thông qua VB4E.
“Những quả phao này làm bằng composit, Việt Nam chưa sản xuất được, nên phải nhập khẩu. Giá mỗi quả phao là 3,5 triệu đồng, cộng với hệ thống neo, chi phí 10 triệu đồng cho lắp đặt 1 quả phao”, ông Thịu nói.
KHÍCH LỆ CÁC DOANH NGHIỆP CHUNG TAY BẢO TỒN THIÊN NHIÊN
TS Nguyễn Đăng Ngải, Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường Biển Việt Nam nhận định: "Việc đặt phao cảnh báo để hạn chế các hoạt động trên là cần thiết. Tuy nhiên, do diện tích khu vực lớn nhưng hiện số lượng phao còn hạn chế, nên cần phải xác định khu vực có nhiều san hô cũng như chịu nhiều tác động của con người để đặt cảnh báo".
Cho rằng sau bão Yagi, những thiệt hại ở trên cạn có thể đã được xác định, tuy nhiên dưới đại dương cũng có những thiệt hại nhất định, do đó, TS Ngải đề nghị cần có nghiên cứu xác định thiệt hại, đặc biệt là với các rạn san hô.
Ông Nguyễn Thế Phương – Quản lý kế hoạch tiếp thị Công ty THFC, đại diện Tập đoàn TH, bày tỏ rất lấy làm tiếc trước thông tin cơn bão số 3 vừa qua đã khiến mất đi toàn bộ 40 quả phao neo trong hệ thống phao lắp từ năm 2013 và mất 5 trong số 12 phao lắp đặt năm 2023. Sau khi trao đổi với VB4E, Cty THFC – Tập đoàn TH quyết định tặng thêm 5 quả phao và các thiết bị kèm theo để bổ sung cho một số phao mất đi do cơn bão vừa qua.
Theo ông Phương, Tập đoàn TH đã tài trợ dự án bảo tồn rạn san hô ở Vườn Quốc Gia Cát Bà, trong khuôn khổ Liên minh Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam từ năm 2021 đến năm 2024. Tập đoàn TH thực hiện Chính sách Phát triển bền vững với 6 trụ cột bao trùm nhiều lĩnh vực trong xã hội, từ Dinh dưỡng và Sức khỏe, đến Môi trường, Giáo dục, Con người, Cộng đồng và một lĩnh vực khá đặc biệt là Phúc lợi động vật.
“Chúng tôi không chỉ thực hiện trách nhiệm xã hội qua các hoạt động thiện nguyện, phát triển sinh kế, hỗ trợ người yếu thế, mà các hoạt động bảo vệ môi trường chiếm vị trí quan trọng. Trong đó, bao gồm các sáng kiến giảm phát thải và bảo tồn đa dạng sinh học, tất cả được thực hiện với tôn chỉ mà Nhà sáng lập Tập đoàn luôn nhấn mạnh: Trân quý Mẹ Thiên nhiên”, ông Phương chia sẻ.
Tập đoàn TH là thành viên đồng sáng lập Liên minh Doanh nghiệp vì môi trường Việt Nam - VB4E. “Qua thực tế đồng hành cùng VB4E, TH thấu hiểu những thách thức của các đơn vị bảo tồn trong việc thiếu nguồn lực tài chính. Bởi vậy, việc một doanh nghiệp tư nhân như TH vào cuộc, rất mong sẽ truyền cảm hứng và sự đồng cảm, sự khích lệ để các doanh nghiệp khác cùng bước vào sự nghiệp bảo tồn các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học của đất nước”, ông Phương nhấn mạnh.