15:20 29/04/2021

Khởi nghiệp tuổi "lên lão"

Tuấn Dũng

Khởi nghiệp cho người cao tuổi được coi là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, để người cao tuổi tiếp tục được cống hiến.

Khởi nghiệp cho người cao tuổi là một trong những giải pháp đảm bảo an sinh - Ảnh: Sưu tầm
Khởi nghiệp cho người cao tuổi là một trong những giải pháp đảm bảo an sinh - Ảnh: Sưu tầm

Điều kiện sống ngày càng được cải thiện, tuổi thọ của người dân càng cao. Điều này cũng gây sức ép đáng kể cho sự nghiệp an sinh xã hội, mặc dù 70% người cao tuổi  ở Việt Nam vẫn tiếp tục lao động kiếm sống. 

MỘT NỬA NGƯỜI CAO TUỔI LÀ CHỦ KINH TẾ

Chính vì vậy, chính sách hỗ trợ sinh kế hay giúp cho người cao tuổi khởi nghiệp sẽ là tiền đề quan trọng giúp người cao tuổi phát huy tốt năng lực, tự bảo đảm thu nhập.

Thực tế, có rất nhiều người còn sức khỏe, nhất là từ tuổi 60 đến 75, họ vẫn muốn tiếp tục cống hiến. Số liệu của Bộ Lao động thương binh và Xã hội cho thấy, có tới 60% người cao tuổi trong độ tuổi 60-69 đang tiếp tục làm việc.

Nghiên cứu từ tháng 6-8/2020 tại 03 địa phương: Tp Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hải Dương cho thấy, 40-45% người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế. Trong số những người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế, có khoảng 3-4% là chủ các mdoanh nghiệp các trang trại trồng trọt, chăn nuôi..., đã và đang tạo ra hàng triệu chỗ làm việc cho người lao động ở khắp vùng miền trong cả nước.

 

Theo Tổng Điều tra dân số và nhà, tính đến năm 2019, cả nước có gần 12,22 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12,7% dân số. Trong đó, tỉ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên tăng nhanh nhất, chiếm 7,7% năm 2019 với  gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17,75% tổng số người cao tuổi)

Bên cạnh đó, có hàng chục nghìn người cao tuổi tham gia hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hoạt động văn hóa, nghệ thuật... Như tại huyện Thanh Miện (tỉnh Hải Dương), có khoảng 40-50% người cao tuổi trong tổng số 22.596 người cao tuổi của huyện vẫn tham gia hoạt động kinh tế; có tới 1/2 vẫn là  chủ kinh tế hộ (chủ yếu đố tuổi 60-69). Trong đó, 230 người cao tuổi là chủ các trang trại, thu hút nhiều lao động.

Một xu hướng khá phổ biến gần đây trên thị trường lao động đó là, số người cao tuổi ngày càng chiếm tỷ lệ cao hơn. Theo thống kê, cứ 10 lao động lớn tuổi tại các đô thị thì có bảy lao động làm việc trong khu vực phi chính thức.

Tuy nhiên, để người cao tuổi tìm được công việc phù hợp không phải dễ dàng. Trong khi các quy định về lao động lớn tuổi ở nước ta vẫn khá hạn chế; thị trường lao động dành riêng cho đối tượng này chưa được hình thành.

Hiện người lao động trong nhóm từ 45 tuổi trở lên có rất ít lựa chọn việc làm. Nhóm từ 50 tuổi trở lên, công việc họ tìm được chủ yếu tập trung vào các việc, như: bảo vệ, giúp việc gia đình, chăm sóc người già... Còn nhóm từ 60 tuổi trở lên, qua các kênh tuyển dụng thì hầu như không có việc làm cần đến họ. Nhiều người cao tuổi có khả năng, kinh nghiệm, muốn đầu tư sản xuất kinh doanh nhưng lại thiếu vốn.

CẦN CHÍNH SÁCH PHÙ HỢP

Những năm qua, đã có hàng loạt chính sách, pháp luật về sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi. Trong đó phải kể đến các quyền được quy định trong Luật Người cao tuổi, nhiều chính sách liên quan đến an sinh xã hội, chăm sóc và trợ giúp người cao tuổi  đã được Luật hóa cụ thể trong Luật Người cao tuổi...

Gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung còn giao cho Cục Bảo trợ xã hội nghiên cứu vấn đề: “Khởi nghiệp cho người cao tuổi”. 

Nói về người cao tuổi và quốc gia khởi nghiệp, TS. Nguyễn Lê Minh, chuyên gia cao cấp về lao động - việc làm cho biết, cả nước có gần 400.000 người cao tuổi làm kinh tế giỏi. 

"Sẽ là một thiếu sót – nếu không nói là một thiệt thòi và lãng phí rất lớn – nếu chúng ta để người cao tuổi đứng bên lề của quá trình khởi nghiệp quốc gia”, TS. Nguyễn Lê Minh nói.

Trao đổi thực tiễn về hoạt động sinh kế của người cao tuổi, TS. Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam cho biết, rất cần Nhà nước có chính sách  hỗ trợ về sinh kế một cách cụ thể cũng như có sự ưu tiên, khác biệt giữa chính sách hỗ trợ về sinh kế đối với người cao tuổi với chính sách hỗ trợ sinh kế đối với người dân có độ tuổi thấp hơn độ tuổi của người cao tuổi. Chính sách hỗ trợ sinh kế cho người cao tuổi ở vùng đặc biệt khó khăn khác với chính sách hỗ trợ sinh kế cho người cao tuổi ở vùng đồng bằng và thành thị.

Việc phát huy sinh kế và khởi nghiệp cho người cao tuổi, đặc biệt là trong bối cảnh khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số và tác động của đại dịch Covid-19, được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách. Vừa bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi, vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội của đất nước…